Chỉ khi tuân thủ nghiêm ngặt thương đạo, hàng thực giá thực, không bắt nạt người yếu thế, bán hàng sạch, kiếm những đồng tiền trong sạch, mới có thể trở thành một thương nhân chân chính.
Thương nhân xưa nay không hề che giấu mục đích chính của mình: “Người không vì lợi, ai muốn dậy sớm?”, “Bôn tẩu giang hồ, chỉ vì hy vọng kiếm được chút lợi nhỏ”. Mục đích của việc buôn bán đều là vì một chữ “Lợi”.
Làm thương nghiệp ắt phải giỏi tính toán. Nhưng cổ nhân vẫn luôn kiên trì giữ vững sự cân bằng giữa “Nghĩa” và “Lợi” trong việc kinh doanh của mình, “Lợi” này phải chính đáng, phù hợp với chính đạo.
Nhân sinh tại thế tín làm đầu,
Tâm khẩu như một chẳng hai lời,
Buôn bán chỉ cầu lợi trong nghĩa,
Kinh doanh chớ có gạt tiền người.
Những thương nhân kiên trì chính đạo thường buôn bán ngay thẳng, phát đạt nhờ “Hữu đạo tài thường đủ”, “Trước là cứu người, sau là lợi mình”.
Nho gia cũng bàn khá nhiều về đạo kinh doanh và việc đối xử với tiền tài. “Luận Ngữ – Lí Nhân” viết: “Phú quý và vinh hiển ai cũng thích. Không dùng đạo nhân mà đạt được thì không nên làm. Nghèo khó và thấp hèn, chẳng ai ưa. Không dùng đạo nhân để thoát nghèo thì không làm.” Trong “Luận Ngữ – Thuật Nhi”, Khổng Tử nói: “Giàu sang mà có thể cầu được thì dù phải làm phu đánh xe ta cũng làm. Nếu không thể giàu được thì ta chỉ làm việc ta thích mà thôi.” Cũng lại giảng: “Bất nghĩa mà giàu có, phú quý, ta coi như phù vân vậy”.
“Quân tử ái tài, thủ chi hữu đạo”, người quân tử xem trọng tiền tài, nhưng không tùy tiện nhận. Tiền tài hợp với đạo thì không thể không quý trọng, bởi đó là của cải do bản thân làm ra, không thể tiêu xài hoang phí. Không phải là của cải do lao động, thì dẫu nhận trong tâm cũng cảm thấy bất an.
Có một người bán thịt dê tên là Duyệt, sinh vào thời Chiến Quốc. Vua nước Sở là Chiêu Vương bị giặc đánh phải bỏ nước mà chạy, người bán thịt dê cũng chạy theo. Sau khi Sở Chiêu Vương lấy lại được nước, bèn thưởng cho những kẻ đã phò tá mình trong lúc sa cơ, người bán thịt dê cũng được thưởng. Ai nấy đều nhận, chỉ có người bán thịt dê từ chối, nói rằng:
– Trước hoàng thượng mất nước, tiểu nhân mất nghề bán thịt dê. Nay hoàng thượng lấy lại được nước, tiểu nhân được trở lại nghề bán thịt dê. Thế là tiểu nhân giữ được nghiệp cũ, đủ ăn rồi, còn đâu dám mong thưởng nữa!
Sở Chiêu Vương nhận thấy đây là người có nghĩa khí, càng động viên. Người bán thịt dê thưa:
– Hoàng Thượng lấy lại nước không phải là công tiểu nhân, nên tiểu nhân không dám lãnh thưởng!
Thấy không thể ép được người bán thịt dê. Sở Chiêu Vương đành bảo:
– Để rồi ta đến nhà của ngươi chơi vậy!
Người bán thịt dê đáp:
– Theo phép nước Sở, người nào có công to, được trọng thưởng thì Vua mới đến nhà. Nay tiểu nhân xét bản thân tiểu nhân, mưu trí không đủ giữ được nước, dũng cảm không đủ giết được giặc. Nay hoàng thượng bỏ phép nước, đến chơi nhà tiểu nhân, e thiên hạ nghe thấy chê cười vậy!
Vua Chiêu Vương nghe nói vậy, quay lại bảo quan Tư Mã Tử Kỳ rằng:
– Người hàng thịt dê này tuy làm nghề vi tiện mà lời nói nghĩa lý rất cao xa, ắt là nhân tài hiếm có. Nhà ngươi làm thế nào mời ra nhận chức Tam Công cho ta!
Người hàng thịt dê nghe thấy vậy, vội quỳ xuống, nói:
– Tiểu nhân biết chức Tam Công quí hơn nghề bán thịt dê, bổng lộc nghìn vạn. Nhưng tiểu nhân đâu dám ham tước lộc mà để Vua mang tiếng là gia ơn không phải nghĩa. Tiểu nhân thực không dám nhận! Xin cho tiểu nhân về giữ lấy nghề bán thịt dê của tiểu nhân.
Nói đoạn chắp tay bái lạy rồi xin lui ra.
Người bán thịt dê tuy là kẻ bình dân nhưng lại thấu hiểu đạo lý cao xa, không có công thì không nhận lợi. Dẫu là vàng bạc hay chức Tam Công quyền quý, bổng lộc ngàn vạn nhưng “gia ơn không phải nghĩa” ông cũng quyết không nhận. Người kinh doanh có thể hiểu được đạo lý “không phải của mình thì không lấy” này ngày nay quả thật không nhiều.
Có thể thấy rằng tài phú phải do tự mình làm nên, dựa vào sức lao động và tri thức của bản thân mà có được, thì khi chi dùng mới cảm thấy an vui. Nếu chỉ dựa vào lừa gạt, cân non đóng thiếu, lấy số lượng thay cho chất lượng, lũng đoạn nhằm kiếm lợi, thì dẫu trước mắt có thể thu được lợi ích, nhưng chẳng thể dài lâu. Của bất nghĩa đến dễ dàng, nhưng lại trái với lương tâm, sẽ khiến con người nửa đêm trằn trọc, lo lắng thấp thỏm, chẳng thể có được kết cục tốt lành.
Trong “Chu Dịch” viết rằng: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”, người tích thiện thì thường vui, người tích ác thì tai ương sẽ ập đến. Cũng có câu rằng “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, đạo trời tuy không phân biệt hay thiên vị thân sơ, nhưng người lương thiện lại thường được thuận lợi, bởi người lương thiện phù hợp với đạo trời.
Trong “Cổ học tinh hoa” có lời bàn rằng: “Người thức thời có chí, dù có làm nghề gì, có ở vào thời điểm biến loạn đến đâu, thì cũng không chịu đắm đuối vào sự bất nghĩa, khác nào cây tùng cây bách, mùa đông sương tuyết mà vẫn xanh, khác nào con gà trống kia, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy.” Thật đúng là như vậy.
Nguồn tin: Trithucvn.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự