SC Thích Đồng Hòa: “Chùa phải là chốn về Văn hóa, Tâm linh của người dân”

Thứ năm - 25/02/2010 08:35
Năm qua, chùa Tăng Phúc (Long Biên, Hà Nội) đã có nhiều hoạt động Phật sự ý nghĩa, đóng góp tích cực vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh. Nhân dịp đầu xuân mới Canh Dần, Phattuvietnam.net đã có cuộc trò chuyện với Sư cô Thích Đồng Hòa – Trụ trì chùa để tìm hiểu về những đóng góp của nhà thiền đối với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.

PV: Thưa Sư cô, xin Sư cô giới thiệu đôi nét về chùa Tăng Phúc?

Sư cô Thích Đồng Hòa: Chùa Tăng Phúc (Thượng Cát)- số 27 phố Thượng Thanh, P. Thượng Thanh- Q. Long Biên- HN trước đây là huyện Gia Lâm, là một ngôi Chùa được hình thành từ đầu thế kỷ XII và được tôn tạo lại vào đầu thế kỷ XVII rất to rộng trang nghiêm nhưng trải qua nhiều thập kỷ do chiến tranh bom đạn nên ngôi Chùa bị tàn phá nặng nề làm mất đi nhiều di vật quý. Trải qua thời gian mưa nắng và không có sư trụ trì nên ngôi Chùa đã xuống cấp nghiêm trọng. 

Năm 2002, Chùa đã có Sư trụ trì nên Nhà Chùa cùng lãnh đạo và nhân dân Phật tử địa phương đã khởi công động thổ đại trùng tu lại toàn bộ ngôi Chùa, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu…tổng kinh phí trên dưới 10 tỷ đồng đến nay đang vào giai đoạn hoàn thiện gấp các hạn mục để chuẩn bị khánh thành chào đón 1000 năm Thăng Long Hà Nội. 

PV: Như vậy, chùa Tăng Phúc cũng mới được khôi phục trong thời gian gần đây. Xin sư cô cho biết những thuận lợi và khó khăn của việc khôi phục lại chùa, kể cả việc khôi phục sinh hoạt Thiền môn? 

Sư cô Thích Đồng Hòa: Từ khi khởi công xây dựng ngôi Chùa này từ một mái am tranh nhỏ bé khoảng 700m2 tổng diện tích sân vườn, quá chật hẹp nên đã nhiều lần xin lại đất Chùa cũ để mở rộng khuông viên chùa đến nay tổng diện tích khoảng 1400m2, với mặt bằng xây dựng hiện trạng Chùa 2 tầng hết 700m2 với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng.

Hhiện nay đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các công trình phụ họa cho ngôi Chùa thì cũng đã gặp không ít khó khăn như về mặt đất đai, kinh phí, thời tiết v.v.. nên quá trình trùng tu bị kéo dài hơn dự kiến, từ đó kéo theo các mặt hoạt động tại Chùa như tổ chức các buổi thuyết giảng, các khóa tu cho phật tử vào các ngày lễ lớn trong năm cũng hạn chế. 

Tuy nhiên là nhờ hồng ân Tam Bảo, lịch đại Tổ sư, Chư tôn Thiền đức lãnh đạo giáo hội Phật giáo VN, nhất là Thành Hội Phật Giáo HN và quý cơ quan ban ngành các cấp đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ nên đến nay ngôi Chùa đã hoàn thành được hai phần ba. 

Điều đặc biệt là tín tâm và lòng thành của Phật tử thập phương và người dân trên địa bàn rất lớn nên đã góp sức, góp công, góp của xây dựng lại chùa. 

Tuy nhiên, điều mà tôi cũng rất trăn trở là khôi phục lại cơ sở vật chất của chùa chỉ là một phần, là điều kiện cần. Khôi phục lại sinh hoạt tôn giáo, hoằng pháp lợi sinh, phục vụ Phật tử và người dân để góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo mới là điều khó khăn, thách thức ở phía trước. Có một thực tế hiện nay là đa phần người đi chùa chỉ thắp hương, lễ Phật, cầu cúng mà chưa có nhiều cơ hội cho hai bên để học hỏi Phật pháp. 

PV: Như Sư cô vừa đề cập, một trong những đặc thù tại các chùa miền Bắc hiện nay là đa phần người đến chùa là khách vãng lai, hoặc người dân chỉ đến chùa để cúng bái, cầu xin. Với cương vị là người trụ trì, sư cô có suy nghĩ và giải pháp về vấn đề này? 

Sư cô Thích Đồng Hòa: Đức Phật không phải là một vị Thần linh ban phúc giáng họa cho con người mà ngài là một bậc giác ngộ toàn năng, toàn trí, toàn đức, với hạnh nguyện đầy từ bi và trí tuệ vô thượng, Đức Phật đã dắt dẫn chúng sinh bỏ tà quy chính, từ bỏ tâm lý tự ti để có thể bước lên hàng tôn quý, giải thoát những khổ đau và đạt đến giác ngộ cứu kính. 

Điều cần phải trao truyền cho Phật tử là phải sống thật từ tình thương và hạnh nguyện tự độ, độ tha, biết hy sinh, dấn thân vào chốn khổ đau cứu giúp, đem đến an lạc cho mình và tha nhân góp một phần nào đó để xây dựng cho thế giới này trở thành Cực lạc. 

Phật tử đi chùa lễ Phật không chủ yếu để cúng bái và cầu xin mà phải nên tìm hiểu học hỏi, thực hành giáo lý Đức Phật dạy là tốt nhất. 

Vì thế, Trụ trì một ngôi Chùa là đã mang một trọng trách rất lớn, có thể nói là một giáo hội thu nhỏ được nằm trong một ngôi Chùa, phải tổ chức được nhiều hoạt động hoằng pháp, lễ hội, văn hóa, từ thiện xã hội, thanh thiếu niên Phật tử, đưa ngôi chùa trở thành một trung tâm văn hóa, chốn về tâm linh của cộng đồng địa phương. 

PV: Vậy năm qua, chùa Tăng Phúc đã có những hoạt động gì theo định hướng đó? 

Sư cô Thích Đồng Hòa: Năm 2009 vừa qua, bên cạnh các sinh hoạt thường nhật như tụng kinh, niệm Phật, tu tập bát quan trai, thuyết giảng Phật pháp, chùa đã tổ chức Đại lễ Phật đản, Vu lan, giỗ Tổ thành một sự kiện văn hóa lớn, tổ chức chương trình tư vấn và cầu nguyện mùa thi, tham gia các Phật sự chung của Thành hội và Giáo hội… 

PV: Thưa sư cô, trong năm 2010, chùa sẽ có những hoạt động đáng chú ý gì? 

Sư cô Thích Đồng Hòa: Trong năm 2010 là năm mà thành phố Hà Nội và nhân dân trong cả nước đang hướng về đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Ngôi Chùa này nằm trên đất Hà thành và có từ thế kỷ XII cũng không ngoài mục tiêu đó. Mọi việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo đều phải cố gắng nhanh gọn để chào mừng Đại lễ. 

Trọng tâm là chùa sẽ đẩy mạnh sinh hoạt Phật tử, tạo ra nề nếp, phát triển các nhóm Phật tử theo đặc thù để có chương trình tu tập phù hợp, đặc biệt là mở khóa tu ngắn ngày cho các đối tượng khác nhau. Chùa sẽ mở khóa tu một ngày an lạc vào Chủ Nhật cuối cùng của hàng tháng. Ngoài ra, nhà chùa cũng suy nghĩ tới việc tổ chức những ngày, khóa tu cho các em thanh thiếu niên học sinh, nhất là vào dịp trước lúc thi cử. 

Chùa sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy hiệu quả các chương trình đã thực hiện trong năm qua như các Đại lễ Phật giáo, tư vấn mùa thi, từ thiện xã hội. Trong năm nay Nhà Chùa dự kiến sẽ mở một lớp học tình thương cho các em học sinh nghèo hiếu học, phòng khám từ thiện Đông y.

Đặc biệt, chùa cũng nghĩ  tới việc phối hợp với chính quyền phường để tổ chức một số sự kiện văn hóa vào các dịp như Trung thu, Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. 

PV: Sư cô có lời khuyên gì cho Phật tử và nhân dân trong những ngày đầu xuân này? 

Sư cô Thích Đồng Hòa: Đi lễ Phật đầu năm đúng nghĩa khi con người không còn hận thù, bức bách khổ não, không phải sống trong phập phồng lo âu, sợ hãi. 

Đón Xuân trong Phật giáo chính là đón Xuân trong tuệ giác Phật Đà, sống có trách nhiệm, kế vãng khai lai, hoằng truyền Phật đạo, lợi lạc tự thân và tha nhân. 

Mùa Xuân Phật giáo nở rộ khắp nơi và đầy ý nghĩa khi con người có niềm tin và thực hành theo lời Phật dạy biết chuyển hóa khổ đau thành ánh sáng trí tuệ, khơi nguồn an lạc vô biên tiềm tàng từ vô lượng kiếp nơi chính mình. 

PV: Thành kính tri ân Sư cô đã dành cho Phattuvietnam.net cuộc phỏng vấn.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây