Xin đừng hời hợt với cuộc đời

Chủ nhật - 21/04/2013 14:46
Đừng nhìn người khác qua vẻ bề ngoài, sẽ không đúng đâu. Có một chuyện vui thế này:
“Ngựa vằn yêu hươu con nên thổ lộ: ‘Em yêu, anh có thể lấy em làm vợ được không?’. Hươu con thật thà: ‘Thật ra thì em rất yêu anh nhưng em không dám lấy anh’. Ngựa vằn đau khổ gào lên: ‘Tại sao?’. Hươu con trả lời: ‘Mẹ em nói rồi, tất cả những ai xăm mình thì cũng đều là những người xấu’”. Ý của câu chuyện này là nếu đánh giá sự việc chỉ qua vẻ bề ngoài thì sẽ có những hiểu lầm vô cùng sai lệch, ngờ nghệch và nguy hiểm.
 
Trong một công trình xây dựng, tất cả các phần móng đều được che lấp. Tuy ẩn dưới đất và không nhìn thấy nhưng móng lại có tác dụng chịu lực cho toàn bộ trọng lượng của công trình. Toà nhà sang trọng đến mấy cũng phải có một hệ thống móng vững chắc thì mới an toàn được. Tâm hồn con người cũng như phần móng bị che lấp ấy, nó ẩn sâu bên trong cơ thể mà không thể thấy qua vẻ bề ngoài. Nhưng con người có mạnh mẽ hay không là nhờ tâm hồn của mình. “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là vậy.

Tôi rất thương người thân nhưng tôi không giúp họ, tôi muốn họ tự vươn lên trong cuộc sống. Vì tôi biết khi sinh ra, mỗi ngừoi đều đã có sẵn bản năng sinh tồn. Hãy dùng bản năng sinh tồn của mình để đối phó với đời. Thật ra bạn mạnh mẽ quá đi chứ. Nếu không mạnh mẽ thì bạn đã chết từ lâu vì những bệnh lặt vặt rồi, chứ sao đủ sức ngồi đây để đọc những gì tôi viết được.

Người ta đau khổ vì cứ bám hoài, bám mãi vào những thứ không thật sự là của mình. Mối quan hệ giữa người với người trong cuộc đời này thật ngắn ngủi và dễ đổ vỡ. Phải cảm ơn những người đối xử không tốt với ta vì nhờ họ mà ta mới trở nên mạnh mẽ. Đừng bạo lực. Có câu chuyện thế này: “Để dạy con, ông bố đánh cậu con trai thật đau rồi quát: ‘Mày không được ăn hiếp mấy đứa bé nhỏ hơn mày nghe chưa?’. Đứa con hỏi lại: ‘Thế sao bố lại đánh con?’”. Cứ nóng nảy để rồi sau đó lại phải xin lỗi thì để làm gì. Phải chấp nhận những điều bí ẩn như một gia vị của cuộc sống. Tuổi đời phải đủ lớn thì ta mới hiểu rành rọt mọi vấn đề được.

Cơ hội không bao giờ đến với những kẻ lười biếng. Khi nào mất sạch mọi thứ, bạn mới biết được sức mạnh thật sự của mình. Khi gặp khó khăn, bản năng mách bảo bạn rằng bạn phải vượt khó để tiếp tục sống sót. Thật ra mình chẳng lừa được ai hết, chỉ lừa chính mình thôi. Nhưng khi lừa dối bản thân mà lương tâm lên tiếng thì mình sẽ đau khổ và dằn vặt vô cùng. Có khi bạn thấy mình nhỏ bé không phải vì bạn thật sự nhỏ bé mà do bạn đang so sánh mình với người lớn hơn. Cái số sung sướng mà có hậu khổ thì cũng chỉ là số khổ. Số phận hoàn toàn do ta quyết định, gieo tính cách, gặt số phận. Thực tế thì chẳng có ai là sướng mãi, cũng chẳng có ai khổ mãi, không được đổ lỗi cho hoàn cảnh. Mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời là mối quan hệ giữa những cái ta có với chính bản thân ta.

Ngày nay, người ta tránh né nỗi buồn sâu thẳm bên trong mình bằng những trò tiêu khiển, làm việc để kiếm thật nhiều tiền nhằm quên đi những nỗi buồn, đi du lịch… Nhưng thực tế, cuộc sống là một quá trình trải nghiệm tất cả mọi cảm giác: từ vui đến buồn, từ hưng phấn đến tuyệt vọng, từ khoái cảm đến vô cảm… Khi biết cách sống, ta mới có được hạnh phúc. Hạnh phúc từ tâm mà ra, vật chất không mang lại hạnh phúc mà cũng không mang đến bất hạnh. Không bao giờ được đánh mất sự nhạy cảm đối với nhu cầu của người khác.

Nếu tha thứ được cho bản thân thì phải tha thứ được cho người khác. Dù dang hai tay rộng nhất đến mức có thể thì bạn cũng chỉ ôm được vùng không gian trước mặt chứ không thể ôm cả thế giới. Điều đó nói rằng bạn không bao giờ làm chủ được cả thế giới này, thế nên đừng tham lam quá mức. Phải nhìn sâu vào bản chất của mọi vấn đề, đừng nhìn hời hợt.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hữu Hiếu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây