Cô giáo Chan Nên ở làng biên giới

Thứ bảy - 23/03/2019 00:20
Nách Chan Nên là một cô giáo người dân tộc Khmer, xuất thân từ miền quê biên giới nghèo Kà Ốt, xã Tân Đông (H.Tân Châu, Tây Ninh).
Cô giáo Chan Nên ở làng biên giới
Thấy và hiểu quê hương mình còn nhiều thiếu thốn, nhiều trẻ em không được học hành đến nơi đến chốn, ngay từ nhỏ Nách Chan Nên đã ý thức cố gắng học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, cô đã chọn ngành sư phạm để quyết tâm mang cái chữ về cho trẻ em quê nhà, nhất là tiếng dân tộc Khmer của chính làng mình.

Từ bản làng trở thành cô giáo
Chúng tôi đến xã Tân Đông vào một ngày đầu xuân ấm áp. Đường vào các ấp hầu hết đều được trải nhựa bằng phẳng, xen giữa những nương rẫy mía, mì, cao su là các thôn xóm dân cư của miền quê biên giới yên bình. Xã Tân Đông hiện nay có chín ấp, trong đó có ba ấp tập trung nhiều bà con dân tộc sinh sống đó là ấp Kà Ốt, Tầm Phô và Suối Dầm với hơn 420 hộ/2.000 người.

Trong ba ấp trên thì hai ấp Kà Ốt và Tầm Phô là có điểm trường phụ thuộc Trường Tiểu học Tân Đông B. Hai điểm phụ này chủ yếu để dạy cho con em của bà con dân tộc Khmer. Và nơi đây cũng là nơi cô giáo Nách Chan Nên đã từng sinh ra, lớn lên, sinh sống và làm công tác giảng dạy từ hơn tám năm qua.

Nách Chan Nên sinh năm 1987 trong một gia đình nông dân Khmer nghèo. Cả chuỗi ngày ấu thơ của cô luôn gắn liền với làng xóm, ruộng đồng của miền biên giới xa xôi Kà Ốt, nên cô rất hiểu cuộc sống cũng như mọi tâm tình, ước vọng của bà con người Khmer ở đây. Dù nhà đông anh chị em, kinh tế lại rất khó khăn, nhưng cô quyết chí học cho hết bậc THPT. Không dừng ở đó, cô quyết định tiếp tục thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh để theo đuổi nghề giáo, cái nghề mà cô hằng mơ ước.

Sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Tiểu học năm 2011, cô may mắn được bổ nhiệm và được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Tân Đông B, nơi cô từng sinh ra và lớn lên. Ước mơ đã thành hiện thực, cô giáo Chan Nên đặt hết tâm huyết vào công việc giảng dạy của mình. Thuở ban đầu về trường, vì thiếu giáo viên, nên cô phải dạy cả ba điểm.

Công việc mới nghe qua tưởng chừng như đơn giản, nhưng đối với một ngôi trường vùng sâu, địa bàn trải rộng, học sinh là người dân tộc Khmer lại rất nhiều, thì một giáo viên trẻ như cô phải đảm nhiệm giảng dạy cả ba nơi cách xa nhau như thế là hết sức khó khăn. Mà, đặc điểm ở vùng này, trước đây các em học sinh Khmer trước khi vào lớp một, hầu hết chưa hề qua trường mầm non hay mẫu giáo nên các em chưa có thói quen tiếp cận với trường lớp, có nhiều em tiếng Việt phổ thông còn chưa hiểu nhiều, thậm chí chưa biết nói tiếng Kinh (tiếng Việt phổ thông). Vì vậy, khó khăn chồng chất khó khăn.

Để khắc phục khó khăn trước mắt đó, ngoài việc sử dụng phương pháp giảng dạy bình thường, cô Chan Nên phải vận dụng nhiều hình ảnh trực quan sinh động, bằng việc nghiên cứu làm đồ dùng dạy học, soạn giáo án sao cho phù hợp. Có những vấn đề khó, cô Chan Nên phải kết hợp cả tiếng Khmer với tiếng Kinh để dẫn dắt học sinh hiểu từ nghĩa của tiếng Khmer sang từng từ ngữ của tiếng Việt, để các em từng bước dễ tiếp cận hơn và dễ hiểu hơn. Bằng tấm lòng yêu nghề, yêu trẻ và luôn cố gắng trong giảng dạy, cô Chan Nên đã quen dần, thích ứng với công việc và cô đã quyết tâm gắn bó với trường lớp cho đến ngày hôm nay.

Cũng như tấm lòng của bao cô giáo dạy trẻ khác, cô Chan Nên luôn đứng lớp, giảng bài với tất cả trái tim nồng ấm của mình. Bên cạnh đó, cô còn tranh thủ giờ ra chơi, nghỉ giải lao để cắt móng tay, tỉa tóc cho các em mà gia đình ít có sự quan tâm. Chính vì sự tận tình và gần gũi mà các em nhỏ rất thương yêu cô, chúng coi cô như người mẹ thứ hai của mình vậy.

Vào chùa học hỏi, trau giồi
Là giáo viên của một trường học ở vùng sâu biên giới, đời sống còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, đồng lương lại ít ỏi, nhưng cô Chan Nên luôn bám trụ, yêu nghề, luôn có ý thức học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhất là ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Mặc dù là một xã biên giới, nhưng trước đây, nơi này rất hiếm có ai mở lớp dạy tiếng Khmer. Không muốn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình bị mai một, cô Chan Nên đã không ngại vất vả để vào chùa học với các sư, ngoài ra cô còn mua thêm tài liệu để tự học, tự rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ của mình.

Cho đến nay, cô đã đạt được một trình độ tiếng Khmer nhất định và được Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Tân Đông B giao cho cô phụ trách bộ môn tiếng Khmer, dạy cho học sinh ở hai điểm Kà Ốt và Tầm Phô với tám lớp và hơn hai trăm em đang theo học.

Ngoài việc nêu cao tinh thần trách nhiệm, yêu nghề, yêu trẻ, cô Chan Nên còn luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ khó khăn với những người xung quanh, nhất là trẻ em và bà con dân tộc trong xóm ấp có hoàn cảnh khó khăn, nghèo khó. Cô Chan Nên luôn sẵn sàng tiếp nhận và sẵn sàng vận động các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân, các địa chỉ từ thiện và các tổ chức xã hội, tìm đến giúp đỡ bà con trong xóm ấp như quần áo, giày dép, thực phẩm cho người già, người neo đơn…; xin tập vở, viết sách, truyện tranh, gấu bông, đồ chơi cho trẻ em.
ANHTT (2).JPG
Cô giáo Chan Nên trong buổi đặt bát hội ở chùa làng
Tiếp xúc với chúng tôi, cô giáo Chan Nên nặng lòng tâm sự: “Vì cuộc sống còn quá nhiều khó khăn mà bà con ở đây ít ai quan tâm đến việc đi học của con em. Trẻ em chủ yếu chỉ học đến tiểu học, sang cấp hai thì thưa rụng dần, hiếm lắm mới có nhà cho con em học tới nơi tới chốn. Chính vì vậy mà tình trạng bỏ học sớm để đi làm kiếm tiền phục vụ cho cuộc sống trước mắt là rất phổ biến. Mà cứ như vậy thì làm sao phát triển được, đến bao giờ mới thoát nghèo thực sự, chứ chưa nói đến văn hóa của dân tộc ít nhiều bị bào mòn, mai một theo thời gian bởi vì chẳng ai vun xới”.

Có thể nói, xuất phát từ tình yêu quê hương, dân tộc mà cô Chan Nên luôn luôn giữ gìn, tìm hiểu bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho các em nhỏ. Nhà gần chùa Kiri Satray Menchey, nên cô thường xuyên gắn bó để học hỏi ngôn ngữ cũng như văn hóa truyền thống từ các sư. Vào các dịp lễ lớn của đồng bào Khmer như: Chol Chnam Thmay, Sel Donta, Ooc om bok, Kathina…, cô Chan Nên đều tham dự với nghi thức hết sức trang trọng.

Đây không những là dịp để thực hiện nhu cầu tâm linh như bao người khác mà còn là dịp để cô trải nghiệm bản sắc của văn hóa truyền thống, kết nối tư tưởng, gần gũi hơn, thương yêu hơn với tất cả mọi người, từ đó tiếp thu các giá trị truyền thống của dân tộc, Phật giáo; đúc kết, trau giồi thêm kinh nghiệm để dạy các em học sinh…

Nói về ước mơ của mình, cô Chan Nên bộc lộ hết sức chân thành: “Ước mơ lớn nhất của tôi là mong sao đời sống của bà con được phát triển hơn, trẻ em trong phum sóc được học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn, không phải vì quá tất bật với chén cơm, manh áo mà phải bỏ học giữa chừng, để rồi sau này thua kém mọi người và chịu hối tiếc ”.

Từ một cô gái người dân tộc Khmer hiền lành, chất phác, sống ở một xã vùng sâu biên giới của huyện Tân Châu, cô Nách Chan Nên không ngừng phấn đấu để trở thành một giáo viên có tay nghề vững vàng, một đồng nghiệp gương mẫu, sống giản dị nhưng rất đầm ấm tình người.
Cô luôn tận tụy, yêu nghề, xây dựng gia đình no ấm, biết vươn lên và giúp đỡ, chia sẻ bớt khó khăn với đồng bào nghèo của mình. Tuy vật chất cô giúp mọi người chưa phải là lớn nhưng đó là tấm lòng thơm thảo đáng quý mang nhiều ý nghĩa, mà không phải ai cũng làm được.

Chính vì lẽ đó, khi nói đến cô giáo Nách Chan Nên bao giờ cũng được cộng đồng dân tộc, làng xóm, các tổ chức xã hội trân trọng, yêu quý và ủng hộ. Đặc biệt, cô giáo Chan Nên chính là tấm gương, động lực để các thế hệ học sinh từng được cô chăm sóc, dạy dỗ ở vùng quê biên giới xa xôi hẻo lánh này phấn đấu, học tập và vươn lên trong cuộc sống.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây