Chuyến đi từ ngày 30-4 tới 6-5, đến hai tỉnh Battambang và Phnom Srok thể hiện tình cảm sâu sắc, sự quan tâm, chia sẻ của Phật giáo Việt Nam đối với bà con kiều bào sống xa quê hương, đặc biệt là kiều bào đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
ĐĐ.Thích Minh Phú, trưởng đoàn từ thiện cho biết, hơn 10 năm nay Hội Từ thiện chùa Giác Nguyên thường xuyên tổ chức các chương trình khám bệnh và tặng quà cho người dân Campuchia, trong đó có rất đông người Việt đang sinh sống ở đây. Bà con sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá, buôn bán nhỏ lẻ, hoặc làm thuê, làm mướn..., đời sống khó khăn.
“Trong quá trình di chuyển, giấy tờ tùy thân cũng mất hết, việc nhập quốc tịch trên đất bạn cũng gặp một số khó khăn. Chính vì vậy việc học hành không thuận lợi, kiều bào nơi đây bị mù chữ (tiếng Việt lẫn tiếng Campuchia)”, Đại đức nói.
Biết đoàn đến mổ mắt và tặng quà, hàng trăm kiều bào cũng như người dân Campuchia đã tập trung từ rất sớm. Niềm vui mừng của họ hiện rõ trên gương mặt, ánh mắt của từng người khi thấy đoàn từ thiện xã hội từ TP.HCM sang. Mặc dù không biết tiếng Campuchia nhưng nhìn những nụ cười trên những khuôn mặt của người dân dưới tiết trời nắng nóng tháng 5 đủ biết họ hoan hỷ nhường nào, và cũng cảm được hạnh “thí vô úy” của các thành viên đoàn.
Tâm sự với chúng tôi trong quá trình chờ được mổ mắt về điều kiện sống nơi đây, bà Giàu, ở tỉnh Phnom Srok năm nay đã 70 tuổi chia sẻ: “Khi nghe tin đoàn qua thăm, khám bệnh, tôi rất vui mừng, tôi chẳng còn giấy tờ chứng minh thân thế. Do vậy, con cái tôi không có công việc ổn định, chủ yếu làm thuê, làm mướn trên Phnom Penh. Tôi ở nhà giữ cháu, sống bằng số tiền ít ỏi từ con gởi về”.
Phấn khởi khi vừa được mổ mắt xong, ông Văn Hai năm nay đã 80 tuổi rất vui mừng tâm sự: “Cách đây nhiều năm tôi cũng được khám bệnh, phát thuốc, và đây là lần thứ 2 tôi được như vậy. Chạy lánh chế độ diệt chủng đến đây từ năm 1982, sống bằng nghề làm mướn, con cái phải đi bán xôi tận Siem Reap dành dụm ít tiền đem về nuôi vợ chồng tôi. Nhân đây tôi cũng cảm ơn quý thầy và nhà tài trợ đã quan tâm đến chúng tôi, những người Việt tha hương…”.
Không chỉ những cụ già tìm lại ánh sáng có niềm vui mà niềm vui còn lan tỏa trên từng khuôn mặt những cụ già tàn tật nay được tiếp nhận những chiếc xe lăn, xe lắc. Những món quà như tiếp thêm nghị lực cho họ, những đồng bào nghèo nơi đây đều chia sẻ cảm giác ấm lòng khi nhận được sự quan tâm, đùm bọc từ phía cộng đồng người Việt trong nước.
Nói như ĐĐ.Thích Minh Phú, chuyến đi mang ý nghĩa, thể hiện tình hữu nghị, tương thân tương ái, tương trợ lẫn nhau, chứa đựng tình cảm tha thiết đối với đồng bào xa xứ cùng những người dân Campuchia. Đó là biểu hiện của lòng từ bi của những người con Phật, lúc nào cũng thao thức mang niềm vui cho người và giúp người bớt khổ...
Tác giả bài viết: Mai Trung
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự