"Gia sư áo xanh" là 1 trong 6 chương trình của Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh do Thành đoàn TP.HCM triển khai. Học sinh là các con em của công nhân, người lao động nghèo trên địa bàn TP.HCM.
Chị Nguyễn Thị Kim Hồng (36 tuổi), chủ khu lưu trú công nhân tại 85 Trần Thanh Mại, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM, cho biết: "Ban đầu chỉ có con của các công nhân tại khu lưu trú đăng ký tham gia, nhưng khi lớp học bắt đầu, một số gia đình xung quanh cũng xin gửi con đến học. Nhà tôi trở thành điểm trường cho 16 em đến học vào mỗi chiều thứ ba và thứ năm hằng tuần".
Gia sư áo xanh là các bạn sinh viên của trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Nguyễn Ngọc Trân, sinh viên năm cuối ngành giáo dục tiểu học cho hay: "Trước khi nhận lớp, các bạn đã ngồi lại, lên kế hoạch giảng dạy sao cho tiết học không nhàm chán, vừa dạy học vừa chơi trò chơi".
Trân cho biết mỗi buổi học khoảng 1 tiếng rưỡi, trong đó 1 tiếng để ôn tập kiến thức cho các em, thời gian còn lại lớp sẽ chuyển sang phần sinh hoạt vui chơi, giao lưu, đố vui có thưởng… Các "gia sư áo xanh" thường tổ chức nhiều trò chơi giúp các em cải thiện một số kỹ năng như giao tiếp, xử lý tình huống...
Tranh thủ khoảng thời gian nghỉ hè, Nguyễn Thiên Phú, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã đăng ký tham gia chương trình để giúp đỡ con em công nhân khó khăn. Phú chia sẻ: "Các em ở đây rất ngoan, lễ phép, thân thiện nên việc đứng lớp của tụi mình cũng rất thuận lợi".
Đồng hành với Chương trình "Gia sư áo xanh" đã được 3 năm, anh Lê Tấn Phát (26 tuổi), đang làm việc tại Trung tâm gia sư Thành Được (TP.HCM), cho biết bản thân nhận được nhiều niềm vui, hạnh phúc khi có thể giúp đỡ được nhiều em nhỏ củng cố kiến thức, giúp các em nắm chắc lại nền tảng cơ bản trước khi bước vào năm học mới.
Từ tháng 6/2023, mỗi buổi chiều thứ tư và thứ năm hằng tuần, anh Phát đi xe buýt từ Q.3 sang H.Nhà Bè để đứng lớp hỗ trợ ôn tập kiến thức cho khoảng 15 học sinh từ 9 - 14 tuổi tại khu lưu trú công nhân ở ấp 2, xã Long Thới. Lớp học được tổ chức nhằm ôn tập, củng cố lại kiến thức cho học sinh, chuẩn bị hành trang bước vào năm học mới.
Những tiếng "dạ, em hiểu bài", hay những khi các em kéo tay áo anh nói khẽ "hôm nay thầy dạy vui lắm", "mốt thầy dạy em nữa nha"… là động lực lớn giúp anh Phát tiếp tục cố gắng truyền tải kiến thức sao cho các em dễ hiểu và có hứng thú trong buổi học.
Theo báo Thanh Niên
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự