Tính dục dưới góc nhìn Phật giáo

Thứ ba - 06/03/2012 08:18
Phật giáo nhìn tính dục dưới khía cạnh của sự thèm khát và đau đớn. Đó là mối hiểm nguy, xô đẩy con người vào cảnh đọa đầy của dục vọng và khổ đau.

Tính dục là nguồn gốc của... sinh tử

Con người được sinh ra bởi sắc dục, chết bởi sắc dục, đó là lẽ thường của thế tục và thuận theo thế tục thì cứ sống đi chết lại không ngừng.

Sắc dục là chứng bệnh chung của người đời. Mọi người đều có thể bị nó làm mê nếu không kiêng sợ giữ gìn, cũng khó tránh khỏi những điều không tốt đến với mình.

“Trong các thứ ái dục, không gì đáng ngại bằng sắc dục. Lòng ham thích sắc đẹp to lớn không gì sánh bằng...” - lời Ðức Phật dạy.

Không có lòng tham dục thì sẽ không có bất cứ phiền não nào nhưng ngược lại, một khi có lòng tham dục thì chuyện gì cũng xảy ra. Thế giới, vạn sự, vạn vật và vạn loài, thứ gì cũng do lòng tham dục sinh ra cả.

Theo thuyết nhân quả trong đạo Phật thì ái là nhân, dục là quả. Nuôi dưỡng ái dục là hủy diệt thân hiện tại, nuôi dưỡng thân tương lai, cứ như thế thân tiếp nối thân, luân hồi trong sáu đường như dây xích không biết đâu bắt đầu, không biết đâu kết thúc, vô định.

“Nếu mọi người phóng túng theo ái dục, chạy theo tình ái thì càng ngày càng lún sâu, mê mờ càng ngày càng tăng, càng sâu càng đậm” - Hòa thượng Thích Tuyên Hóa cho hay.

Cũng theo Hòa thượng thì chúng ta phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ mê đắm sắc tướng. Nếu chúng ta mê chấp, cùng với sắc tướng “hợp lại thành một” thì ắt sẽ có nhiều tai họa xảy ra.

Mặt khác, nếu phạm giới dâm dục thì rất dễ phạm giới sát sinh, trộm cắp và vọng ngữ. Và việc ăn thịt sẽ khiến dục niệm sẽ nhiều, vọng tưởng cũng nhiều, rất khó nhập định. Không ăn thịt thì dục vọng mới nhẹ, lòng sẽ biết đủ, cũng sẽ bớt vọng tưởng.

Cần phải biết kiềm chế... tính dục

Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra nên trong ngũ giới, Đức Phật nói đến giới thứ ba (bảo vệ tiết hạnh - PV) nhưng không phải ai trong xã hội cũng phải tuân theo giới này.

Tuy nhiên, khi đã nguyện giữ giới thì phải giữ giới nghiêm chỉnh, cần biết kính trọng mình, kính trọng người khác. Không để cho nạn tà dâm gây nên sự đổ vỡ của gia đình và đời sống đôi lứa.

Mặt khác, cũng theo giáo lý của Phật giáo thì tính dục cũng như tất cả những gì liên hệ đến thân xác và lạc thú phát sinh từ giác cảm đều được nhìn dưới khía cạnh của sự thèm khát và bám víu, khổ đau sẽ phát sinh từ những thứ xúc cảm ấy là không tránh khỏi được.

Do vậy, chúng ta phải vượt lên trên tình dục mới có thể thăng tiến trên đường tu tập tâm linh.

“Bởi vì khi nào còn vướng mắc trong đó, tâm thức chúng ta sẽ luôn luôn bị quấy nhiễu, sẽ rơi vào u tối và hoang mang, sẽ ngụp lặn trong ghen tuông, lo sợ, hận thù, căng thẳng, và những thứ đó sẽ tiếp tục lôi kéo những thứ khác” - lời Thiền sư Bhante Gunaratana (người Sri Lanka).

Chính vì vậy mà theo giáo lý nhà Phật thì chúng ta cần phải kiềm chế tính dục để không bị rơi vào cái lạc thú sẽ làm mình mù quáng và rối ren.

Như vậy, muốn kiềm chế được tính dục trước hết không được nuôi dưỡng tính dục trong tâm mình mặc dù nó vẫn xảy ra nhưng chúng ta phải biết ngăn chặn và cắt bỏ.

“Thương yêu chưa đủ, hạnh phúc cần phải đáp ứng các nhu cầu thực tiễn nữa. Tâm lý người nữ luôn mong cầu được khéo léo săn sóc, mong muốn được làm đẹp, trong thái độ tôn trọng thực sự. Vấn đề ở đây là thái độ tôn trọng bạn đời” - Giáo lý đạo Phật.

Vấn đề về ẩm thực cũng ảnh hưởng nhiều đến tính dục của con người. Trước hết là không nên ăn những thứ giàu chất dinh dưỡng vì ăn nhiều, lòng dục nhiều và chất bổ dưỡng nhiều sẽ sinh những ý niệm dâm dục. Mặt khác, chúng ta không ham ăn ngon, ăn nhiều và phải luyện tập ăn uống sao cho vừa đủ duy trì sinh mạng là đúng đắn và phù hợp.

Đức Phật dạy: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nữ sắc, cũng đừng nói năng với họ”. Đây là cách người nam đối xử với người nữ. Còn về cách người nữ đối xử với người nam thì Đức Phật dạy: “Hãy thận trọng, đừng nhìn ngó nam sắc, cũng đừng nói năng với họ”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây