Trường của em ở chùa

Thứ năm - 17/12/2009 09:15
Trưa nắng chang chang, đang cuốc bộ xuyên rừng, chúng tôi lạc vào một ngôi chùa nằm ngất ngưởng trên đỉnh đồi cao. Chưa hết hứng thú với khung cảnh hữu tình, lữ khách lại ngỡ ngàng khi nghe tiếng hát ru vang vọng. Lần theo những điệu hát êm ái gồm cả dân ca, nhạc thiếu nhi, nhạc Phật giáo, chúng tôi chúng tôi khám phá ra một ngôi chùa độc đáo.

Thương dân, phát rẫy, lập chùa

Buôn Đăng Đừng (thôn 6), xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng có 120 hộ gia đình với hơn 900 người mộ đạo Phật nhưng một năm có 6 tháng mùa mưa, nước suối dâng ngập đường nên không thể ra tu viện Bát Nhã sinh hoạt Phật sự được, Đại đức Thích Đồng Châu trăn trở khôn nguôi. Giá mà có được một ngôi chùa nằm trên địa phận buôn! Nghĩ nát nước, thầy quyết định mang y bát lên đường. Chiều ấy, giữa hạ, nắng nung ran con đường lầm bụi dẫn thầy đến vùng đất mới. Đó là tháng 5-2004.

Buổi đầu xuống buôn gặp gỡ chính quyền và bà con nhân dân, biết tâm nguyện của thầy, ai nấy vui mừng ra mặt. Dân làng đồng ý cấp ngay cho thầy 6 sào đất. Nhát cuốc bổ xuống, tóe lửa, nảy coong coong; cỏ nác um tùm, lưỡi xà gạc chạm vào, ruồi muỗi, chuột bọ, rắn rết, túa ra nhiều như rươi.

Một cái chòi, một mình một bóng, ngày ngày thầy tưới mồ hôi và nhiều khi cả máu xuống mảnh đất cằn để phạt từng vạt cỏ, dặm từng mầm cây. Ngày qua ngày, mỗi khoanh đất hoang được dọn là mỗi lần thầy nhận thêm những ánh mắt ấm áp từ đồng bào. Bà con gật gù bảo nhau rằng vị sư người thấp đậm, luôn tươi cười ấy nói thật và làm thật, ông dựng chùa để ở lại với dân làng đấy. Thế là người cúng dường miếng ruộng, kẻ nhượng lại mảnh vườn, đất chùa dần thành một khu rộng hơn 10ha.

Mê làm vườn từ nhỏ, đến lúc xuất gia lại gắn với những ngôi cổ tự đẹp và nên thơ của Đà Lạt, Bảo Lộc nên cái khiếu bày biện với thiên nhiên của thầy Đồng Châu mỗi ngày một đắp bồi. Giờ có đất dựng chùa, ngoài chánh điện - nơi thờ Phật, gác chuông, phòng khám bệnh v.v. là cần phải dụng đến vôi, cát, gạch, ngói, còn thì thầy toàn dựng nhà gỗ, lều tranh - bình dị như trang trại của một sơn nhân trong rừng thẳm.

Những nếp nhà tranh tre nứa lá, vườn tượng, vườn đá nghệ thuật mang trên mình những bức thư pháp với nét chữ bay bướm chuyên chở vị đạo, tình đời: Hiểu biết, Thương yêu, Hãy yêu thương và tha thứ, Phật tại tâm, Thanh tịnh… ẩn hiện hài hòa trong khung cảnh nên thơ của bạt ngàn hoa thơm bướm lượn.

Mái chùa chuyên chở hồn dân tộc, hiểu điều ấy nên thầy rất khéo léo kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với văn hóa bản địa, trong khu vườn Lâm Tỳ Ni, ngoài tượng các nhân vật nguyên bản như tích nhà Phật: thái tử Tất Đạt Đa, công chúa Da Du, hoàng hậu Ma Da…, thầy đưa thêm tượng già làng, chàng trai, cô gái, mẹ địu con; bên đầu đao cong vút của mái chùa, cạnh tượng Phật là những chiếc crăngđa (chuông gió, bà con làm bằng nứa, cắm trên nương để đuổi thú rừng) v.v. và v.v.. Chùa Di Đà đẹp, hài hòa như một bản nhạc rừng!

Làm thầy-làm mẹ-làm cha 

Ngày ngày cùng lên nương làm rẫy với đồng bào, tối tối xuống buôn thăm già hỏi trẻ, thầy Đồng Châu nhói lòng khi nhận thấy, trung bình cứ 10 em nhỏ thì có 4 - 5 em chỉ được học đến lớp 2, 3. Làm sao để cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - thất học đừng vây siết lấy đồng bào Châu Mạ nơi này? 

Một tối nọ, trong buổi họp dân của buôn Đăng Đừng, bà con thấy thầy xuất hiện. Bằng một giọng ấm áp và truyền cảm, thầy rủ rỉ tâm tình với mọi người về chuyện hạt lúa, con heo, con gà…; hết chuyện miếng cơm manh áo lan đến chuyện bệnh tật của người già, học hành của đám trẻ.

Thầy bảo, bà con đừng bắt tụi trẻ nghỉ học sớm, cái chữ quý lắm, biết chữ thì trồng cây cà phê cũng xanh tốt hơn, cho nhiều trái hơn. Kẻ lặng thinh, người gật gù, có người bạo dạn thì bảo biết thế nhưng ăn còn đói, lấy đâu đóng học cho con? Thầy trả lời chắc nịch: “Chùa rộng, tôi sẽ dựng nhà, mở lớp”. 

Từ đó, cứ rảnh việc chùa là thầy lại cần mẫn xuống buôn, vào những gia đình có con em trong độ tuổi đến trường để thăm hỏi, chuyện trò, thuyết phục phụ huynh cho con em lên chùa ăn học. Tụi trẻ thì khỏi nói, chỉ cần biết được ở chung với chúng bạn, được ăn no, được đi học... là cười tít mắt.

Trước cửa bếp, một người phụ nữ khắc khổ từ điệu bộ cử chỉ đến cả nụ cười, đang xuýt xoa một cô, một chú tiểu. Chị là Ka Dét, 50 tuổi, lên thăm 2 con là Ka Ngữu, 16 tuổi và K’Piểm, 13 tuổi lên ở chùa từ hơn 1 năm nay. “Nó dắt em trốn lên chùa. Mình biết, lên tìm, hỏi thì nó bảo nghe các anh chị kể ở chùa được học, được chơi nên chúng đi”.

Nghe mẹ tố vậy, cô chị Ka Ngữu thẹn thùng: “Nghe các anh kể chuyện ở chùa, em thích quá liền lên chùa xin thầy, thầy gật đầu bảo để xuống nói chuyện với gia đình. Nhưng, tối ấy, nhân lúc bố mẹ đang lúi húi dưới bếp, em vơ vội mấy bộ quần áo rồi kéo K’Piểm trốn đi”. K’Tiệt, 15 tuổi, là con út trong một gia đình 10 anh chị em, nhà nghèo lắm nên chú cùng 2 anh dắt nhau lên ở chùa.

K’Diễm, 13 tuổi, thì là con một, nhà khá giả, bố mẹ không muốn nhưng chú quyết tâm xin lên chùa tu học từ 4 năm nay. Được thầy đặt pháp danh là Chúc Tín, chú thích lắm, rất chăm ngoan, học hành sáng dạ, lại sống gương mẫu và thân thiện nên luôn được thầy yêu, bạn mến v.v.. Mỗi người mỗi cảnh quy tụ về làm ấm cúng mái chùa đơn sơ nơi đỉnh đồi lộng gió này.

Trước cửa bếp, một người phụ nữ khắc khổ từ điệu bộ cử chỉ đến cả nụ cười, đang xuýt xoa một cô, một chú tiểu. Chị là Ka Dét, 50 tuổi, lên thăm 2 con là Ka Ngữu, 16 tuổi và K’Piểm, 13 tuổi lên ở chùa từ hơn 1 năm nay. “Nó dắt em trốn lên chùa. Mình biết, lên tìm, hỏi thì nó bảo nghe các anh chị kể ở chùa được học, được chơi nên chúng đi”.

Nghe mẹ tố vậy, cô chị Ka Ngữu thẹn thùng: “Nghe các anh kể chuyện ở chùa, em thích quá liền lên chùa xin thầy, thầy gật đầu bảo để xuống nói chuyện với gia đình. Nhưng, tối ấy, nhân lúc bố mẹ đang lúi húi dưới bếp, em vơ vội mấy bộ quần áo rồi kéo K’Piểm trốn đi”.

K’Tiệt, 15 tuổi, là con út trong một gia đình 10 anh chị em, nhà nghèo lắm nên chú cùng 2 anh dắt nhau lên ở chùa. K’Diễm, 13 tuổi, thì là con một, nhà khá giả, bố mẹ không muốn nhưng chú quyết tâm xin lên chùa tu học từ 4 năm nay.

Được thầy đặt pháp danh là Chúc Tín, chú thích lắm, rất chăm ngoan, học hành sáng dạ, lại sống gương mẫu và thân thiện nên luôn được thầy yêu, bạn mến v.v.. Mỗi người mỗi cảnh quy tụ về làm ấm cúng mái chùa đơn sơ nơi đỉnh đồi lộng gió này.

Để các cô, chú ăn ở quy củ như nhà binh, vui vẻ như trại hè ấy, thầy Đồng Châu đã kỳ công biết bao nhiêu trong hành trình làm thầy-làm cha-làm mẹ. Ngày đầu mới lên chùa, có chú nhút nhát, cứ ở tịt trong phòng, thầy vào tìm thì… chui xuống gầm giường trốn.

Lúc thầy mới mở lớp, mời giáo viên về dạy tiếng phổ thông, nhiều cô, chú ngại không dám vào học, có người được đưa vào tận lớp rồi, ngồi cúi gằm mặt xuống bàn ngủ, người thì nhấp nha nhấp nhổm chờ thầy không để ý là trốn ra ngoài v.v..

“Dạy cho các cô, chú địu (tiểu) ở đây rất khó vì mình không thể sơ cứng, khắt khe. Các em sống phóng túng quen rồi nên khó đưa vào quy củ đã đành; nhiều người còn nhút nhát, rất sợ học hành, lại hay mặc cảm, lầm lì, hờn dỗi… Tôi phải rèn từng li từng tí, từ tư thế ngồi ăn, nằm ngủ đến lời ăn tiếng nói, phương pháp học hành, tu tập v.v., phải mềm mỏng, lúc cương lúc nhu mới hiệu quả” - thầy bộc bạch.

Hiện tại, thầy Đồng Châu nuôi dưỡng 24 chú, 4 cô tiểu, từ 8 - 25 tuổi. Thầy cho biết: “Tâm nguyện của nhà chùa là nuôi dạy các em được ăn học nên người, bảo tồn và gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc Châu Mạ. Nếu học xong THPT, cao đẳng, đại học v.v., không muốn quy y thì chúng tôi lại hoan hỉ tiễn họ về với gia đình”. 

Kinh, kệ ngân vang

Đạ - nước, sa piêng - ăn cơm, ami ta pa - di đà, hiu - home - nhà…, những cái miệng xinh đang háo hức đọc theo hướng dẫn của một thầy giáo già. Thầy Nguyễn Diệp, 66 tuổi, là giảng viên Trường Trung cấp Phật học tỉnh Lâm Đồng, từ 2 năm nay, cứ chiều thứ sáu hàng tuần lại khăn gói từ Đà Lạt xuống chùa Di Đà dạy tiếng Châu Mạ và tiếng Anh cho các cô, chú điệu.

Hiền huynh của thầy, GS Phạm Phú Thành, 73 tuổi, giảng viên Đại học Đà Lạt, nhà nghiên cứu văn hóa, thì xuống để tổ chức những buổi nói chuyện với các cô, chú địu và đồng bào trong buôn - cứ cuối tuần là nô nức lên chùa làm công quả, khám bệnh, sinh hoạt Phật sự - về nguồn gốc, phong tục tập quán của dân tộc Châu Mạ, đạo lý, văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Cảm kích trước việc làm của Đại đức Thích Đồng Châu nên các thầy tình nguyện dạy miễn phí bằng tất cả tâm huyết của mình. Cùng tâm nguyện ấy, Đại đức Thích Đồng Hùng cũng mới quyết định rời tu viện Bát Nhã vào ở hẳn chùa Di Đà để giúp thầy Đồng Châu vun vén chuyện chùa chiền và chăm lo cho các cô, chú địu.

Có thêm người sốc vác, những vạt đồi quanh chùa cũng xanh tốt hơn, mùa nào thức ấy, nào rau củ quả phục vụ tại chỗ cho bữa ăn hàng ngày, nào chè, cà phê, bơ, mít… Các cô, chú được rèn luyện cuộc sống tự lập và tinh thần yêu lao động nên tuổi nhỏ làm việc nhỏ, cũng đã đỡ đần được thầy nhiều công việc ngoài những giờ học hành chăm ngoan. Những nỗ lực không mệt mỏi của thầy Đồng Châu đã được đền đáp. 

Không chỉ là nơi hoạt động tín ngưỡng, chùa Di Đà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong buôn. Chùa có sân bóng chuyền, bóng đá để chiều chiều thanh thiếu niên lên vui chơi, rèn luyện thân thể.

Trước đây, bà con còn giữ thói quen phóng uế bừa bãi, từ ngày về đây, thầy Đồng Châu xây khu nhà vệ sinh, nhà tắm, giếng khoan phục vụ bà con, những lối ăn ở tạm bợ, thiếu văn minh đã dần bị đẩy lùi.

Thầy huy động nhân dân dọn dẹp vệ sinh, nạo vét hồ nước, dọn bãi đổ rác, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Thầy còn kêu gọi Phật tử gần xa quyên góp tiền làm cầu cống, đường xá giúp bà con địa phương đi lại được thuận tiện.

Sau chùa có một khu rừng, bà con trong buôn gọi là rừng thần nhưng trước đây lâm tặc vào chặt phá quanh năm suốt tháng, từ ngày thầy Đồng Châu về lập chùa, đồng bào nhờ thầy trông nom giúp khu rừng. Kể từ đó, 3ha rừng nguyên sinh ấy đã được chăm sóc, bảo vệ.





-Tiếng lành đồn xa, bí thư chi bộ, già làng đại diện cho bà con nhân dân ở thôn 1, 2, 3 của xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm sang tận chùa Di Đà mời thầy Đồng Châu về gây dựng giúp một niệm Phật đường. Hiện tại, trên diện tích 4ha của xã đang được thầy và các đệ tử cùng nhân dân tiến hành xây dựng. Xây xong chùa, thầy sẽ cử đệ tử xuống coi sóc, hướng dẫn bà con địa phương tu tập rồi sau đó nhường lại cho nhân dân bản địa quản lý.

-Theo tập quán, đồng bào dân tộc thường địu con nhỏ trên lưng, trước ngực rồi tha lôi theo suốt ngày dầm mưa dãi nắng lên nương, xuống suối, vào rừng… Thương tụi nhỏ, từ ngày 8-8, thầy xây dựng một khu nhà trẻ trong khuôn viên chùa, mướn 3 cô giáo về đứng lớp, chăm lo các cháu nhỏ từng bữa ăn, giấc ngủ để cha mẹ chúng yên tâm lao động mà các mầm non cũng được chăm sóc, nuôi dạy chu đáo hơn. Hiện nhà trẻ đã rộn tiếng khóc, cười của 30 cháu.

- Đại đức Thích Đồng Châu sinh năm 1963, quy y cửa Phật từ 22 năm nay, là thành viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, phụ trách đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ là nơi hoạt động tín ngưỡng, chùa Di Đà còn là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con trong buôn.

Tác giả bài viết: Phạm Doãn Luyện

Nguồn tin: Vietnamandyou.net

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây