Phật tử Việt Nam nỗ lực cho hợp tác và hoà bình

Thứ sáu - 06/11/2009 08:50
Thượng tọa Thích Tâm Đức, giảng viên Học viện Phật giáo Việt Nam, nhấn mạnh Phật tử Việt Nam nỗ lực mở rộng mặt trận đoàn kết với mọi dân tộc trên thế giới, tạo những điều kiện để phát triển sự hợp tác hữu nghị và chung sống hòa bình.

“Là những Phật tử Việt Nam, chúng tôi làm hết sức mình để khởi động bánh xe hòa bình bằng sức mạnh đoàn kết với đồng bào chúng tôi trong bổn phận bảo vệ và tái thiết Tổ quốc của chúng tôi", Thượng toạ nói tại hội thảo trong ngày làm việc thứ hai của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc.

Cũng về chủ đề vai trò của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột và ngăn ngừa chiến tranh, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Hòa thượng Thích Giác Toàn khẳng định thế giới đang có nguy cơ ngập chìm trong những tai biến trầm trọng (chiến tranh, nghèo đói, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy thoái đạo đức, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo), vì vậy giáo lý từ bi và trí tuệ của Phật giáo cần được nêu cao để góp phần xây dựng hạnh phúc, an bình cho nhân loại.

Ngoài chủ đề trên, đông đảo các Tăng ni, Phật tử, các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự hội thảo cũng đã thảo luận về 6 chủ đề lớn khác, bao gồm sự đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội, Phật giáo nhập thế và sự phát triển, Chăm sóc môi trường: Giải pháp của Phật giáo về sự thay đổi khí hậu, Vấn nạn gia đình và giải pháp của Phật giáo, Giáo dục Phật giáo: sự kế thừa và phát triển, Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số.

Nhấn mạnh những đóng góp của Phật giáo về công bằng xã hội, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Jinabbodhi Bhikkhu, nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ phương Đông của trường Đại học Chittagong (Băngla Đét), khẳng định lý thuyết công bằng xã hội của đạo Phật phù hợp với yêu cầu của xã hội đương đại, giúp chúng ta nhập thế hài hòa với việc tìm kiếm sự giác ngộ giải thóat cho bản thân.

Chủ đề Phật giáo trong thời đại kỹ thuật số cũng được đông đảo đại biểu quan tâm. Thượng tọa Thích Chân Quang cho rằng nếu khước từ thế giới kỹ thuật số, người đệ tử Phật có thể đánh mất phương tiện học hỏi, truyền bá giáo lý rất hiệu quả.

Đóng góp vào chủ đề Phật giáo nhập thế và sự phát triển, Thượng toạ Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch-Trưởng ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, khẳng định Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã và đang cố gắng mở rộng hoạt động giao lưu quốc tế trong tinh thần hoà bình, hữu nghị và đoàn kết với các tổ chức Phật giáo ở nhiều quốc gia và nhiều tôn giáo khác. Việc làm này cũng giúp thế giới hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế cũng như pháp luật của Việt Nam về tôn giáo, đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực thiếu thiện chí với Việt Nam.

Bàn về phương pháp luận của Phật giáo trong việc giải quyết xung đột gia đình, Đại Đức V. Gunaratana (Đại học Kelaniya, Xri Lanca) cho rằng gia đình là nơi những thành viên chung sống hòa bình, trong đó bao gồm tình thương yêu, từ bi, hỷ xả và hiểu biết lẫn nhau.

“Phật giáo góp phần giải quyết vấn nạn môi trường” là chủ đề tham luận của Thượng tọa Thích Gia Quang, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Thượng toạ, ô nhiễm môi trường đã và đang đe dọa đến sự phát triển và mạng sống của hàng trăm triệu người trên thế giới và trở thành vấn đề thời sự cấp bách mang tính toàn cầu./

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây