Chúng tôi về thăm Trúc Lâm Bảo Sơn, huyện Tóc Tiên, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào cuối giờ chiều. Vùng đất nơi đây khá cằn cõi nhưng cây xanh thì rất nhiều. Đón chúng tôi là sư cô còn rất trẻ. Trà và mứt đủ loại được bày ra như một bữa tiệc. Hóa ra quý sư cô nơi đây sản xuất mứt, vừa để ăn, để tặng, vừa mang bán kiểm tiền kiến thiết chùa và giúp đời.
Điều làm tôi thích thú là những cậu bé mới hai ba tuổi mặc bộ quần áo vàng rất ấn tượng chạy tung tăng khắp sân vườn. Tôi ngồi lặng yên ngắm những nụ cười hồn nhiên của trẻ buổi cuối ngày. Ngẫm lại càng thấy câu tục ngữ tiếng Nga mà tôi học được cách đây hơn 30 năm quá đúng “đẹp mà dịu êm như trẻ thơ”.
Thế là tôi tìm hiểu về những đứa trẻ. Hai cậu bé nhất đáng yêu này có tên gọi thân mật là Bong và Bin.
Sư cô Thích Nữ Thiền Luận bên Bong và Bin.
Thì ra Bong đã được cứu mạng sống và đây thật sự là ngôi nhà lý tưởng, mái ấm hơn cả mơ của cậu. Mẹ Bong, qua mối tình vội vã đã mang thai cậu. Đang trên đường đi phá thai thì cô gái tội nghiệp kia gặp được một Phật tử. Người Phật tử này nghe chuyện đã gọi về cho sư cô Thiền Luận biết. Sư cô khuyên cô gái quê Thanh Hóa này nên về chùa sống và bao giờ sinh xong cháu bé thì để bé lại để nhà chùa nuôi và có thể đi bất cứ nơi nào cô muốn.
Bây giờ trước mắt tôi là Bong. Bong sinh cách đây 29 tháng. Cậu bé rất hiền và luôn ôm theo mình con cá heo bằng vải như vật bất ly thân. Sư cô Thiền Luận thỉnh thoảng tìm nhiều cách để mượn chú cá heo này mang đi giặt khi đã quá bẩn. Tôi vẩn vơ ngồi nghĩ: Phải chăng cậu bé nhớ về 1 kiếp nào đó trước đây của mình khi cậu là cá heo và cậu coi búp bê cá heo này là người anh em ruột thịt. Rồi lại nghĩ khác, có thể cậu được cứu sống mạng, được sống trong cảnh chùa an tịnh tràn ngập yêu thương này như cá cá gặp nước. Cũng có thể cậu biết rằng cá heo thuộc loại thông minh nhất trong các loại cá và có trí tuệ gần như con người, được con người rất yêu thương nên mong mình sau này cũng thông minh và được mọi người yêu thương như vậy.
Rồi tôi chợt nhớ rằng cá heo đều có nhãn lực tinh tường và có thể cảm nhận các tần số cao gấp 10 lần tần số người có thể nghe được. Phải chăng Bong cũng có tần số cảm nhận cao nên em cảm được cái tâm lớn lao của sư cô Thiền Luận đã cứu được mạng của con. Cũng có thể, khi nằm trong bụng mẹ, biết mẹ đang đưa mình đến chỗ phá thai, chuẩn bị giết chết bé, Bong đã phát ra tần số cao và tần số này đã đến được với sư cô, người muốn cứu những mạng người. Để rồi hôm nay em được sống, được vui chơi trong môi trường lý tưởng.
Tôi ngắm Bong chơi trong sân chùa mà nhớ đến một học trò của tôi. Em Sơn, một sinh viên đại học Thủy lợi Hà Nội, một thành viên của CLB Xuyên Việt, đã quyết định đạp xe từ Mũi Cà Mau về đến Địa đầu Móng Cái để kêu gọi mọi người không phá thai. Trước khi khởi hành một tuần em đã quyết định đổi mục tiêu chuyến đi từ kêu gọi giúp đỡ trẻ em nghèo sang thông điệp khó khăn nhưng cấp bách này. Tôi nhớ rằng đêm đó chúng tôi đã ngồi với nhau rất lâu, bàn bạc và nghĩ về tình trạng phá thai đáng báo động ở Việt Nam hiện nay. Mỗi năm tại nước ta có đến 300.000 ca phá thai, và có tỉ lệ nạo phá thai cao nhất trong khu vực Đông Nam Á, cao thứ 5 trên thế giới.
Tôi lặng người đi khi nghĩ về thân phận của những sinh mạng này. Và rằng như vậy, chỉ 3 năm trôi qua thôi, đã có đến một triệu trẻ em bị giết chết khi chưa kịp chào đời. Tôi cầm tay Bong dắt em đi chơi trong vườn cây xanh lá của Trúc Lâm Bảo Sơn. Ấm áp và dịu êm đến lạ kỳ.
Số phận của Bin lại khác. Bin sinh ra tại bệnh viện Từ Dũ khi mẹ bé mang thai mới sáu tháng rưỡi. Khi sinh, bé nặng có 1,2 kg và trông người xám xịt, ít người tin rằng bé sẽ sống. Mẹ bé thì đã bỏ đi rồi. Biết tin này, sư cô Thiền Luận đã về đón bé. Và bây giờ bên cạnh chúng tôi là Bin, cậu bé rất nhanh nhẹn, thông linh, hoạt náo, hay nghịch.
Không hiểu sao Bin ra đời kém Bong 1 tuần và bé tẹo vậy mà bây giờ hay bắt nạt anh Bong. Không hiểu sao, 2 em bé ra đời trong 2 hoàn cảnh khác nhau, ở hai nơi rất khác nhau mà yêu quý nhau đến thế. Khi đi ngủ, nếu thiếu một trong hai, thì bé kia nhất định không chịu ngủ. Phải chăng, các con biết thân phận mình bị bỏ rơi nên biết nương vào nhau để sống. Phải chăng tình yêu thương với nhau nơi đây là thứ năng lượng vi diệu bù đắp lại thiệt thòi lớn lao và số phận nghiệt ngã của Bong và Bin.
Tìm hiểu ra tôi mới biết sư cô Thiền Luận đang nuôi 6 con nhỏ. Hai bé lớn hơn là nữ và có tên rất đẹp: Cát Tường và Như Ý. Tôi hiểu rằng sư cô muốn các con có 1 cuộc sống mới tuyệt vời, rằng mái chùa này đang tạo cho các con một kiếp mới diệu kỳ. Rằng nếu các con đã được cứu sống và đang được hưởng hạnh phúc như đang có.
Em Võ Văn Mão – học trò và cũng là đồng nghiệp của tôi, người đưa chúng tôi xuống đây, cho biết, sư cô Thiền Luận hiện cũng đang bảo trợ cho 13 cháu nhỏ khác. Các bé này vẫn ở nhà với bố mẹ. Tuy nhiên vì nhà quá khó khăn, phần lớn là bố mẹ các bé từ miền Tây đến đây làm thuê, không đủ tiền nuôi các bé ăn học. Thế là sư cô giang tay giúp đỡ. Nhìn các bé vui chơi và yêu quý nhau mà tôi thấy 1 sự an lạc kỳ lạ đang trang ngập trong mình. Chính các con đang giảng cho tôi những bài pháp tuyệt vời về tình yêu thương.
Ngoài bếp các sư cô và phật tử đang làm mứt. Nhìn những chảo lớn dừa, me, gừng,… đang được nấu dưới cái nóng từ bếp củi làm tôi suy nghĩ. Thì ra đây là nguồn thu nhập chính của nhà chùa. 13 năm nay Trúc Lâm Bảo Sơn cứ vậy mà dần dần mở rộng và được xây dựng. Con kiến tha mồi dần dần đầy tổ!
Tôi đi những bước chậm và nhẹ trên con đường bằng gạch. Con đường gạch rất đẹp và sạch. Hóa ra đây là gạch lỗi của xí nghiệp gạch. Gạch lỗi khó bán nên được nhà máy cúng dường cho chùa. Thật quý giá biết bao. Nếu không nói ra tôi cũng không biết đây là gạch lỗi. Mão và các em thiện nguyện viên từ Sài Gòn cũng đã góp nhiều ngày công để xếp nên con đường này. Nhìn trên lối đi còn nhiều đống gạch nữa, tôi biết rằng, nhất định sẽ có 1 con đường gạch để thiền hành quanh chùa. Nghĩ đến đã vui muốn khóc rồi.
Tôi tham quan khu bếp đang xây dựng. Sư cô Thiền Luận chỉ lên những thùng nước lớn trên cao. Thì ra khi thấy cô loay hoay lo nước, anh Chiu Chô, giám đốc công ty A Sung, người Hàn Quốc, ngay sát chùa đã sang để thi công và tặng luôn cả tháp nước này. Sư cô bảo, nhiều tiền lắm đấy, nếu phải bỏ tiền ra. Có nước từ trên cao thật tuyệt lắm. Anh Chiu Chô cũng cung cấp miễn phí luôn nước sạch đã được lọc từ bên công ty A Sung sang để nhà chùa thoải mái sử dụng. Tôi chưa gặp anh nhưng nghe sư cô luôn tấm tắc khen ngợi, tôi như cảm được tấm lòng của anh doanh nhân xứ Hàn đang sống và làm việc tại đất Việt chúng ta. Thì ra tâm Phật không phân chia biên giới, dân tộc, ngôn ngữ.
Trước khi về tôi mới biết rằng sư cô Thiền Luận quê Quảng Trị. Cô xuất gia và tu tại thiền viện Phổ Chiếu. Ngày nọ cô bị bệnh và đi khám thì phát hiện ra bị ung thư. Cô ngồi thiền, lễ Phật và phát nguyện rằng nếu được sống cô sẽ nuôi các cháu mồ côi. Trời Phật đã cảm được nguyện lớn của cô để chúng tôi đang được thấy sư cô đang sống và xây dựng nên cơ ngơi này. 13 năm rồi đấy.
Chúng tôi ngủ đêm ở Trúc Lâm Bảo Sơn. Sáng dậy thiền lúc 5h sáng đã thấy sư cô đang tưới cây. Thì ra cô dậy từ 3 giờ sáng hành thiền để rồi sau đó tưới cây trước khi mặt trời mọc. Đất ở đây khô cằn nên nếu không tưới thì cây chết ngay.
Sáng sớm, chúng tôi lại được chơi với Bong và Bin cùng các em nhỏ khác. Ngắm bình minh đang lên, tôi cứ nghĩ về thân phận con người, nhất là ba trăm ngàn cháu bé bị cha mẹ giết hại, rằng 300.000 mạng sống chính đáng đang bị cướp đi mỗi năm. Các em có tội gì đâu. Lỗi này có thuộc về cha mẹ các em? Không lỗi này thuộc về Vô Minh. Chính vì vô minh nên chúng ta mới có những suy nghĩ sai lầm, những lời nói sai lầm và những hành động sai lầm. Nhưng may thay chúng ta vẫn có những con người có trí tuệ và yêu thương như sư cô Thiền Luận tại Trúc Lâm Bảo Sơn.
Tôi lặng người đi và nghĩ: Không biết trên đất nước Việt Nam với diện tích hơn 300 ngàn cây số vuông này có bao nhiêu cô Thiền Luận. Không biết trong số 90 triệu dân này có bao nhiêu sư cô Luận.
Tôi lại nghĩ, không biết cậu sinh viên có tên là Sơn đã đạp xe đến đâu rồi. Và liệu thông điệp của em có đánh động được tâm của ai không. Liệu kết quả của chuyến đạp xe xuyên Việt của Sơn làm thay đổi hành động phá thai của bao nhiêu ông bố bà mẹ trẻ, nhất là các em vị thành niên. Tôi biết, nhất định có nhiều người giật mình và thay đổi suy nghĩ khi biết đến chuyến đạp xe quá ý nghĩa này của Sơn.
Bạn thân mến, nếu bạn thấy ai đó có ý định phá thai, hãy liên lạc ngay để giúp họ, để cứu vớt những sinh linh vô tội. Ít nhất Trúc Lâm Bảo Sơn ở Bà Rịa là một địa chỉ tin cây, là ngôi nhà thân thương để các em được bên nhau trong tình thương. Tôi biết Bin và Bong đang chờ đón những người em không cùng dòng máu nhưng đầy yêu thương và che chở.
Bong có pháp danh là Đức Khánh. Rồi đây, Bong và Bim sẽ được đến Măng Đen, Kon Tum, ngôi chùa của sư thầy Nhuận Bảo, nơi các con sẽ tu tập khi lớn hơn. Đó là ngôi chùa của quý Tăng.
Tôi nhắm mắt lại là nghĩ về 20 năm sau. Khi đó tôi đã lớn tuổi còn Bin, Bong, Cát Tường, Như Ý,… đã thành những sư cô sư thầy. Tôi như muốn quỳ xuống đảnh lễ sư cô Thiền Luận từ xa. Và cả đảnh lễ các con nữa, những nhà sư tương lai, những vị tăng và ni trong không lâu nữa. Tôi nhẹ nhàng mỉm cười trong chánh niệm.
Đây là tịnh độ, tịnh độ là đây.