EQ giúp bạn nhận thức rõ hơn về cảm xúc và kiểm soát phản ứng của mình trong những trường hợp mà mọi người thường dễ nổi nóng, biết cảm thông với người khác hơn và nâng cao kỹ năng xã hội bằng cách tiết chế hành vi và thái độ.
Trong công việc, EQ không chỉ có ích cho mối quan hệ giữa bạn và đồng nghiệp hay cấp trên, mà còn giúp tăng hiệu suất làm việc. Dưới đây là những lợi ích mà EQ mang lại cho hiệu suất của bạn.
Không để cảm xúc tác động vào khả năng tập trung
Khi bạn hiểu và có khả năng kiểm soát các phản ứng cảm xúc của chính mình, bạn sẽ ít bị thay đổi tâm trạng trước các tình huống gây khó chịu. Bạn giữ được bình tĩnh và dùng lý trí để tập trung vào những việc quan trọng thay vì để cơn giận lôi kéo mình đi.
Trong mọi tình huống, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến những cảm xúc tiêu cực của mình, kiểm soát chúng và giải quyết mọi việc theo cách êm thắm nhất có thể.
Quản lý căng thẳng và tự chăm sóc bản thân
Những công việc như kinh doanh hay lãnh đạo khiến bạn dễ bị căng thẳng. Gần như mỗi ngày bạn đều phải đưa ra quyết định, làm việc suốt nhiều giờ và gặp rất nhiều kiểu người khác nhau.
Những người có trí tuệ cảm xúc tốt biết được giới hạn của bản thân, và nhận ra đâu là lúc họ nên dừng lại nghỉ ngơi trước khi nổi cáu vì áp lực công việc. Thời gian nghỉ ngơi này, dù chỉ là 10 phút chợp mắt, đi dạo hoặc nghe một bản nhạc, cũng cực kỳ có lợi trong việc phục hồi năng lượng và cải thiện hiệu suất làm việc sau đó. Ngược lại, cố gắng làm việc khiến bạn dễ bị kiệt sức và không còn khả năng tập trung để giải quyết tốt công việc.
Hợp tác tốt với cộng sự
Những nhân viên có trí tuệ cảm xúc tốt thường cộng tác tốt hơn với đồng nghiệp. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các lãnh đạo bởi họ cần tạo ra môi trường tốt nhất để cấp dưới hoàn thành nhiệm vụ và tôn trọng lẫn nhau. EQ giúp bạn hiểu được cảm xúc của những người xung quanh, biết được điểm mạnh và yếu của mỗi người, cũng như lý do cho những phản ứng cảm xúc của họ. Từ đó, bạn trở nên bao dung và biết thích nghi tốt hơn, nhờ vậy hợp tác tốt hơn với đồng nghiệp, đặc biệt là trong môi trường làm việc nhóm.
Chấp nhận những góp ý
Trí tuệ cảm xúc còn giúp bạn tiếp nhận những phản hồi một cách bình tĩnh, không để cảm xúc chi phối trước những góp ý mang tính tiêu cực. Bạn tập trung tìm ra giải pháp để cải thiện kết quả công việc thay vì cho rằng bản thân đang bị công kích. Bên cạnh đó, bạn cũng biết cách góp ý cho người khác một cách khéo léo để chuyển tải thông điệp nhưng tránh làm mất lòng đối phương.