Tự do thật sự

Thứ hai - 15/04/2013 15:19
Tự do thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn dục vọng.
Có hai thứ tự do trong cuộc đời này: tự do thỏa mãn các dục vọng và tự do thoát khỏi những dục vọng.

Nền văn hóa phương Tây hiện đại chỉ công nhận loại tự do đầu tiên, tự do thỏa mãn dục vọng. Và nó tôn thờ loại tự do ấy bằng cách đưa lên trang đầu các bản hiến pháp và tuyên ngôn nhân quyền.

Người ta có thể nói rằng tín điều căn bản của hầu hết các nền dân chủ phương Tây là cố hết sức bảo vệ quyền tự do thỏa mãn mọi dục vọng của con người. Nhưng điều đáng chú ý là trong những đất nước như thế người ta không cảm thấy tự do cho lắm.

Loại tự do thứ hai là tự do thoát khỏi dục vọng, chỉ được ca ngợi trong một vài cộng đồng tôn giáo. Ở đó người ta ca ngợi sự bằng lòng, bình an, giải thoát. Điều đáng chú ý là ở những nơi thanh bần như thế, như ở tu viện của chúng tôi, người ta cảm thấy tự do.

Các bạn mong muốn thứ tự do nào?

Một hôm có hai vị sư người Thái được mời thọ trai ở nhà một cư sĩ. Trong phòng khách nơi họ được mời vào và ngồi chờ có một bể nuôi nhiều loại cá.

Vị sư nhỏ tuổi hơn tỏ ý không bằng lòng vì việc nuôi cá trong bể là không hợp với giáo lý từ bi của Phật giáo. Việc ấy cũng giống như nhốt cá vào tù vậy. Lũ cá đã làm gì đáng phải bị giam giữ trong một nhà tù bằng kính như vậy? Chúng cần được tự do bơi lội trong dòng sông hay ao hồ tùy thích.

Tuy nhiên, vị sư thứ hai không đồng ý. Vị ấy lý giải rằng, quả là những con cá ấy không được tự do theo đuổi sở thích riêng của chúng, nhưng sống trong bể thì chúng thoát khỏi nhiều mối nguy cơ. Rồi vị ấy liệt kê ra các loại tự do ấy như thế này:

1. Có bao giờ quí vị thấy người đi câu buông câu trong một bể cá trong nhà? Chưa! Vậy thì tự do đầu tiên mà những con cá kia có được là không bị người đi câu đe dọa. Hãy tưởng tượng hoàn cảnh của cá trong tự nhiên.

Khi chúng thấy một con sâu béo mập hay một con ruồi ngon lành chúng không thể biết chắc là đớp mồi có an toàn hay không. Chắc chắn là chúng đã từng trông thấy bà con hay bạn bè nuốt một con sâu trông ngon lành rồi đột nhiên biến mất khỏi cuộc đời của chúng vĩnh viễn.

Đối với một con cá trong tự nhiên, việc ăn chất chứa nhiều nỗi hiểm nguy và thường kết thúc một cách bi thảm. Bữa ăn đem đến tai họa. Ắt hẳn con cá nào cũng bị chứng khó tiêu mãn tính do luôn luôn lo lắng, và con nào bị bệnh thần kinh hoang tưởng chắc là nhịn đói tới chết luôn.

Cá trong tự nhiên có thể bị mắc bệnh tâm thần hết. Còn cá trong bể được tự do khỏi mối hiểm nguy này.

2. Cá trong tự nhiên thường lo bị cá lớn nuốt. Thời buổi này ở nhiều sông, lội ngược dòng vào ban đêm ắt hẳn không còn an toàn như trước! Thế nhưng không có người nuôi nào lại thả những con cá lớn vào để ăn những con cá mình nuôi. Vậy thì những con cá trong bể thoát khỏi mối hiểm nguy bị cá lớn ăn thịt.

3. Trong tự nhiên, có những lúc cá có thể không tìm được thức ăn. Còn cá trong bể thì như thử sống gần một nhà hàng vậy. Cứ ngày hai lần, bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng được giao đến tận nơi, còn hơn là đặt mua bánh pizza giao tại nhà vậy vì không phải trả tiền. Cho nên những con cá trong bể không bị cái đói đe dọa.

4. Khi bốn mùa thay đổi, sông hồ phải chịu những nhiệt độ khắc nghiệt. Vào mùa đông thì lạnh buốt, có thể bị băng tuyết che phủ. Vào mùa hè có thể rất nóng, thậm chí là nước bị cạn khô. Còn cá trong hồ thì cứ như ở trong phòng có máy điều hòa hai chiều. Nhiệt độ trong bể luôn được giữ không thay đổi và dễ chịu suốt ngày, quanh năm suốt tháng. Như thế, con cá trong bể có được tự do thoát khỏi thời tiết nóng lạnh thất thường.

5. Trong tự nhiên, khi cá bị bệnh, chẳng có ai săn sóc, điều trị. Còn cá trong bể thì được bảo hiểm y tế. Khi có ốm đau, chủ nhà liền mời thầy thuốc đến khám bệnh, mà cũng không cần phải đi bệnh viện nữa. Như thế con cá trong bể được tự do khỏi mối nguy cơ không có bảo hiểm y tế.

Vị sư lớn tóm tắt lại lập luận của mình. Làm thân cá trong bể được hưởng nhiều thuận lợi. Quả thật là chúng không được tự do theo đuổi các sở thích của mình và bơi đi đây đi đó, nhưng chúng thoát khỏi nhiều mối hiểm nguy và nỗi khó chịu.

Vị sư lớn tiếp tục giải thích rằng đời sống của những người sống cuộc đời đạo hạnh cũng như thế. Quả thật là họ không được tự do theo đuổi những dục vọng và thỏa mãn những mong muốn này nọ, nhưng họ thoát khỏi nhiều mối hiểm nguy và nhiều điều khó chịu. Còn bạn muốn thứ tự do nào?

Một hôm, một vị sư ở tu viện của chúng tôi được thỉnh đi dạy thiền ở trong một nhà tù mới gần Perth, nơi mà tình hình an ninh được kiểm soát hết sức chặt chẽ. Một nhóm tù nhân đã trở nên quen biết và kính trọng thầy ấy. Vào cuối một thời pháp thoại, họ bắt đầu hỏi thầy về nếp sống hằng ngày trong một tu viện Phật giáo.

Thầy trả lời: “ Buổi sáng chúng tôi thức dậy lúc 4 giờ. Đôi khi cũng lạnh lắm vì phòng chúng tôi không có máy sưởi. Chúng tôi ăn mỗi ngày một bữa, tất cả thức ăn đều bỏ chung vào một bình bát. Vào buổi chiều và tối chúng tôi không ăn. Dĩ nhiên là cũng không có chuyện sex hoặc rượu chè. Chúng tôi cũng không có vô tuyến truyền hình, truyền thanh, hay âm nhạc. Chúng tôi không bao giờ xem phim, mà cũng không chơi thể thao. Chúng tôi nói ít, làm việc nhiều, và dành thời gian rảnh ngồi tọa thiền, theo dõi hơi thở. Chúng tôi ngủ trên sàn nhà.”

Những người tù tỏ ra hết sức ngạc nhiên về sự kham khổ của nếp sống tu hành. So sánh với tu viện, thì nhà tù hết sức nghiêm nhặt này trở thành một khách sạn năm sao. Quả thật, một người tù đã quá thương cảm hoàn cảnh thanh bần của vị sư đồng môn của tôi đến độ quên khuấy là mình đang ở đâu và anh ta chợt nói, “ Sống trong tu viện cực khổ quá. Hay thầy đến ở đây với chúng con đi!”

Mọi người trong phòng ai cũng bật cười. Tôi cũng bật cười khi nghe thầy ấy kể lại câu chuyện. Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ: Quả thật tu viện của tôi kham khổ hơn cả nhà tù khắc nghiệt nhất, tuy nhiên nhiều người tự nguyện đến đây và họ cảm thấy hạnh phúc.

Trong khi đó, nhiều người lại muốn thoát khỏi nhà giam kia, và không cảm thấy hạnh phúc ở đó. Tại sao như thế? Bởi vì các thầy muốn sống ở tu viện, còn phạm nhân thì không muốn ở tù. Sự khác nhau là ở chỗ đó.

Bất cứ nơi nào mà bạn không muốn ở thì dù cho có tiện nghi đến đâu chăng nữa, đối với bạn, nó cũng là một nhà tù. Đây là ý nghĩa thật sự của chữ “tù”.

Nếu bạn đang làm một công việc mà mình không thích thì bạn cũng đang ở tù. Nếu bạn đang có một mối quan hệ mà mình không mong muốn thì các bạn cũng đang ở tù. Nếu các bạn đang ở trong một thân thể ốm đau bệnh hoạn mà bạn không muốn thì thân thể ấy cũng là một nhà tù đối với bạn.

Nhà tù là bất cứ một hoàn cảnh nào mà bạn không muốn mà lại dính mắc vào. Vậy thì làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi các nhà tù của cuộc đời?

Dễ thôi. Hãy thay đổi quan niệm về hoàn cảnh mà bạn đang sống. Thậm chí là ở ngay nhà tù San Quentin, hay thua một chút là ở tu viện của chúng tôi đi, mà bạn thấy muốn sống ở đó thì nơi ấy không còn là một nhà tù đối với bạn nữa.

Bằng cách thay đổi quan niệm về công việc, về mối quan hệ, về thân thể ốm đau, bằng cách chấp nhận hoàn cảnh thay vì không ưa muốn, thì nó không còn là một nhà tù nữa.

Khi các bạn bằng lòng thì các bạn được tự do. Tự do là bằng lòng với nơi chốn mình đang ở. Nhà tù là nơi mình không muốn ở. Thế giới tự do là thế giới mà người bằng lòng sinh sống.

Tự do thật sự là giải thoát khỏi dục vọng chứ không bao giờ là tự do thỏa mãn dục vọng.

Tác giả bài viết: Trần Ngọc Bảo trích dịch

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây