Đó là những tình huống bạn sẽ được thảo luận và giải đáp trong một lớp học về Phật pháp đang thu hút được sự quan tâm của đông đảo giới trẻ.
Không “tụng kinh gõ mõ”
Đến chùa để học Phật pháp, nhưng không phải “thoát tục” để “tụng kinh gõ mõ”
hay ngồi nghe những triết lý hàn lâm, khó hiểu.
Nhiều thanh niên đã tìm đến với lớp học Phật pháp của Câu lạc bộ thanh niên Phật tử Hà Nội với mong muốn được tìm hiểu những triết lý của đạo Phật để rèn luyện cho mình một lối sống lành mạnh, có ích.
Mỗi buổi học thường có những trò chơi như giải đoán ô chữ liên quan đến các thuật ngữ, địa danh Phật giáo, tên danh tăng nổi tiếng và thảo luận để giải quyết các tình huống ứng xử với chủ đề về mối quan hệ trong gia đình, tình bạn, tình yêu, công việc….
Chính vì thế, Đỗ Thị Thu – sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 rất hứng thú với những tình huống này: “Các thầy luôn hướng buổi học đến những tình huống gần gũi trong cuộc sống và không né tránh những câu hỏi, những tình huống liên quan đến chủ đề tình yêu. Có lần thầy đưa ra tình huống làm thế nào để kiềm chế cơn ghen hoặc làm thế nào để ''cưa'' đổ một anh chàng ''lạnh như băng''... Những tình huống kiểu này đều khiến cho giờ học rất sôi nổi”.
Nguyễn
Phi Long, sinh năm 1984, nhân viên một công ty máy tính lại bị hấp dẫn vì lớp
học đưa ra cách tiếp cận mới lạ về đạo Phật: “Khi đã tham gia lớp học này thì
mình bị thuyết phục luôn vì nó giúp mình tiếp cận với đạo Phật từ phương diện
khoa học chứ không phải từ phương diện tâm linh, tín ngưỡng.
Phật pháp không còn là những hình ảnh mê tín mà mình nhìn thấy khi cùng bà, mẹ vào chùa nữa. Nó là những bài học rất gần gũi và thiết thực mà bất kỳ lúc nào mình cũng có thể gặp phải, ví dụ như chuyện bạn sẽ làm gì khi một người hàng xóm cứ để rác ra cổng nhà mình...”
Chính do cách tiếp cận mới lạ đó, lớp học mới mở từ tháng 9/2008 đến nay đã thu hút được gần 100 thành viên. Đối tượng chủ yếu của lớp học là thanh thiếu niên, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp ngoại lệ.
Thành viên nhỏ tuổi nhất của lớp học năm nay mới 8 tuổi, bé Đàm Ngọc Minh thích đến đây vì các trò chơi thú vị: “Cháu rất thích đến đây vì cháu rất thích trò chơi đoán ô chữ, thỉnh thoảng cháu còn dành được quà vì giải đúng ô chữ. Cháu cũng rất thích những bài hát được hát trong các buổi học”.
Còn cụ Thướng năm nay đã 78 tuổi, người cao tuổi nhất ở lớp học này lại đến đây vì một lý do khác, cụ kể: “Cha ông ta xưa có câu ''trẻ vui nhà, già vui chùa'', nên tôi đến đây nghe giảng và trò chuyện với các thầy để tĩnh tâm hơn, vừa mong thu lượm được chút kiến thức về truyền lại cho con cháu”.
Ngoài học tập, lớp học còn thường xuyên tổ chức các hoạt động ngoại khóa và từ thiện như: Bổ túc văn hóa cho một số thanh thiếu nhi ở các địa phương nghèo, gói bánh chưng từ thiện vào dịp Tết nguyên đán, chương trình “giao lưu tặng quà tết các em nhỏ ở chùa Bồ Đề”, hoạt động tổ chức “cầu nguyện và tư vấn mùa thi” nhằm giúp các sĩ tử bình tâm và thoải mái hơn trong mùa ôn thi để đạt được kết quả cao nhất.
Học sống, học trưởng thành
Anh Trần Sơn Trà - Ủy viên ban hướng dẫn Phật tử Trung ương kiêm chủ nhiệm câu
lạc bộ Thanh niên phật tử Việt Nam cho biết, đây hiện là lớp học duy nhất về
Phật pháp có chương trình bài bản dành cho thanh niên do Giáo hội Phật giáo
Trung ương thành lập. Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Trung ương cũng đang có dự
định sẽ mở lớp học này tại khu vực miền Trung và miền
Lớp học này ra đời bắt nguồn từ ý tưởng của anh Trà, với tâm nguyện giúp các bạn thanh niên muốn tìm hiểu về Phật pháp có cơ hội được học một cách bài bản. Hơn nữa, anh Trà và các Hòa thượng ở Giáo hội Phật giáo Trung Ương cho rằng, đạo Phật có thể được sử dụng như một công cụ giáo dục tâm sinh lý cho giới trẻ, hướng họ đến những tư tưởng, lối sống lành mạnh.
Anh Trà cũng cho biết, khi mới thành lập có rất nhiều ý kiến lo ngại rằng lớp học sẽ không thu hút được đối tượng chính là thanh niên. Nhưng sau đó, số lượng người đến học lại khá đông.
Các bạn trẻ đến với lớp học vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng họ đều mong muốn được tìm hiểu những triết lý tích cực của đạo Phật để rèn luyện cho mình một lối sống lành mạnh, có ích.
Trần Văn Thăng, sinh viên Đại học Mở Hà Nội, cho biết: “Mình thấy những bài học của Phật pháp giúp thanh niên trưởng thành và sống có ý chí hơn. Trước đây, mỗi lần vấp ngã hoặc thất bại, mình đều cảm thấy rất thất vọng và chán nản. Nhưng sau khi hiểu một số triết lý của Phật pháp, mình biết cần phải làm gì để cân bằng cuộc sống, để sống có ý chí và niềm tin. Tất cả đều có trong hai chữ lạc quan”.
Còn Quách Thị Thu Thủy, nhân viên một công ty Luật lại cho rằng đã học được cách biết cảm thông, chia sẻ với người khác: “Gia đình mình vốn có điều kiện nên mình rất được chiều, do đó mình ít khi quan tâm đến hoàn cảnh cũng như suy nghĩ của người khác. Sau khi tham dự lớp học này, nghe giảng và hoạt động ngoại khóa như giúp đỡ những người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt mình biết sống cảm thông, chia sẻ với những người xung quanh hơn...”
Trong khi giảng dạy môn lịch sử Phật pháp và tiếp xúc với các bạn trẻ tại lớp học này, anh Trần Văn Trà cho rằng, việc giới trẻ hiểu được những giá trị tốt đẹp của Phật pháp và áp dụng vào cuộc sống của mình là một dấu hiệu rất đáng mừng.
Điều đó cho thấy bên cạnh một bộ phận thanh thiếu niên khiến dư luận dóng hồi
chuông báo động về đạo đức, ý thức và lối sống của giới trẻ vẫn có một số thanh
thiếu niên hướng đến những giá trị chân-thiện-mỹ để hoàn thiện lối sống và nhân
cách của mình./.
“Lớp học diễn ra từ 15 giờ đến 17 giờ các ngày chủ nhật hàng tuần tại chùa Cót, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Một buổi học thường gồm các hoạt động như: sinh hoạt văn nghệ đầu giờ; nghe giảng Pháp; tham vấn quí Thầy; chơi trò chơi với các trò giải đoán ô chữ hoặc giải đáp tình huống. Để những bài học có thể dễ tiếp nhận chương trình học được gắn với sinh hoạt văn nghệ. Những ca khúc được học đều viết dựa trên tinh thần của đạo Phật có ca từ đơn giản, dễ hiểu, giai điệu dễ nhớ nhằm đơn giản hóa những triết lý đó.
Những ai quan tâm đến hoạt động của lớp học Phật pháp có thể tìm hiểu qua trang
diễn đàn thanhnienphattu.net, diễn đàn này thu hút đông đảo các đối tượng tham
gia thảo luận rất sôi nổi”.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự