Cúi đầu cần có dũng khí, ngẩng đầu cần có tự tin

Thứ bảy - 30/07/2022 23:01
Hãy trân trọng từng phút giây ta đang sống, dù gì đi nữa, thì buổi truyền hình trực tiếp vẫn là sinh động nhất.
Cúi đầu cần có dũng khí, ngẩng đầu cần có tự tin

Trên đời có một điều duy nhất không thay đổi, chính là tất cả đều đang đổi thay. 

Thật vậy! Dòng sông đang chảy, hoa nở rồi tàn, Trái Đất xoay quanh mặt trời, và cũng tự chuyển động quanh nó một vòng sau mỗi một chu kỳ; không ngừng một phút giây nào cả. Chuyển động chính là vĩnh hằng! Nếu các lạp tử không chuyển động - chúng ta không chuyển động thì vũ trụ sẽ không tồn tại.

Trên đường đời không có cơ hội để diễn tập. Bởi lẽ mỗi ngày đều là truyền hình trực tiếp. Những gì đã qua không thể nào quay lại được, có chăng cũng chỉ là trong ký ức mờ nhạt mà thôi!

Hãy trân trọng từng phút giây ta đang sống, dù gì đi nữa, thì buổi truyền hình trực tiếp vẫn là sinh động nhất.

Đừng đi quá nhanh, cả linh hồn cũng không theo kịp

Chuyện kể rằng, có một bộ lạc nọ, họ thường xuyên phải di chuyển chỗ ở. Và trong hành trình của mình, cứ di chuyển hai ngày thì lại dừng chân nghỉ ngơi một ngày. Có người không hiểu lý do vì sao, bèn đến hỏi vị thủ lĩnh già.

– Thưa thủ lĩnh, tại sao chúng ta không đi một mạch cho tới nơi, mà cứ phải dừng chân như vậy? Có khi nào sẽ làm chậm trễ cuộc hành trình của chúng ta? 

Vị thủ lĩnh già, trầm ngâm rồi đáp:

– Chàng trai trẻ! Nếu chúng đi quá nhanh thì ngay cả linh hồn cũng sẽ không theo kịp, dừng lại nghỉ ngơi là để chờ linh hồn của chúng ta đi cùng!

Quả thực mỗi chúng ta đều đang đi trên hành trình của chính mình. Song dù có gấp gáp thế nào đi chăng nữa, thì cũng nên dành một chút thời gian để linh hồn theo kịp. Nếu vội vàng quá, sẽ trở thành cái xác không hồn!

Đó cũng là lý do vì sao chữ 忙 (mang: nghĩa là bận rộn, vội gấp), được tạo thành bởi bộ 忄‘Tâm’ bên trái – nghĩa là trái tim; bên phải là chữ 亡 ‘Vong’ – tức là mất đi. Hàm ý rằng, đừng sống vội quá, bận rộn quá… đến mức đánh mất cả linh hồn.

Cuộc sống tuy rằng rất bề bộn, xồ bồ ngược xuôi nhưng cũng đầy ý vị. Vậy cũng nói: “Nhân sinh như một tách trà”, thưởng trà cũng là để nếm trải cái ý vị của cuộc đời. Không ai khổ cả một đời, nhưng cũng sẽ vất vả một hồi. Nhiều người thích uống trà cũng bởi thích cái vị chát đắng của trà, nhâm nhi một hồi rồi mới từ từ ngọt lại. ‘Tiền khổ hậu vinh’ mới thực là cái vị kiếp nhân sinh.

Không cần biết ta sống được bao lâu, nhưng nhất định phải sống một cuộc đời có ý nghĩa. Nói cách khác, chính là sử dụng quỹ thời gian của mình đúng nghĩa.

Người ta thường nói, thời gian cũng như một tấm lưới. Bạn bổ lưới ở đâu, sẽ có thu hoạch ở đó. ‘Tấm lưới thời gian’ của chúng ta rất hữu hạn và rất nhỏ bé giữa biển cả bao la. Vì vậy trước khi thả lưới, ngư phu phải nhọc công tìm hiểu kĩ xem chỗ nào tập trung nhiều tôm cá; cần phải buông lưới đúng chỗ thì mới mong có một mẻ lưới đầy khoang.

Quỹ thời gian của chúng ta trong một ngày, chỉ vỏn vẹn trong 24 tiếng đồng hồ. Đừng dùng quá nhiều thời gian vào những việc vô bổ, nếu không việc qua rồi, khi nhìn lại thấy tiếc nuối thì ngày đã xế chiều. 

Đừng tự biến mình thành những bản sao

Mỗi người khi sinh ra đều là một nguyên tác. Điều đáng buồn hơn cả là có rất nhiều người, dần dần sau đó đã trở thành những bản sao. Đấng Tạo hoá sinh ra vạn vật đều khác nhau, không một người nào giống người nào. Mỗi chúng ta đều là tác phẩm độc nhất vô nhị của Ngài; ngoại hình không giống nhau, suy nghĩ càng không giống nhau. Dù chúng ta vô tình hay cố ý để trở thành một bản sao của người khác, thì đã bỏ quên giá trị của sinh mệnh rồi!

Khác biệt lớn nhất giữa ‘người làm’ và ‘không làm’ là ở đâu?

Người không làm có quyền bình phẩm về người làm – Trên đời sao bất công đến như vậy? Người không làm thì có tư cách gì mà đánh giá kẻ chịu làm? Nhưng quả thực sự vô lý này lại đang diễn ra hàng ngày. Nhất là chúng ta đang sống trong thời đại 4.0, mạng xã hội đã trở thành sân chơi của mọi giai tầng trong xã hội. Ngay khi ai đó có một sự kiện gì thì sẽ lập tức đối mặt với hàng nghìn hàng vạn lời khen chê, chỉ trích, mặc dù họ chỉ là người ngoài cuộc. Những người không làm chỉ nhìn kết quả mà tự cho mình cái quyền ‘bình phẩm đánh giá người khác’. Nhưng thực sự chỉ có người trong cuộc, chỉ có ai thực sự bắt tay vào làm mới biết được cái khó, cái khổ bên trong sự việc. 

Cho nên thay vì đánh giá, chỉ trích sai lầm của ai đó, ta chỉ nên suy ngẫm và rút ra bài học cho chính mình. Nếu góp ý, cũng nên xuất phát từ thiện tâm, thật lòng muốn tốt cho người khác mà thôi.

Làm cho người, khéo cho ta

Khi còn trẻ bạn có thể chụp rất nhiều ảnh, không ngoài mục đích là để trưng bày cho người khác xem. Đến khi về già mới thực sự nhận ra, chụp ảnh là để cho tự mình xem. Cũng như khi còn trẻ, chúng ta thường hay quan tâm đến đánh giá của người khác và cũng muốn khoe với người khác những điều về mình qua những tấm hình đẹp. Nhưng người xem ảnh không thể có được cái cảm xúc thật của người trong ảnh được. Họ chỉ có thể ngắm nhìn mà thôi!

Vậy cũng nói, chúng ta đang sống không phải vì những đánh giá của người khác. Luôn giữ thiện niệm và một trái tim từ bi, để cuối đời ta có một tập ảnh đẹp trong hồi ức, ‘làm cho người mà khéo lại cho ta!’

Vì sao các Thiên Thần có thể bay lên nhẹ nhàng?

Sở dĩ Thiên Thần biết bay lên không trung một cách nhẹ nhàng, là vì họ có thể xem nhẹ chính mình. 

Trên đời này, ai cũng muốn mình trở nên quan trọng hơn cả. Ai cũng muốn lời nói của mình phải có cân nặng hơn người khác, và lợi ích của bản thân mình cũng được đặt lên trên hết. Chúng ta cho rằng như thế mới bền vững. Có ngờ đâu đó chỉ là những hòn đá nặng, níu giữ linh hồn ta, làm tâm ta trĩu nặng mà không thể thăng hoa lên được.

Hãy xem nhẹ lợi ích của bản thân một chút; xem nhẹ tiền tài và danh vọng…, đặt quyền lợi của những người chung quanh lên trước. Nếu không, cho dù bạn có đôi cánh lớn như thế nào thì cũng không thể nâng mình lên khỏi mặt đất.

Cúi đầu cần có dũng khí, ngẩng đầu cần có tự tin

Người xưa có câu: ‘Nhân vô thập toàn’. Phàm là con người bằng da bằng thịt, không ai thập toàn thập mỹ. 

Khi ta mắc phải sai lầm, thiếu sót thì nên thừa nhận! Vẫn biết rằng, đôi khi thừa nhận khuyết điểm của chính mình không phải là chuyện dễ. Chúng ta cảm thấy nhận lỗi sao mà khó? Là vì chúng ta không có đủ dũng khí để hạ mình. Một người dám thừa nhận khuyết điểm của chính mình, thì đó là biểu hiện của lòng dũng cảm. 

Vậy cũng nói, người có dũng khí để nhận thiếu sót, thì mới có đủ tự tin để ngẩng đầu trước thiên hạ. Tự tin không phải vì mình giỏi giang hơn người, mà bởi lẽ mình dám đối diện với chính mình. Nếu nói rằng, tôi hiểu biết hơn người khác một chút, thì chẳng qua là vì lỗi lầm mà tôi từng mắc phải nhiều hơn người khác một chút mà thôi!

Nếu ai đó có thể khiến cho ta cảm thấy đau khổ, thì chính vì sự tu dưỡng của bản thân chưa đủ.

Trong cuộc sống, những người quan trọng bên cạnh ta càng lúc càng ít đi. Những người quan trọng cứ lần lượt rời xa ta, bỏ ta đi…, trong khi những người ở bên cạnh ta càng lúc càng trở nên quan trọng. Nói cách khác, người quan trọng đối với mình quả thực rất ít. Có những người chúng ta cho là quan trọng, nhưng rồi họ sẽ bỏ ta ra đi. Có người ngay lúc này ta chưa thực sự nhận ra tầm quan trọng của họ, nhưng sau cùng họ vẫn ở lại bên cạnh ta. Họ chính là người quan trọng nhất!

Mỗi chúng ta chỉ như phận bèo nước gặp nhau, có duyên gặp gỡ là điều đáng quý. Bởi lẽ đến là duyên mà đi cũng do duyên – đều là duyên phận cả. 

Nếu nói rằng, nơi ‘trú chân’ của con người là mái nhà, thì nơi ‘trú chân’ của trái tim chính là sự bình yên. Nếu một trái tim không có nơi để trú chân thì cho dù đi đến đâu, vẫn mãi là lưu lạc. 

Sự bình yên không ai có thể đem đến cho ta được, ta cũng không thể tìm thấy ở đâu khác, mà hãy tìm ngay trong chính bản thân mình. 

Khoảng cách là ở trái tim. Đó chính là Đạo lý!

Theo Dkv.tv

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây