Vui buồn bao nhiêu, không tỏ cùng ai nhưng có lẽ Sài Gòn vẫn lặng yên thấu hiểu trong những ngày phơi mình rong ruổi dưới trời nắng chang, dưới những cơn mưa trút nước… Những con đường Sài Gòn đêm muộn, những nỗi niềm cuối ngày xa vắng, những ly cà-phê nơi quán cóc, những con phố liêu xiêu của tình bạn, tình yêu và tình người… Tất cả đã ở lại, đã gói ghém, đã ôm trọn vào lòng, vào Sài Gòn mới quen mà như thân đã lâu…
Sài Gòn còn lan tỏa trong hồn một khoảng rộng: đó là những ngôi chùa Sài Gòn. Hôm nọ, bạn nhắn tôi rằng bạn thấy nhớ chùa quá, bạn muốn vào Sài Gòn để mỗi tối có thể đến chùa, có thể đọc thời kinh tối,… nơi mang trả cho bạn sự bình yên, trong lời kinh, trong tiếng hồng chung, trong niềm tin về sự hướng thượng giải thoát… nơi có gốc bồ-đề to thật to và lá không ngừng reo trong gió, nơi có cây sa-la đâm tược thay lá bốn mùa, nơi có ngài Quán Thế Âm từ bi hứa khả…
Tôi cảm được cái tâm tình ấy của bạn. Nơi tôi quy y Tam bảo cũng là một ngôi chùa ở Sài Gòn. Nơi tôi tìm về sau những ngày nặng trĩu suy tư, sau những giờ làm việc mệt nhoài cũng là những ngôi chùa ở Sài Gòn… Chưa xa đã nhớ. Ngay những ngày còn ở đây, mấy đỗi bận quá vài ngày không qua chùa lòng đã thấy nhớ, thấy thiếu…
Ở đời, đủ đầy cơm áo là điều mong cầu chung của tất thảy mọi người nhưng làm đầy những khoảng trống tâm hồn có lẽ còn quan trọng hơn nhiều. Có những chênh vênh, có những yên an mà tiền tài không phải là cứu cánh, nhất là với những người đang sống trong khổ đau, tuyệt vọng…
Tôi đi chùa, tôi nhìn về những nhà sư, và nghĩ về mục đích cuộc đời mình trong kiếp sống này. Có khi, lòng sáng ra những điều mới - khi nhìn thấy dáng áo bày vai hữu của vị sư nào đó, loáng thoáng lan tỏa chân nghĩa của Chánh pháp trong phút tĩnh lặng nơi cửa thiền…
Hôm nọ, lúc ghé chùa, tôi tình cờ nhìn thấy một ông bác dắt cháu nhỏ chừng sáu, bảy tuổi gì đó đến bên cái hồ nhỏ phóng sanh cá. Lát sau, trong túi áo, cậu trai móc ra một bọc gạo nhỏ xíu để cho chim bồ câu trong sân chùa. Cậu còn biết hồi hướng sau khi thả cá xuống hồ và cho chim ăn…
“Năm nay bác đã 77 tuổi rồi, không biết sẽ ra đi lúc nào. Bác hay dẫn đứa cháu ngoại này đi chùa, dạy nó niệm A Di Đà, niệm Bổn sư Thích Ca, niệm Bồ-tát Quán Âm. Lúc nào bác chết thì thôi, chứ mong là cho nó một sự chuẩn bị để bước vào cuộc sống sau này… Giờ già rồi chỉ làm được thế này thôi…”, bác cười đôn hậu quay sang nói với tôi.
Rồi hai ông cháu, cháu nắm tay ông, một bóng cao, một bóng thấp dắt nhau đi trong ánh chiều loang đổ…
Tôi chợt thấy xúc động rưng rưng, ừ thì trong những nỗi đau cuộc đời còn có những điều tốt đẹp vô cùng khi tình người lớn lên trong tình đạo, trong ước nguyện về sự vững vàng lành thiện của người trước dành cho người sau… Vâng, cuộc sống cũng thật đẹp mà…
Vậy, mai tôi cũng sẽ lại đến chùa. Bạn cũng vậy nhé, đến chùa nghen…
Tác giả bài viết: Trần Trọng Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự