Hình ảnh Trung chở theo mấy nhóc 3-4 tuổi mỗi sáng đi chợ mua thức ăn đã trở nên quen thuộc với người dân Gia Nghĩa, Đăk Nông. Các cô bán hàng biết "nhà nghèo đông con" nên thể nào cũng sẽ giảm giá hay khuyến mãi thêm món hàng cho mấy bố con. Hiện tại chàng trai làm việc tại Trung tâm từ thiện Bạch Tuyết, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa.
Tháng 6/2010, tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Mỹ thuật, thay vì về quê dạy học, Trung lên Hà Nội để được sống với đam mê vẽ vời. Anh bắt đầu bằng việc vẽ tranh trên gốm tại làng Bát Tràng để mưu sinh, sau đó học nghề xăm và làm việc ở Từ Liêm. Đầu năm 2011, anh khăn gói vào Gia Nghĩa mở cửa hàng xăm của riêng mình.
Tại đây, ngoài công việc mưu sinh thường ngày, anh Trung cùng một nhóm bạn lập nghĩa trang Thai Nhi để chôn cất những bào thai bị bỏ đi từ các nhà hộ sinh. Mới đây nhóm Trung vừa làm một nghĩa trang mới cho thai nhi do nghĩa trang cũ quá xa (cách nơi anh ở 70 km). Trong vòng 4 tháng qua, anh đã chôn cất 140 hài nhi, tất cả đều được đặt tên và mang họ Ngô, như một trách nhiệm mà anh tự nhận để chăm sóc phần nhang khói cho các con.
Một lần đến thăm Trung tâm từ thiện Bạch Tuyết, Trung đã ở lại chơi với các bé. Anh vẽ tranh lên tường tặng các cháu. Khuôn mặt lấm lem và những ánh mắt háo hức của bọn trẻ khi nhìn các bức vẽ đã khiến anh hết sức cảm động. Từ đó, thỉnh thoảng Trung lại cùng các bạn đến thăm và tặng quà cho các bé. Những tiếng gọi ngọng nghịu “bố Tung, bố Tung” của bọn trẻ đã trở thành những âm thanh ấm áp, gần gũi nhất với chàng trai quê lúa.
Mùa thu năm 2013, Trung dự định về quê hương để sống bên những người thân của mình. Trước khi về quê, anh cùng bạn bè trở lại Trung tâm Bạch Tuyết. Họ cùng các cán bộ, bảo mẫu ở đây tổ chức một buổi lễ Trung thu cho các em. Chàng trai cũng coi đây là cách để anh tri ân mảnh đất phố núi, nói lời chia tay với những người mà mình từng gắn bó. Thế rồi những giọt nước mắt, tiếng gọi ngọng nghịu của bọn trẻ, cộng thêm lời động viên của bạn bè, người thân đã níu chân anh ở lại vùng đất Đăk Nông. Cuối năm 2014, anh chính thức trở thành nhân viên của trung tâm, trở thành ông bố “đông con nhất làng” như anh vẫn thường đùa.
Giám đốc trung tâm Nguyễn Thị Ngọc Tuyết cho biết, trung tâm giao cho Trung công việc Trưởng ban tổ chức. Anh được trung tâm tạo điều kiện mở cửa hàng xăm ngay tại văn phòng trung tâm. Một phần thu nhập từ công việc xăm hình, vẽ tranh, viết chữ thư pháp của Trung sẽ được đề dành cho việc chăm sóc các bé tại trung tâm. Khách hàng trả tiền hay trả gạo, sữa, mì tôm... anh đều vui vẻ nhận. Trung cho rằng đây cũng là cách để khách hàng của anh có thể đóng góp một phần công sức vào những việc làm có ý nghĩa cho xã hội.
Ngoài ra, anh cũng góp phần cùng cùng ban giám đốc trung tâm, các cô bảo mẫu và tình nguyện viên chăm sóc các bé. Tại trung tâm, những em bé trong tuổi đi học đều được đến trường ngày hai buổi như các bạn bình thường khác. Riêng mấy bé mầm non, không đi học, Trung đưa lên cửa hàng xăm để tiện trông nom và đặc biệt dạy chúng vẽ, hát khi không có khách. Trưa anh nấu nướng cho các con ăn ngay tại đây. Chiều Trung chở bọn trẻ về lại trung tâm, cùng các cô bảo mẫu nấu nướng cho các con ăn. Sau bữa tối, Trung lại chở bọn trẻ lớn đến Văn phòng để dạy học thêm cũng như hướng dẫn làm bài. Khoảng 21h30, anh đưa bọn trẻ về trung tâm ngủ.
Gắn bó với bọn trẻ, Trung nhớ cả những tình huống các con đến với trung tâm hay đặc điểm thói quen của bọn trẻ. Chẳng hạn bé Phước "Xà Phòng" có mẹ bị tâm thần, cứ lên cơn là mẹ lấy xà phòng ra cho Phước ăn. Bé Mùa Xuân sinh non 7 tháng tuổi vào những ngày giáp Tết. Lúc mới sinh, bé chỉ nặng 1,5 kg. Mẹ viết một mảnh giấy xin gửi bé tại trung tâm rồi bỏ đi chưa bao giờ quay lại.
Không chỉ chăm sóc bọn trẻ, xuất phát từ nỗi ám ảnh về số lượng những hài nhi ngày càng tăng, Trung tâm Bạch Tuyết mở thêm cơ sở tiếp nhận những bà bầu mang thai ngoài ý muốn. Tại đây, các thai phụ được chăm sóc cẩn thận, được chia sẻ những kiến thức về sức khỏe, về tình yêu thương. Nhiều người đã quyết định không bỏ thai, sau khi sinh nở tự nuôi con mình mà không cần gửi lại trung tâm.
Trân trọng những hành động của Ngô Trung, ông Nguyễn Đức Thuận, Tổ trưởng tổ 2, phường Nghĩa Phú, thị xã Gia Nghĩa, nói: “Một thanh niên 27 tuổi mà tự nguyện làm một người cha cưu mang những đứa trẻ từ 5 đến 15 tuổi cơ nhỡ, mồ côi. Hành động ấy của anh như một nghĩa cử cao đẹp giữa vùng gió núi Tây Nguyên này”.
Nguồn tin: vnexpress
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự