Tự cổ đã có câu “quân tử ôn văn như ngọc”. Trong quy phạm đạo đức truyền thống, cổ đức dạy rằng: “Làm người cần phải làm được người quân tử”. Một trong số các đặc điểm của người quân tử chính là “ôn văn như ngọc”.
Tổng quát các kinh điển trong lịch sử, từ “quân tử” có mối tương quan với các phẩm chất như: ôn hòa văn nhã, phong độ nhẹ nhàng, khiêm tốn lễ nghĩa. Những điều này cũng là đạo đối nhân xử thế của người quân tử: vừa có lễ có tiết, vừa cao quý nhã nhặn. Đây chính là “ôn văn” được nhắc đến trong cụm từ “ôn văn như ngọc”.
Biểu hiện cụ thể của nó là: trên con đường làm quan không cậy quyền cậy thế, trong cuộc sống không ỷ mạnh hiếp yếu, trong gia đình không độc đoán chuyên quyền, v.v… Đây chính là “phú quý không thể dâm loạn, bần tiện không thể đánh mất bản thân, quyền lực không thể khuất phục” (Nguyên văn: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất). Người quân tử giống như ngọc – trân quý và thuần khiết, giá trị tuy cao nhưng cũng không hề dung tục giống như vàng bạc.
Quân tử như ngọc – cao quý tự nhiên, chú trọng phong độ. Người có phong độ sẽ không tranh chấp hơn thua cùng phàm phu tục tử. Ngược lại, họ coi nhẹ danh lợi, cả một đời chỉ cầu đạt thành chí lớn..
Quân tử như ngọc – khiêm tốn hòa nhã. Người quân tử sẽ không cậy tài khinh người, ỷ vào quyền thế ức hiếp người khác. Ngược lại, họ sẽ tự nhìn lại bản thân mà khoan dung với người khác.
Quân tử như ngọc – thuần khiết như ngọc. Người quân tử tự có phẩm hạnh nhất trí với đạo trời, giống như sự thanh khiết vốn có của ngọc, thiên nhân hợp nhất, trắng tinh không tì vết.
“Khiêm khiêm quân tử, ôn nhuận như ngọc”, nghĩa là: người quân tử có tính cách ôn hòa, tâm thái bao dung.
“Kim quy thiết luật, trảm đinh tiệt thiết”: Thiết (sắt) trong “trảm đinh tiệt thiết” (chém đinh chặt sắt) ở đây là để chỉ nguyên tắc không đổi trước sau như một, và nền móng vững chắc không thể bị phá hủy.
Người quân tử chân chính cũng giống như ngọc và sắt. Họ có tấm lòng khoan dung độ lượng có thể tiếp nhận trăm sông, nhưng tấm lòng của họ luôn luôn kiên định, thủy chung không bao giờ dao động về phương hướng mà bản thân đã lựa chọn.
Trong “Quản tự – tâm thuật” viết: Tâm ở bên trong thân thể, còn quân tử là ở vị trí của một người.
Tâm chi phối con người. Người có nội tâm khoan dung và tính cách khoáng đạt dù là ở trong thuận lợi hay gặp phải khó khăn cũng đều có thể điềm tĩnh, an hòa. Con đường nhân sinh của họ càng đi sẽ càng trở nên rộng mở.
Năm xưa, Tô Thức bị phạt tới vùng Hải Nam. Lúc đó Hải Nam vẫn là một vùng đất chưa từng được canh tác sửa chữa nên khắp nơi có đầy khí xấu, khí độc. Rất nhiều người khi biết bản thân bị đày tới vùng đất này thậm chí còn tự chuẩn bị cho mình một cỗ quan tài tốt. Thế nhưng, Tô Thức lại cho rằng đây là một cơ hội tuyệt vời cho ông truyền đạo tại Hải Nam.
Ông ở trong lều cỏ chép sách, rồi đem sách đó đi giáo dục cho con người nơi đây, giúp cho Hải Nam có được vị tiến sĩ đầu tiên trong lịch sử. Ông đã biến cuộc hành trình lưu đày của mình trở thành kỳ tích trong lịch sử văn hóa Trung Quốc.
Dù bị người hãm hại đến mức phải lưu lạc tới một vùng đất cằn cỗi nhưng Tô Thức không hề đau khổ sầu não, oán trách hoàn cảnh. Ngược lại, ông tựa như một hạt giống có thể đơm hoa kết trái tại bất cứ nơi nào. Ông đi đến đâu thì mùa xuân sẽ theo đến đó.
Quân tử như ngọc: người quân tử tuyệt đối không khoe khoang bản thân, so bì tranh đấu với người khác. Họ có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh và sẽ không bao giờ rơi vào tình cảnh chán chường tuyệt vọng. Ngược lại, họ sẽ lặng lẽ tiếp nhận mọi thứ và âm thầm thay đổi để nó trở nên tốt đẹp hơn.
Cổ nhân tán thưởng đặc tính của ngọc: hàm dưỡng kín đáo mà không biểu lộ ra bên ngoài. Ngọc ôn nhuận nhưng chất chứa bên trong lại là vô cùng vô tận tinh túy, cũng giống như người quân tử: không bao giờ lớn tiếng khoe khoang mà đem tất cả tài đức vô cùng phong phú của mình cất kín bên trong.
Nước càng lặng sông càng sâu. Sự vật càng ẩn tàng thì lại càng có khả năng trong im lặng mà làm nên việc lớn. Dù tai họa có lớn đến mấy cũng không thể phá hủy được.
Năm 1101 sau Công Nguyên, Tô Thức được đặc xá trở về phương Bắc. Người hãm hại ông khi trước là Chương Đôn vì lo sợ ông trả thù nên đã viết thư cầu xin Tô Thức tha thứ cho mình.
Tô Thức đọc thư xong chỉ viết một câu: “Đãng dĩ vãng giả, canh thuyết hà ích”. Nghĩa là: những chuyện đã qua, bây giờ nhắc lại nào có lợi ích gì. Cứ như thế, một nửa đời lưu lạc của ông do Chương Đôn gây ra bị ông hạ bút xem nhẹ, chỉ một câu liền đem tất cả trở thành quá khứ không đáng phải nhắc đến.
Ông thậm chí còn quan tâm đến bệnh tình của Chương Đôn, khuyên Chương Đôn dưỡng bệnh cho thật tốt.
Sự tha thứ cho kẻ địch của Tô Thức cũng là tha thứ cho chính bản thân ông.
Quân tử như ngọc, quả đúng là vừa mang vẻ đẹp tiềm ẩn bên trong, vừa nhân ái bao dung với mọi người.
Bên cạnh tháp Qutub Minar lừng danh thuộc vùng phụ cận thành phố New Delhi tại Ấn Độ là một trụ sắt đứng sừng sững vô cùng to lớn. Trụ sắt này cao 6.7 mét, đường kính khoảng 0.37 mét và được đúc bằng sắt nung với độ thuần tịnh cực cao. Trên đỉnh trụ có hoa văn trang trí theo phong cách cổ xưa. Khiến cho con người hiện nay phải trầm trồ thán phục chính là: cột trụ sắt này đã đứng ngoài trời hơn mấy nghìn năm, đã trải qua vô số gió táp mưa sa nhưng cho tới giờ vẫn chưa có bất cứ một dấu vết rỉ sét nào.
Lại nói, khi Tô Thức còn nhỏ, nghe mẹ đọc “Phạm Bàng truyện”, ông hạ quyết tâm muốn trở thành một con người giống như Phạm Bàng – không sợ cường quyền, tạo phúc cho nhân dân.
Thời gian thấm thoát trôi qua, cảnh còn người mất nhưng chí hướng trong lòng ông chưa từng thay đổi. Lúc thanh niên nhiệt huyết, ông dám mắng tân pháp (pháp luật mới) trước mặt Vương An Thạch vì nó được đặt ra sẽ làm sách nhiễu dân chúng.
Đến tuổi trung niên sáng suốt chững chạc, Tô Thức dám mắng đảng cũ, tuyệt giao với Tư Mã Quang, vì đảng cũ làm hại nhân dân.
Dù là Hoàng châu, Huệ châu, Đam châu; hay thủy lợi, cứu tai, dạy học; ông đều không hề bỏ sót bất cứ thứ gì.
Vào thời dương quang đắc ý, ông vì quốc gia kiến nghị những phương châm chính sách quan trọng. Đến khi ngã ngựa lưu lạc trong nhân gian, ông liền giúp đỡ dân chúng làm một số việc thiết thực.
Đó chính là một Tô Thức đối xử ôn hòa với người khác, không tranh đấu, không phiền não.
Trên có thể phụ giúp Ngọc Hoàng đại đế, dưới có thể giúp đỡ những người ăn xin không nơi nương tựa. Đi trên phố, nếu Tô Thức bị người say rượu đụng phải thì ông cũng chỉ nói một câu: tự mừng là không có ai quen biết mình.
Tuy nhiên trong công việc, ông lại vô cùng thẳng thắn. Một khi ông lên tiếng, sự chính trực của ông liền khiến cho tất cả mọi người không thể sánh bằng. Vì một phần ý chí này trong lòng mà ông gìn giữ suốt đời, bất chấp việc chịu phạt đi đày, bất chấp việc phải lưu lạc cả nửa đời người. Quân tử như sắt chính là người quân tử vẫn luôn giữ cho mình một vài lý tưởng mà không ai có thể chà đạp lên được.
Danh và thực có quan hệ đối ứng với nhau. Nếu dốc lòng vào làm việc thực chất nhiều hơn một chút thì tâm trí đặt vào việc tìm kiếm danh tiếng sẽ nhẹ đi một phần. Nói cách khác, nếu một người dồn toàn bộ tâm trí và sức lực của mình vào việc nào đó thì sẽ không còn chỗ cho những suy nghĩ cầu danh cầu lợi. Ngược lại, không dốc lòng làm việc mà chỉ nghĩ đến danh tiếng thì cũng chẳng thể làm nổi điều gì.
“Khiêm nhường như ngọc” và “kiên định như sắt” đã thể hiện ra hai loại phẩm chất đặc trưng trong nhân cách của người quân tử từ hai phương diện khác nhau.
Làm người sống trên thế gian cần chú trọng học theo đạo trời, thuận theo thiên lý, tu dưỡng ra một thân khí thế chính trực ngay thẳng, xử sự cần có ngọn nguồn cơ sở.
Làm người giảng nguyên tắc; vừa có sự khiêm nhường như ngọc, bao dung bốn phương, vừa có thể ở trong thế gian con người tấp nập nhốn nháo mà lưu danh thiên cổ.
Nhân sinh cớ gì ít khoái hoạt, chỉ bởi chưa đọc Tô Đông Pha.
Theo Dkn.tv
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự