Có câu: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”, qua đó cho thấy, tìm được một người vợ hiền, chính là phúc đối với người đàn ông.
Thời cổ đại, để nhận định một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là “Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”.
“Giúp chồng, dạy con” vừa là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của người phụ nữ xưa và cũng là lời khen ngợi đối với người vợ, người mẹ.
Ngày nay chúng ta cũng thường nghe thấy câu: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Quả thực, từ thời xa xưa đến nay có rất nhiều người chồng đạt được những thành công nhất định trong cuộc đời đều là có sự trợ giúp của người vợ hiền.
Nhạc Dương Tử là một danh nhân, quê ở Lạc Dương, Hà Nam, sinh sống vào thời Đông Hán. Ông là người có đạo đức cao thượng, học vấn uyên bác, mọi người đều rất kính trọng ông. Những thành tựu mà ông đạt được đều có quan hệ mật thiết với những điều khuyên bảo và trợ giúp của người vợ.
Thời còn chưa thành danh, có một lần Nhạc Dương Tử đang đi trên đường thì nhặt được một thỏi vàng của người khác đánh rơi. Ông vô cùng mừng rỡ đem về nhà đưa cho vợ. Ông nghĩ rằng vợ ông nhìn thấy vàng sẽ được mở mắt và cùng chung vui với mình.
Thế nhưng, không ngờ người vợ của ông lại nhíu mày rồi đăm chiêu suy nghĩ một lát. Bà không hề liếc nhìn thỏi vàng ấy mà nói một cách nghiêm túc: “Thiếp nghe nói người liêm khiết không uống nước suối Đạo, người khí tiết cao thượng không ăn đồ bố thí. Huống chi, chàng nhặt được vật quý mà người ta đánh rơi, không nghĩ đến việc trả lại người mất của mà muốn bỏ vào túi riêng. Làm như vậy chẳng phải là làm ô uế phẩm hạnh của mình hay sao?” (Chú thích: Suối Đạo là một con suối thời cổ. Truyền thuyết kể rằng những ai uống nước suối này sẽ trở nên tham tài quên nghĩa).
Nhạc Dương Tử nghe xong những lời này như bị dội một gáo nước lạnh. Ông lấy làm kinh hãi, rồi lập tức sáng suốt, bình tĩnh trở lại. Ông cảm thấy xấu hổ về việc làm của mình, liền lập tức đem thỏi vàng để lại chỗ cũ.
Người vợ thấy chồng biết lỗi lầm liền sửa ngay thì hết sức vui mừng và thương. Bà lại khuyên nhủ ông: “Nhân lúc còn trẻ này, chàng hãy ra ngoài bái sư cầu học, tương lai làm người có học vấn cao, như thế mới có tiền đồ“.
Nhạc Dương Tử nghe lời vợ nói có lý liền từ biệt vợ rời nhà, đi xa bái sư cầu học. Một năm sau, Nhạc Dương Tử đột ngột trở về nhà. Người vợ ngạc nhiên hỏi: “Sao chàng học xong trở về nhanh như thế? Có nguyên nhân nào đặc biệt chăng?“
Nhạc Dương Tử nói: “Thời gian lâu rồi, ta rất nhớ nhà. Không có nguyên nhân đặc biệt nào cả”.
Người vợ hiểu chồng, tận tình chăm sóc chồng nghỉ ngơi mấy ngày. Mấy hôm sau, bà ngồi bên khung cửi nói với chồng: “Thiếp một mình ở nhà dệt vải, cũng rất bơ vơ khốn khổ. Nhưng chúng ta bây giờ còn trẻ, chịu khổ một chút, rèn luyện chính mình thì mới có lợi.
Chàng xem, thiếp ở nhà dệt vải, những sợi tơ này rất mảnh, con thoi cứ đi đi lại lại, từng chút từng chút tích lũy lại mới dài được một tấc. Lại từng tấc từng tấc tích lũy mới được một trượng. Bây giờ nếu lấy những mảnh vải đã dệt được trên khung cửi, một nhát dao cắt đứt đi (bà lấy một con dao nhỏ, hua tay một cái), vậy thì sẽ là ‘kiếm củi ba năm thiêu một giờ’, phí công nhọc sức, lãng phí mất rất nhiều công lao khổ cực và thời gian.
Chàng ở bên ngoài bái sư cầu học, cũng là như thế, cần phải kiên trì không ngừng nghỉ, tích lũy từng ngày, không ngừng tiến bộ, mới có thể có thành tựu“.
Nhạc Dương Tử nghe những lời vợ nói thì trong lòng vô cùng rung động. Ông hạ quyết tâm, bắt đầu trở lại, một lần nữa đi xa cầu học, đến khắp nơi tìm minh sư xin thỉnh giáo. Suốt 7 năm liền ông không về nhà. Cuối cùng trở thành người đạo đức cao thượng, học vấn uyên bác, được người đời tôn kính.
Khi vợ của Nhạc Dương Tử qua đời, quan Thái thú tại địa phương đã cử hành nghi thức an táng long trọng cho bà. Triều đình còn phong tặng cho bà danh hiệu “Trinh nghĩa”.
Trong sách sử “Hậu Hán Thư” cũng có ghi lại sự tích “Người vợ của Nhạc Dương Tử ở Hà Nam”. Bà không chỉ giúp chồng trở thành người có phẩm chất đạo đức cao thượng, thành tựu được sự nghiệp mà còn được sử sách lưu danh ngàn đời.
Khấu Chuẩn từ nhỏ đã mồ côi cha, gia cảnh nghèo khó, hoàn toàn dựa vào nghề dệt vải của mẹ mà sống qua ngày. Đêm đêm bà Khấu thường vừa kéo sợi vừa dạy Khấu Chuẩn đọc sách, đôn đốc cho Khấu Chuẩn khổ học thành tài.
Khấu Chuẩn không ngừng khóc khi xem bức tranh của mẹ để lại. (Ảnh: secretchina)
Sau này Khấu Chuẩn về kinh thành dự thi, đậu tiến sỹ. Tin vui truyền về tới quê nhà, trong lúc mẹ của Khấu Chuẩn đang bệnh nặng. Phút lâm chung, bà giao bức họa mà mình tự vẽ cho người nhà là bà mụ họ Lưu, nói rằng:
“Khấu Chuẩn ngày sau nhất định sẽ làm quan, nếu nó phạm lỗi lầm, thì bà hãy trao bức họa này cho nó!”
Sau này Khấu Chuẩn làm Tể tướng. Một lần ông mời mấy người bạn tới nhà chúc mừng sinh nhật bản thân, chuẩn bị mở tiệc chiêu đãi các đồng liêu. Bà mụ họ Lưu cho rằng đã đúng lúc rồi, bèn lấy bức họa của bà Khấu đưa cho ông.
Khấu Chuẩn xem qua, nhìn thấy một tấm “Hàn song khóa tử đồ”, trên bức vẽ đề một bài thơ:
“Cô đăng khóa độc khổ hàm tân,
Vọng nhĩ tu thân vi vạn dân;
Cần kiệm gia phong từ mẫu huấn,
Tha niên phú quý mạc vong bần”.
Tạm dịch:
Cô độc dưới ánh đèn đọc sách bao khổ nhọc,
Mong con tu thân thành tài dốc sức vì nhân dân;
Mẹ hiền dạy dỗ gia phong cần kiệm,
Ngày phú quý giàu sang chớ quên cảnh nghèo hèn.
Bất ngờ nhận được lời di huấn của mẹ, Khấu Chuẩn đọc đi đọc lại rất nhiều lần, bất giác lệ tràn như suối. Thế là lập tức giải tán tiệc mừng thọ. Từ đó về sau ông luôn luôn giữ mình trong sạch, yêu thương nhân dân, luôn theo lẽ công bằng không vụ lợi cho bản thân, trở thành vị Tể tướng tài đức nổi tiếng thời nhà Tống.
Nguồn tin: Tinhhoa.net
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự