Vào năm thứ 2 của triều đại Tây Hán (năm 72 trước công nguyên) Hán Tuyên Đế muốn hạ chiếu chỉ sửa sang ‘miếu Nhạc’ cho Hán Vũ Đế, để tưởng nhớ công lao to lớn của tổ phụ mình.
Các quan đại thần nghe vậy đều tỏ vẻ đồng tình, duy chỉ có Thường tín thiếu phủ Hạ Hầu Thắng, người thầy dạy của Hoàng Thái Hậu, dám đứng ra thẳng thắn tâu rằng “Vũ Đế tuy có công dẹp loạn 4 vùng đất rộng lớn, nhưng đã giết chết rất nhiều kẻ sĩ, khiến dân chúng đói khổ, lưu vong khắp nơi, quốc gia khốn khó, trăm họ lầm than”, do đó thiết nghĩ “không nên lập miếu nhạc”.
Lời ngay thẳng này của Hạ Hầu Thắng chẳng khác nào gáo nước lạnh tạt vào nhà vua, khiêu chiến với uy quyền của Hán Tuyên Đế, bọn nịnh thần là thừa tướng, ngự sử đại phu liền thừa cơ hành động, vu cho Hạ Hầu Thắng “dám chê trách chiếu chỉ của nhà vua, phỉ báng tiên đế”.
Riêng trưởng sử Hoàng Bá vì không chịu cùng đám nịnh thần kia ghi tên vào tấu chương dâng lên nhà vua, cũng bị bắt ép phải ‘tự hài tội’...
Cả Hạ Hầu Thắng và Hoàng Bá sau đó liền bị bắt bỏ ngục với tội danh ‘đại nghịch bất đạo’, bị phán tử tội, đợi mùa thu tới sẽ đem ra xử trảm.
Trong nhà ngục lạnh giá, Hạ Hầu Thắng không khỏi nản lòng, tâm ý trở nên nguội lạnh như tro tàn. Tính Hạ Hầu Thắng xưa nay vốn ngay thẳng, không thể khom lưng uốn gối hùa theo ý của bọn nịnh thần, ngày nay cũng chỉ vì nói một lời ngay thẳng, mà lại phải chịu tai ương này.
Hạ Hầu Thắng càng ngẫm lại mọi việc lại càng muộn phiền, ông cảm thấy Hán Tuyên Đế quả là người lòng dạ hẹp hòi, mà cuộc đời này cũng thật là vô thường.
Về phần Hoàng Bá, ông cũng chịu oan ức chẳng kém Hạ Hầu Thắng, nhưng do trời sinh tính lạc quan nên dường như chẳng để ý đến hết thảy những gì diễn ra trước mắt.
Từ xưa, Hoàng Bá đã biết Hạ Hầu Thắng là bậc trí giả đức hạnh, học vấn uyên thâm, có ý muốn được học hỏi đã lâu, nhưng mãi vẫn chưa có duyên được gần gũi, ông không ngờ vì tai họa ngoài ý muốn này mà 2 người lại bị nhốt chung trong cùng một phòng giam, nên bèn nghĩ:
Bản thân khi làm quan, không thể nghiên cứu sâu kinh thư, mỗi ngày đều bận rộn chẳng có thời gian, giờ không những có thời gian, mà thầy giỏi lại còn ở ngay trước mắt, vậy sao lại không tranh thủ học ngay tại đây?
Nghĩ vậy, Hoàng Bá liền hướng về phía Hạ Hầu Thắng bày tỏ tâm ý xin được chỉ giáo, Hạ Hầu Thắng lúc ấy lại liên tục cười khổ nói: “Chúng ta đều là tử tù, nay mai đều bị đem đi xử trảm rồi, giờ có học kinh sách thì cũng ích gì?”
Vậy nhưng Hoàng Bá không bỏ cuộc vẫn kiên trì thuyết phục Hạ Hầu Thắng dạy học cho mình, ông nói rằng: “Khổng Tử từng nói ‘Triêu văn đạo, tịch khả tử'” (tạm dịch: Sáng được nghe đạo, chiều chết cũng cam lòng).
Hạ Hầu Thắng nghe xong như bừng tỉnh, liền đồng ý chỉ dạy cho Hoàng Bá. Thế là mỗi ngày 2 người cùng ngồi tọa trên nền đất, Hạ Hầu Thắng tận tâm truyền thụ tri thức của mình cho Hoàng Bá. Còn Hoàng Bá dốc lòng nghe giảng, chỗ nào chưa hiểu liền hỏi ngay, hai người một người giảng giải một người lắng nghe, say sưa học hành, nghiên cứu những điều độc đáo diệu kỳ, thỉnh thoảng còn không nhịn được vui mừng mà vỗ tay cười lớn.
Quản ngục thấy lạ liền đến xem xét tình hình, nhưng không tài nào hiểu nổi tại sao 2 tù nhân sắp đầu lìa khỏi cổ mà vẫn vui vẻ cười nói được như vậy.
Chẳng mấy chốc mà mùa thu đã đến, nhìn những chiếc lá vàng lìa cành bay trên không trung trước khi rơi xuống đất, có người nhắc Hán Tuyên Đế rằng đã đến kỳ hạn xử trảm Hạ Hầu Thắng và Hoàng Bá.
Hán Tuyên Đế liền phái người đi tới nhà lao xem Hạ Hầu Thắng và Hoàng Bá có phải đang đau buồn, hối hận vì những lời đã nói năm xưa không, nhưng người được phái đi lại về báo rằng Hạ Hầu Thắng cùng Hoàng Bá mỗi ngày đều vui vẻ đàm luận, trên mặt tuyệt nhiên không có chút lo buồn nào.
Hán Tuyên Đế nghe vậy thì trong lòng không vui, nhưng cảm thấy cả hai đều là những người hiền đức tài giỏi nên không đành lòng giết chết, cứ mãi dùng dằng không quyết án này.
Lại nói về Hạ Hầu Thắng và Hoàng Bá, dù bị giam giữ trong ngục tối nhưng trong tâm lại rất bình thản, dường như chẳng gì có thể ngăn cản 2 người học tập. Thuận theo thời gian trôi qua, tri thức mà cả hai nghiên cứu học tập được lại ngày một nhiều hơn, tư tưởng mở mang, tinh thần lại càng khoan khoái.
Thấm thoát đã đến mùa đông năm thứ 2 của triều đại Tây Hán, lúc này 49 quận Quan Đông bỗng nhiên xảy ra địa chấn, núi băng sạt lở đất đai nứt vỡ, tường đổ nhà sập, cướp đi mạng sống của hơn 6 nghìn người. Đối với các quân vương thời xưa thì đây chính là điềm báo từ thiên thượng, rằng quốc gia đang có người tốt bị tù oan, Hán Tuyên Đế vì thế không dám thờ ơ, vừa lo lắng khắc phục thiên tai, vừa tuyên bố đại xá thiên hạ.
Hạ Hầu Thắng và Hoàng Bá vì thế mà thoát cảnh ngục tù, không những không bị cách chức đuổi về quê, mà còn được tuyển thẳng vào triều. Hán Tuyên Đế phong cho Hạ Hầu Thắng làm chức gián nghị đại phu, giữ lại bên mình, còn Hoàng Bá làm thứ sử Dương Châu (tỉnh Giang Tô)…
Sau này, vì sự chính trực ngay thẳng của mình, Hạ Hầu Thắng được Hán Tuyên Đế tin tưởng, mời làm thầy dạy dỗ thái tử, ông sống đến năm 90 tuổi thì qua đời. Để cảm tạ công ơn Hạ Hầu Thắng dạy dỗ mình khi xưa, Hoàng Thái Hậu đã mặc tang phục suốt 5 ngày.
Về phần Hoàng Bá, do thông minh lanh lợi, lại giỏi giang, lập nhiều chiến tích, sau này làm đến chức thừa tướng, sử sách viết rằng từ khi triều Hán thành lập mãi về sau, có rất nhiều thừa tướng tài năng, nhưng nói đến việc cai quản dân chúng trăm họ, thì không ai hơn được Hoàng Bá.
Đời người vui buồn lẫn lộn, phúc họa biến hóa khôn lường, trải qua năm tháng rồi cũng sẽ đến một ngày phải nhắm mắt xuôi tay, hiểu được nhân sinh, đắc được chánh đạo, trong khó nạn có thể kiên trì với chính tín của bản thân thì vận mệnh trước mắt dù có xấu tệ thế nào cũng có thể cải biến.
Theo Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự