"Gia cảnh chị tệ hơn vợ thằng Đậu nữa, khổ lắm mày ơi. Chị cũng mướn nhà, chạy xe ôm, chị không có thông minh giống người ta mày ơi", bà Nguyễn Thị Thùy (47 tuổi, chạy xe ôm, ngụ Q.8, TP.HCM) cười hà hà mở đầu câu chuyện.
Thương vì cùng cảnh... nghèo
Căn nhà trọ nằm sâu trong hẻm 3 xẹt ở đường Phạm Thế Hiển của cụ bà Nguyễn Thị Lý (71 tuổi) chất đầy ve chai ngay cửa ra vào. Trong không gian chừng 15 m2, đồ đạc lổn nhổn vừa kê đủ chiếc giường đơn, 1 chiếc võng, dựng 2 chiếc xe đạp và một khoảng nhỏ trên lớp gạch men ngả màu để ngồi.
Mỗi lần nhắc tới con cháu, bà cụ tóc bạc trắng lại ngao ngán: "Tụi nó vào con đường đó hết: bà ngoại, mẹ của tụi này cứ đi cai nghiện suốt. Tôi sợ hai đứa nhỏ đi theo con đường đó nên bảo lãnh về nuôi từ nhỏ, cho đi học ở trường của các sơ mà không cho tụi nó biết nơi ở, liên lạc".
Bà Thùy (tên thường gọi "Thùy chân đất") - tự giới thiệu là "dân Q.8 thứ thiệt" cũng nhiều lần xót xa khi thấy 3 bà cháu rong ruổi ngoài đường trên xe đẩy ve chai. Cuộc sống đưa đẩy thế nào, 5 năm trước, nhà bà Thùy chuyển đến thuê trọ gần nhà cụ Lý.
Một lần cụ Lý kêu nhức mình mẩy, nhờ bà Thùy cạo gió, rồi nhờ mua thuốc, nấu món này món kia cho tụi nhỏ khi bà bệnh liệt giường… Vậy là hai người thân thiết như mẹ con hồi nào hổng hay. "Tại chị cũng mồ côi, cha mẹ chết hết rồi nên thấy bà như mẹ mình vậy. Ước gì mẹ mình còn sống để được mình lo như vậy", người phụ nữ da đen sạm lại cười.
Nụ cười hào sảng của bà “Thùy chân đất".
Giải thích thêm lý do thân thiết với 3 bà cháu hàng xóm, bà Thùy nói bởi nhà cũng khổ, không có tiền để giúp đỡ nên chỉ có tình thương vì đồng cảnh nghèo.
Lúc dịch Covid-19, cụ bà là F0 phải cách ly tại nhà. Bà Thùy đón hai đứa nhỏ qua nhà trọ của mình, còn bà sang chăm sóc cụ bà những ngày sốt cao, mất vị giác. "Tôi nói với nhân viên y tế đừng cho bà biết bà đang bệnh, sợ bà lo quá đi luôn thì không ai chăm 2 đứa nhỏ. Ôm bà vào lòng tắm gội, tôi nghĩ sống chết có số rồi nhưng không thể thấy chết mà không cứu được. Tới ngày nấu ăn, tôi bỏ muối quá trời, bà nói sao mặn quá Thùy ơi là biết bà hết bệnh", bà xe ôm ốm nhách cười tít mắt.
Bà Thùy chạy xe ôm, ở nhà trọ nhưng chăm sóc hàng xóm như mẹ ruột.
Tình cảm con người là quan trọng nhất
Nhặt ve chai 3 - 4 ngày dồn lại, cụ Lý mới bán được vài chục ngàn. Lần nào cũng vậy, cụ mua liền nửa ký thịt về kho cho 2 đứa cháu ăn 3 ngày, còn mình chỉ cần miếng canh, chén cơm qua ngày. Biết hoàn cảnh cụ, tại giáo xứ có "người giấu mặt" đóng tiền trọ hằng tháng, bà con lối xóm thỉnh thoảng cho chút đồ ăn, phường cũng thường tặng quà hỗ trợ.
TP.HCM đang vào mùa mưa, trong người mang nhiều bệnh nên cụ bà thi thoảng đi nhặt ve chai được vào buổi tối. Giữa chừng mệt quá, thở không nổi, cụ lại bấm điện thoại gọi: "Thùy ơi lên chở về Thùy ơi, đi hết nổi rồi Thùy ơi".
Nhìn cụ bà dựa lưng vào thành giường thở hổn hển, bà Thùy lắc đầu: "Từ ngày bệnh Covid-19 tới giờ bà yếu hơn nhiều. Bà đẩy xe ve chai đi mà thấy 9 - 10 giờ tối chưa về là tôi rầu, có khi mưa là càng rầu dữ nữa. Cứ trông thấy bà về đừng kêu Thùy ơi là mình mừng, kêu Thùy ơi là biết bà đang mệt nhờ bóp lưng. Vậy nên nhiều khi tôi qua đây ngủ luôn để chăm bà. Mày thấy chị ốm nhách không, nhưng tình cảm con người mới là quan trọng".
Không biết chữ, chạy xe ôm xóm và kiếm mỗi ngày chỉ từ vài chục đến hơn trăm ngàn nhưng bà vẫn tự tin khoe đã có hơn chục tấm thẻ hiến máu cứu người. Em Quang Minh Tú, chắt của bà Lý, cho biết: "Bà cố đi nhặt ve chai cực khổ để nuôi 2 anh em con ăn học. Ở xóm có bà Thùy thường sang chăm sóc bà cố những lúc đau bệnh, nhắc anh em con hiếu thảo với bà".
Bà Trần Thị Mai, nguyên trưởng ban điều hành khu phố 5, P.6, Q.8, nhận xét bà Thùy chăm sóc bà Lý như mẹ mình. Hoàn cảnh của bà Thùy cũng khó khăn, nhưng thấy ai nghèo khổ thì luôn sẵn sàng giúp sức.
Nguồn Thanh niên