Thiền sư 13 năm "rong rêu" làm từ thiện bằng tài năng trời cho

Thứ bảy - 01/06/2013 14:32
Gần 30 năm tu hành, Thiền sư Pháp Hạnh (ảnh) đã có tới 13 năm vân du làm từ thiện với những hành động thiết thực. Ông không đi hóa duyên tiền bạc mà vẽ tranh tặng các tổ chức từ thiện, góp phần giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Nhiều người nhận được sự giúp đỡ nhưng lại chưa một lần được diện kiến Thiền sư. Tấm lòng bồ tát đó không phải ai cũng có được.

Thiền sư Pháp Hạnh tên thật là Nguyễn Quang Thịnh. Sinh ra và lớn lên ở Huế, Nguyễn Quang Thịnh từ bé đã thấm đẫm chất nhẹ nhàng, trầm lắng nhưng cũng không kém phần sâu sắc, tinh tế vốn có của người dân cố đô. Chưa đầy 20 tuổi, cậu thanh niên Nguyễn Quang Thịnh đã xuống tóc quy y cửa Phật với pháp danh Pháp Hạnh. Trải qua hơn 10 năm tu hành, Thiền sư Pháp Hạnh đã làm trụ trì một ngôi chùa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thiền sư Pháp Hạnh hồi tưởng: Những ngày tu hành tại chùa, ngày ngày tụng kinh gõ mõ, tôi ngộ ra rằng, muốn cứu khổ cứu nạn thì cần có những hành động thiết thực chứ không chỉ thuần túy cầu xin thần phật phù hộ. "Rồi một ngày tự nhiên khám phá ra nguyên lý của màu sắc, thấy thích vẽ thế là tôi bắt tay vào vẽ tranh. Lúc đầu tôi vẽ cũng chỉ là để tự khám phá bản thân. Nhưng sau tôi nghĩ, nên tặng những bức tranh này cho các cơ sở làm từ thiện để họ bán đi góp phần giúp đỡ người nghèo, những cảnh ngộ đáng thương...”, Thiền sư Pháp Hạnh tâm sự.

Vậy là từ năm 2000, Thiền sư Pháp Hạnh đã bắt đầu cuộc đời vân du làm từ thiện, nay đây mai đó khắp nơi với tấm lòng bồ tát và cây cọ vẽ. Tranh của ông khá trừu tượng, không phải ai cũng hiểu, nhất là những người không thể lắng đọng tâm hồn để cảm, để nhận biết được những lời nói yêu thương, những sự cảm thông chia sẻ với những cảnh đời bất hạnh, khốn khó mà Thiền sư Pháp Hạnh đã gửi vào toan vải. Xem tranh của ông, người ta phải thoát xác, rũ bỏ bụi trần mới cảm thụ được hết cái vẻ đẹp trong sáng của từng bức tranh.

Tính đến nay, Thiền sư Pháp Hạnh đã vẽ khoảng 500-600 bức tranh sơn dầu. Mỗi bức tranh Thiền sư Pháp Hạnh vẽ là sự "rút ruột” của ông về đạo, về đời, đó là những thông điệp hãy hiểu biết, hãy yêu thương đồng bào... Theo một nhà lý luận phê bình mỹ thuật thì sức sáng tạo của Thiền sư Pháp Hạnh khá dồi dào. Vẽ tranh sơn dầu là điều không phải dễ, bởi đây là một thể loại tranh khó thể hiện, chưa kể lại tốn kém chi phí để mua toan vải, sơn dầu, dao và cọ vẽ. Vậy mà chỉ trong vòng hơn 10 năm, ông đã có số lượng tranh vẽ khổng lồ lên đến hàng trăm chiếc. Ngay cả các họa sĩ được đào tạo bài bản tại các trường đại học mỹ thuật cũng chưa chắc đã có sức sáng tạo như vậy.

Vậy nhưng Thiền sư Pháp Hạnh vẽ chỉ để... làm từ thiện! Ông miệt mài vẽ không toan tính việc phải đầu tư bao nhiêu tiền mua toan vải, mua sơn dầu... để rồi khi thành phẩm bức tranh, ông mang tặng cho các tổ chức từ thiện rồi âm thầm rút lui mà không màng hư danh. "Thậm chí có những tổ chức từ thiện đến xin tranh, tôi tặng mà cũng không biết trụ sở của họ ở đâu. Tôi nghĩ, việc làm từ thiện có lẽ cũng không có ai gian dối để hưởng lợi từ những mảnh đời bất hạnh nên cũng không cần phải tìm hiểu làm gì...", Thiền sư Pháp Hạnh cho hay.

Dù chưa từng một ngày ngồi ghế trường đại học mỹ thuật, nhưng tranh sơn dầu của Thiền sư Pháp Hạnh được đánh giá khá cao, ngay cả một số người khó tính trong giới mỹ thuật cũng khá hài lòng. Có thể trong tranh của ông còn có những khiếm khuyết về bố cục, màu sắc, về hình khối... nhưng mọi người đều thể tất vì nhiều nhẽ: Ông không được đào tạo bài bản thì việc có những hạt sạn nho nhỏ trong tác phẩm là điều không thể tránh khỏi. Quan trọng hơn, đó là tấm lòng của ông đáng quý, đáng trân trọng biết bao.

Vậy nên sau những chuyến triển lãm tranh tại Mỹ, Đức, Hàn Quốc, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội... tranh của ông luôn được các tổ chức từ thiện bán hết, với giá có thể nói là cao (khoảng 50 triệu đồng/ bức). Toàn bộ số tiền đó do các cơ sở làm từ thiện quản lý, ông lại lặng lẽ rút lui... vân du nơi khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây