Duyên nợ
Giữa trưa, căn phòng cuối cùng của dãy nhà trọ ở số 78 Nguyễn Trung Nguyệt (TP Thủ Đức, TP.HCM) đang vang vang một trích đoạn ca cổ bỗng nhiên im bặt. Trên chiếc giường sắt, cụ bà Nguyễn Thị Năm (SN 1937) cất tiếng gọi: “Tâm ơi, cho má miếng nước”.

Từ dưới bếp, người đàn ông tên Nguyễn Mai Văn Tâm (SN 1980) tất tả chạy đến. Anh mở tủ lạnh lấy chai nước mát rồi cẩn thận đỡ bà cụ dậy trước khi đưa ống hút vào miệng cho bà uống.

Sự ân cần, chu đáo của anh khiến nhiều người xúc động. Tuy vậy, ít ai biết, anh Tâm không phải là con cháu hay người thân của bà Năm. Cả hai vì duyên nợ nên thương nhau như mẹ con.

Anh Tâm kể: “Má Năm là mẹ của bạn thân tôi. Tôi và con trai của má chơi thân với nhau từ nhỏ. Hồi đó, tôi thường đến nhà má chơi rồi ăn, ngủ lại như nhà mình. Lớn lên, vì cuộc mưu sinh, tôi và con trai má mỗi người mỗi ngả.

Bỗng một ngày, tôi được anh ấy liên lạc, nhờ đến nhà chăm má. Bởi lúc này, má đang bệnh mà không có ai chăm sóc. Tôi nhận lời và chăm má từ đó đến bây giờ. Tính ra cũng đã 6 năm rồi”.

Ngồi trên giường, cụ Năm rơm rớm nước mắt khi nghe anh Tâm nhắc chuyện thay con trai đến chăm sóc mình.

Ngày còn trẻ, bà Năm có căn nhà nhỏ ở quận 4, TP.HCM. Sau khi chồng mất, bà ở vậy bươn chải nuôi lớn 5 người con. Các con trưởng thành, bà bán căn nhà chia cho mỗi người một ít làm vốn. Con gái lần lượt đi lấy chồng, bà Năm sống với người con trai út.

a
Cả hai vốn không thân thích nhưng yêu thương nhau như mẹ con. 

Cách đây nhiều năm, vì cuộc sống khốn khó, con trai bà quyết định sang Thái Lan làm việc. Bà Năm ở lại, sống với một người con gái. Không may, chị này gặp tai nạn, không đủ sức chăm sóc mẹ.

Ngoài người này, bà cũng mất một cô con gái trong đại dịch vừa qua. Hai cô con gái còn lại của bà Năm dẫu có gia đình riêng nhưng ai cũng khó khăn nên không thể chăm mẹ già.

Thời điểm ấy, con trai bà Năm ở nước ngoài lâu lâu gửi tiền về nhờ anh Tâm đến thăm, chăm mẹ thay mình. Nhưng rồi biến cố ập đến.

Một buổi sáng của 6 năm về trước, sau khi thức dậy, bà Năm bỗng dưng thấy đôi chân không còn cảm giác. Bà bị liệt 2 chi dưới và không thể tự chăm sóc bản thân.

“Cũng từ đó, tôi được Tâm chăm nuôi đến bây giờ. Nó đưa tôi về nhà trọ. Hằng ngày, nó không chỉ lo cho tôi ăn uống mà còn ẵm tôi đi vệ sinh, giúp tôi tắm giặt… Nó thương tôi lắm nên gọi tôi là má”, cụ Năm nói.

a
Mỗi ngày, ngoài lo cơm nước, anh Tâm đều giúp bà Năm vệ sinh cá nhân.

Khi đó, anh Tâm còn đi làm và có thu nhập riêng nên đủ khả năng chăm bà. Ngoài ra, anh được con trai bà Năm gửi tiền về phụ giúp việc chăm sóc mẹ của mình.

Tuy nhiên, cách đây 3 năm, người này gặp sự cố không mong muốn ở nước ngoài và không thể liên lạc, gửi tiền về nữa.

Anh Tâm kể: “Trong lần cuối cùng liên lạc về, anh ấy nói mình gặp sự cố và nhờ tôi chăm sóc má Năm. Tôi nhận lời. Từ lúc đó, tôi xem má Năm như mẹ ruột và thay anh chăm sóc má thật chu đáo”.

Không từ bỏ
Bà Năm cao tuổi lại bệnh tật nên ốm đau suốt. Mỗi lúc đau bệnh, bà nhất nhất đòi gặp anh Tâm. Không còn cách nào khác, anh đành nghỉ việc để có toàn thời gian chăm sóc mẹ của bạn thân.

Để tiết kiệm chi phí, anh Tâm thuê phòng trọ khác nhỏ hơn rồi đón bà về chăm sóc. Trong phòng trọ, anh kê một chiếc giường sắt rộng rãi, chắc chắn để bà Năm nghỉ ngơi. Bên cạnh, anh đặt chiếc giường xếp ọp ẹp để mình nằm.


a
Bà Năm nhiều lúc buồn bã vì không được gần con ruột nhưng bù lại có người con nuôi hiếu thảo bên cạnh lúc về già.

Dù phòng trọ có gác lửng rộng rãi nhưng anh không sử dụng. Anh kê giường nằm gần bà Năm để kịp thời chăm sóc, trông nom bà. Mỗi ngày, ngoài việc lo chuyện ăn uống, anh phải ẵm bồng bà Năm lên xuống giường ngủ, xe lăn điện nhiều lần.

Một lần vì ẵm bà Năm lên xe không đúng tư thế, anh Tâm bị chấn thương lệch cột sống, phải phẫu thuật. Tuy vậy, sau khi xuất viện, anh lại trở về phòng trọ chăm sóc bà Năm.

Dù được bác sĩ khuyên không mang vác nặng quá 20kg, anh vẫn tiếp tục ẵm bồng bà Năm. Sau này, cụ bà được mạnh thường quân tặng chiếc xe lăn điện, anh Tâm mới đỡ vất vả hơn.

Từ ngày chấn thương cột sống, anh Tâm không thể lao động nặng nhọc. Để có tiền trang trải cuộc sống, đóng tiền thuê trọ, anh và bà Năm chọn cách bán vé số dạo.

Mỗi sáng, sau khi vệ sinh, lo cho bà Nam ăn uống, anh Tâm lại ẵm bà lên chiếc xe lăn điện đi bán vé số. Những năm trước, hai người thường nhận khoảng 400 tờ vé số đi bán ở xung quanh bệnh viện Lê Văn Thịnh, Miếu Ba Cô.

a
Mỗi ngày, bà Năm được anh Tâm chở bằng xe lăn điện ra khu vực gần bệnh viện Lê Văn Thịnh, Miếu Ba Cô bán vé số để trang trải cuộc sống.

Tuy nhiên, sau đại dịch, anh và bà Năm chỉ bán được hơn 200 vé/ngày. Những hôm mưa gió, anh để bà ở nhà, một mình đạp xe đi bán vé số dạo. Cũng vì đưa đón bà Năm đi bán vé số, anh Tâm nhiều lần bị nghi ngờ là chăn dắt cụ bà.

Mỗi lần như thế, anh đều để bà Năm và những người sống cùng dãy trọ giải thích. Bởi, ở dãy trọ số 78 Nguyễn Trung Nguyệt ai cũng thấu hiểu và khâm phục tấm lòng anh dành cho bà Năm.

Thậm chí, một người phụ nữ luống tuổi sống tại đây còn cảm thán: “Tôi chưa thấy ai chăm sóc mẹ của bạn tận tình, có tâm như Mi Na (tên thường gọi của anh Tâm tại dãy trọ). Thú thật, con tôi còn chưa chăm tôi tốt bằng Tâm chăm bà Năm”.

a
Từ lâu, anh Tâm xem bà Năm như mẹ ruột và tình nguyện chăm sóc cụ bà.

“Cha mẹ tôi đã mất nên bây giờ, tôi xem má Năm như mẹ ruột của mình. Tôi nguyện chăm sóc má đến khi má nhắm mắt xuôi tay. Tôi sẽ không từ bỏ công việc này dù nhiều lúc rất mệt mỏi vì gặp nhiều khó khăn”, anh Tâm tâm sự.