Đó là những lời thật giản dị, gần gũi của thầy trụ trì ĐĐ.Thích Minh Thạnh - chùa Khánh Ninh (xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) khi nói với các bạn trẻ tình nguyện viên, tu sinh từng tham gia khóa tu tại chùa.
“Khánh Ninh từ lâu tôi đã xem là nhà”
PV Giác Ngộ đến chùa Khánh Ninh nhiều lần vào các dịp khóa tu cho các bạn trẻ. Ngôi chùa được quý thầy sắp xếp những góc xanh với những câu thư pháp, những tượng Phật nằm hiền hòa dưới những bóng cây lớn, làm cho không gian thật mát lành.
Các bạn trẻ, mỗi lần về chùa tu đều được thầy hướng dẫn đi thiền hành dưới những mảng xanh mát này, cả đi lội ruộng vào sáng sớm, để các bạn có dịp mở rộng, tận hưởng thiên nhiên trong lành.
Bạn Trương Quế Phượng (24 tuổi, TP.HCM) biết đến khóa tu ở chùa Khánh Ninh cách đây 3 năm, lần đầu về chùa cũng là lần đầu bạn đón xe buýt đi một mình. Bạn kể, lần đầu được trải nghiệm đi thiền hành, lội quanh bờ ruộng, cảm thấy rất sợ các sinh vật sống ở đó. Đó cũng là lần bạn được tham gia thử sức kiếm tiền giúp đỡ các em mồ côi ở chùa Pháp Tánh. “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa bao giờ được trải nghiệm khi không có gia đình bên cạnh”, Phượng nói, từ đó khi chùa có khóa tu hay Phật sự gì bạn đều về chùa.
Được làm việc chung với bạn mới, ai cũng có tinh thần nhiệt huyết, cùng cố gắng không lo mệt nhọc. Phượng chia sẻ: “Môi trường tập thể đã giúp tôi rèn luyện tinh thần đoàn kết, không phân biệt đối xử, phải hòa đồng với nhau, dung hòa mọi thứ, biết buông bỏ và cố gắng hoàn thiện bản thân hơn từng ngày”.
Còn với bạn Mộc Nguyên: “Từ lâu tôi đã xem Khánh Ninh là nhà”. Bạn biết đến chùa lúc cuộc sống đang khó khăn, những lời pháp của quý thầy giúp bạn vượt qua được hoang mang của chính mình. Nên đối với Mộc Nguyên “chùa là nơi bình yên nhất. Ở đó tôi cảm nhận được sự thảnh thơi, ấm tình huynh đệ, nơi tôi học được cách chấp nhận nỗi buồn, khó khăn, biết cho đi”.
Là một Phật tử thuần thành, bạn Trịnh Ngọc Tã có nhân duyên tham dự đêm hội Trung thu tại Khánh Ninh và gắn bó đến nay đã 7 năm. Bạn chia sẻ: “Ở Khánh Ninh luôn có hoạt động và luôn đổi mới chương trình theo xu hướng mới của các bạn trẻ, nhờ vậy các bạn dễ dàng hòa nhập môi trường Phật giáo, hiểu Phật giáo một cách đúng hơn”.
Bạn Ngọc Tã bày tỏ, từ khi về Khánh Ninh mới tự tin quy y, vì trước đó đạo Phật trong bạn đơn giản là đến chùa những ngày lễ, cúng, tụng kinh, học pháp, chớ không có môi trường hoạt động dành cho người trẻ.
Cần có nhiều người an lạc trong một ngôi chùa
Dạo qua miền an yên, Về với yêu thương, Như mây thong dong, Hẹn cùng trăng sao, Đi để trưởng thành… là những chủ đề trong các khóa tu do thầy Minh Thạnh tổ chức. Thầy thường mời những diễn giả không chỉ là quý thầy, mà cả những người thành đạt trong cuộc sống đến chia sẻ với các bạn trẻ, như MC Quỳnh Hương, nhà báo Hoàng Kim, thầy giáo Trần Việt Quân…
Thầy Minh Thạnh chia sẻ về chủ đề tu rằng, luôn nghĩ mới, làm mới nhưng có khi trên vấn đề cũ, thầy làm cho nó sâu hơn, nội dung đặc sắc hơn.
Các bạn tu sinh vui chơi, nhặt rác trong công viên nhiều cây xanh trước sân chùa Khánh Ninh - Ảnh: ND
Về Khánh Ninh năm 2008, sau khi học xong Tâm lý Giáo dục ở Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM cùng ngành Hoằng pháp ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM, Đại đức Minh Thạnh được thầy viện chủ là TT.Thích Thiện Chánh hoan hỷ để thầy tổ chức các hoạt động đưa Phật pháp đến với người trẻ. Không chỉ tổ chức các khóa tu tại chùa, thầy thường xuyên tham gia các khóa tu tại các tỉnh thành trong cả nước và nước ngoài.
Trước khi tổ chức khóa tu, thầy tập hợp các bạn tình nguyện viên lại, có buổi nói chuyện, làm việc, chia sẻ, các bạn tình nguyện viên đa phần là những bạn tu sinh từng tham gia khóa tu trước đó tại chùa.
Nhiều bạn tu sinh đến chùa tham gia khóa tu lần đầu, thầy hướng dẫn xếp chăn khi ngủ dậy, sử dụng nước phải biết tiết kiệm, khi ăn xong thì để đúng nơi quy định. Thầy cũng tập cho các bạn cách ngồi yên, đi đứng trong nhà chùa, gặp quý thầy thì phải chắp tay búp sen chào hỏi, khi về cũng phải biết chào hỏi. Đôi khi thầy tổ chức cho các bạn xuống chợ, tập kiếm tiền để giúp đỡ những em nhỏ bị bỏ rơi tại chùa Pháp Tánh - bằng số vốn ban đầu thầy hỗ trợ cho các bạn là 200 ngàn đồng. Theo thầy, như vậy để các bạn hiểu được giá trị của đồng tiền.
Nhiều bạn về than với thầy “kiếm tiền khổ qua thầy ơi”, nhân đó thầy chia sẻ với các bạn về giá trị tiền, về những vất vả bố mẹ phải mưu sinh để lo cho các con ăn học.
Mỗi khóa tu ở chùa chỉ có hai, ba ngày nên theo Đại đức, chỉ với mục đích gieo duyên, tạo cảm xúc đẹp, tạo ký ức tuổi thơ đẹp cho các em về chùa. “Các bạn nhỏ ngồi không sẽ không học được nhiều, phải vào thực tế, đi và vui. Chúng tôi mời chuyên gia về dạy cho các em. Sáng nghe gương sáng, chiều nghe pháp mà không cho các bạn vận động thì sẽ không bền”, thầy Minh Thạnh nói về kinh nghiệm tổ chức khóa tu.
Cũng theo thầy, để có sự thu hút người trẻ đến chùa tu học cần có sự giác ngộ tập thể. “Khi có an lạc mới tạo ra từ trường để thu hút các bạn trẻ. Sự an lạc của tập thể sẽ cuốn hút người khác một cách tự nhiên. Trong một tu viện cần có nhiều người như vậy mới tạo ra một con sông, một cái biển - người nào có duyên hòa vào đều sẽ an lạc”, thầy Minh Thạnh bày tỏ.
Vì vậy, ở Khánh Ninh thầy đã tạo một nhóm các bạn tình nguyện viên có phẩm chất an lạc, kết nối với những người trẻ tìm về, “đi như một dòng sông”…