Phỏng vấn một phật tử phát tâm đi tu

Thứ bảy - 15/06/2013 19:12
Con đường xuất gia là con đường rất vi diệu, là con đường chân lý giúp cho thân tôi an lạc và tâm tôi được khai mở càng ngày càng rộng lớn để phục vụ được nhiều người hơn.
Phật tử Trần Xuân Kiêm trong một lần được đảnh lễ đức Pháp chủ
Phật tử Trần Xuân Kiêm trong một lần được đảnh lễ đức Pháp chủ
Phật tử Trần Xuân Kiêm, sinh năm 1982 là một trong những thành viên nhiệt thành tham gia công tác phật sự của chùa Quán Sứ, của Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương, ...Nay, nhân duyên đã phương trưởng, anh có tâm nguyện xuất gia tầm sư học đạo. Phóng viên phatgiao.org.vn đã phỏng vấn anh:

PV: Cơ duyên đưa anh đến với Phật giáo?

Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, từ nhỏ tôi đã theo mẹ theo bà đi chùa, hình ảnh các quý Thầy luôn là sự kính trọng và tôn kính trong tôi.

Khi lớn lên khi tham gia vào quân ngũ học trường sĩ quan quân đội, khi ra trường được điều động công tác tại Quảng Ninh; cũng từ đó nhân duyên Phật giáo đến với tôi vững vàng hơn vì bên cạnh chỗ tôi đóng quân có một ngôi chùa nhỏ, tôi đã cùng các phật tử chấp tác – sinh hoạt tại chùa trong những ngày nghỉ cuối tuần.

Đặc biệt tôi còn có người bạn cùng học tại chùa làng là cư sĩ Đặng Văn Dân luôn chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp đã hướng dẫn tôi tu tập.

Năm 2005 về thăm gia đình tại quê hương (Phú Xuyên – Hà Tây cũ) tôi đã đến chùa Ráng được Hòa thượng Thích Phổ Tuệ hướng dẫn Quy y Tam Bảo.


Đến năm 2010 sau khi phục viên tôi trở về làm việc tại Công ty Phát triển Nhà Hà Nội, tôi đã theo học lớp giáo lý cơ bản đầu tiên tại chùa Mỗ Lao. Được TT.Thích Tiến Đạt trực tiếp dìu dắt, thuyết giảng. Thầy cũng là người mà tôi vô cùng tôn kính.

Cũng từ nhân duyên đó tôi đã đến chùa Quán Sứ tham gia các hoạt động phật sự. Gần các bạn thanh niên phật tử trong CLB thanh thiếu niên phật tử chùa Quán Sứ, đặc biệt là được gần gũi đi theo cô Diệu Nhân và các phật tử thiện tri thức, cựu chiến binh phật tử, họ luôn dấn thân hy sinh và phục vụ cho người khác để tìm sự an lạc, điều này đã làm cho tôi ngưỡng mộ và tăng trưởng sự hiểu biết, giúp tôi thay đổi cái nhìn, mở mang những ý tưởng, tâm trí đủ nghị lực dứt bỏ phiền não bước vào con đường đạo.

PV: Anh có nghĩ rằng đi tu là vì chán chường, vì thất bại trong đời sống, công việc, tình cảm? Hay đó là một lý tưởng rõ ràng, do nhân duyên muốn tìm con đường giác ngộ - giải thoát?

Tôi xác định rất rõ con đường tôi đi, mặc dù mỗi người tìm một con đường không ai giống ai, con đường đi từ động cơ cho tới kết quả. Có rất nhiều người sống trải qua nhiều giai đoạn. Có những lý do khác nhau làm người ta đi tu.

Tôi cũng đã từng nghe ý kiến có người bảo rằng, tôi vì thất tình phải bỏ đi tu để bớt nỗi niềm đau khổ; hoặc vì sự đau khổ thất bại của cuộc đời nên tìm an lạc trong chuyện tu hành, để được an ủi…Tất cả đều là nhân duyên.

Tôi liên tưởng đến mẩu chuyện về nguyên nhân đi tu của một người đàn ông đã có vợ và có một cậu con trai, từ lâu trong lòng đã phát tâm rất muốn đi xuất gia dứt bỏ cuộc sống gia đình nhưng không có duyên cớ gì.

Câu chuyện kể rằng “Một hôm hai người đi chơi, thấy một người đàn ông khác giầu sang, cô vợ rất ngưỡng mộ khen ngợi còn tỏ ra khó chịu xấu hổ  khi đi bên cạnh anh. Anh ta hỏi: Nếu em ngưỡng mộ người đàn ông giầu có như vậy, em có bao giờ nghĩ rằng em muốn sống với một người hơn anh không? Người vợ hồn nhiên nói: Đương nhiên! Ai mà không muốn sống với người  giầu có. Anh ta thật thất vọng và quyết tâm nuôi ý định đi tu. Mọi người ngạc nhiên hỏi tại sao anh lại có thể làm chuyện đó?

Vì tình vợ chồng gắn bó, tình yêu là muốn chiếm hữu sao dễ dàng buông bỏ vậy. Anh nói: Sở dĩ tôi làm được là vì tôi thay đổi quan điểm, trước đây nếu vào trường hợp như vậy tôi sẽ ghen tức và điên lên cho vợ một trận lôi đình. Nhưng khi tôi học Phật pháp, tôi cảm nhận thấy mọi sự việc đều vô thường không chắc chắn trước sau gì mình cũng phải tự lo cho mình, trước sau gì mình cũng phải giải thoát mọi ràng buộc.

Do đó mà tôi quyết tâm thay đổi quan niệm, níu kéo khổ đau liệu có ích gì!”

Nhiều khi trong chuyện tu hành, có rất nhiều cái nhân hội tụ lại, cho nên cái quả cũng rất là phức tạp, không thấy được.. Thay đổi nhận thức là chuyện đầu tiên khiến chúng ta có thể vượt được ra ngoài cái sự đau khổ và chướng ngại đời thường.

PV: Với lứa tuổi của anh khi xuất gia, anh có còn luyến tiếc điều gì trong cuộc sống?

Quan điểm quan trọng nhất tôi nhận ra là sự thành tựu, không phải do tu sớm tu muộn, mà là sự nhận thức làm sao để mình khai mở thấm nhuần giáo lý Phật pháp. Vì nếu mình tu lâu năm nhưng không khai mở  trí tuệ thì bằng không, theo tôi xuất gia không hạn chế vì tuổi tác, mà phải nói là do duyên lành hội tụ, do sự trưởng thành của tâm linh, tâm lý và nhận thức, tu hành là tùy theo các giai đoạn trong cuộc đời.

Có người đi xuất gia - lúc đã cao tuổi, nhưng vẫn thành tựu sự nghiệp hoằng pháp, người lớn tuổi thì quan điểm và kinh nghiệm sống của họ chững chạc, đứng đắn hơn vì vậy sự nhận thức về cuộc sống cao hơn, vững vàng hơn. Những người đó thực sự dễ dàng tiến hóa về mặt tâm linh. Người tâm lý trưởng thành thì chín chắn hơn, không thể nghĩ đơn giản xuất gia là từ bỏ cuộc sống thế tục hoặc chỉ là nghề phục vụ tín ngưỡng  tâm linh mà thôi.

PV: Tâm nguyện của anh khi mong muốn đi tu?

Mục đích xuất gia của tôi là tu học để làm sao tôi có thể làm được điều gì có lợi ích cho Phật pháp, có thời gian tu học, không còn tư tưởng nghĩ về lợi ích bản thân nữa. 

Con đường xuất gia là con đường rất vi diệu, là con đường chân lý giúp cho thân tôi an lạc và  tâm tôi được khai mở càng ngày càng rộng lớn để phục vụ được nhiều người  hơn.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây