Trăn trở Nậm Chà
Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Chà nằm bên bờ con suối lớn với một cây cầu tạm bắc qua suối. Đây là cây cầu tạm thứ 3 được bắc lên với những thân gỗ đeo đá nặng làm trụ đỡ, học sinh chạy qua là khẽ rung lên. Mặt cầu đan kết bằng nứa, tre ẽo uột, ọp ẹp.
Học sinh nơi đây chủ yếu thuộc các dân tộc: Cống, Dao, H’Mông. Ở đây phụ nữ đa phần không biết nói tiếng phổ thông, nên các thầy cô thuyết phục cho trẻ đến trường không hề dễ. Và để dạy cho trẻ, các thầy cô giáo từ dưới xuôi lên phải học tiếng của trẻ - tiếng Mông, tiếng Dao rồi mới dạy được tiếng Kinh.
Là một người con của Lai Châu đến từ huyện Mường Mô, về công tác và gắn bó với Nậm Chà từ năm 2010, thầy Lò Văn Lượng hiện đang là giáo viên thể dục và phụ trách công tác Đội ở trường.
Học sinh thiếu thốn về trò chơi, tụm lại bắt chấy cho nhau. Học sinh nơi đây chủ yếu thuộc các dân tộc: Cống, Dao, H’Mông. Để dạy cho trẻ, các thầy cô giáo từ dưới xuôi lên phải học tiếng của trẻ - tiếng Mông, tiếng Dao rồi mới dạy được tiếng Kinh.
Thầy Lượng vừa dẫn đoàn đi thăm khu nội trú, vừa bày tỏ: “Không chỉ gặp khó khăn bởi địa hình, địa bàn xã hiểm trở, trường còn phải đối mặt với những khó khăn do cơ sở vật chất thiếu thốn, buộc các em phải chơi đùa với những trò nguy hiểm và kém vệ sinh như: Chơi với phế liệu trên bãi rác ngay cổng trường sát lòng suối, trèo leo lên cột và trượt xuống, chơi bi trên nền đất bẩn, hoặc tụm lại bắt chấy cho nhau. Sân chơi lý tưởng nhất có lẽ là chiếc xích đu cũ với 2 chiếc lốp ô-tô lớn trong sân khu nội trú”.
Thầy Phạm Văn Ninh (Phó Hiệu trưởng, quê Hải Dương) cho biết: “Bên cạnh những thiếu thốn về cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập và chăm sóc các em ở nội trú, thì một trở ngại lớn trong học tập tại các trường ở Nậm Chà là vấn đề về sách giáo khoa, đặc biệt ở các trường cấp 2 và cấp 3. Phần lớn là từ 6-8 em chung nhau một quyển. Vì thiếu thốn phương tiện học tập nên vấn đề chất lượng đào tạo luôn là bài toán nan giải với cả thầy và trò nơi vùng cao này”.
Bữa cơm trưa của học sinh nội trú.
Thầy Lê Đình Chuyền – Hiệu trưởng nhà trường, quê ở Thanh Oai, Hà Nội về nhận công tác tại Nậm Chà từ tháng 2/2019. Kỷ niệm đáng nhớ được thầy chia sẻ là những lần đi bộ cả gần một ngày trời gọi điện về cho gia đình ở Hà Nội. Mỗi năm, thầy Chuyền được về thăm nhà 2 lần vào dịp học sinh nghỉ hè và dịp Tết nguyên đán.
Nhiều thầy cô khác cũng từng lên công tác, cũng nhớ nhà không chịu được, chỉ mong ngóng đến ngày chủ nhật để đi bộ đến nơi có sóng gọi điện về. Gọi xong, lòng ngẩn ngơ vì nhớ, lưu luyến người thân và lại đi bộ trở về trường, nhiều người mắt ngân ngấn chỉ chực khóc.
“Năm 2012, Nậm Chà mới có đường xe máy để đi, năm 2014 mới có sóng điện thoại,có chuyến xe ô tô đầu tiên lên với xã, và đến năm 2016 mới có điện để thắp sáng. Bệnh viện ở xa - cách điểm trường trung tâm gần 100 cây số, đi bộ mất khoảng 6 – 7 tiếng đồng hồ mới ra được đường lớn để bắt xe” – Thầy Chuyền chia sẻ.
Cũng theo thầy Chuyền, hiện tại trường PTDTBT tiểu học Nậm Chà có hơn 170 học sinh nội trú trong tổng số gần 500 học sinh toàn trường. Hơn 200 em thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng/em, các em ở bán trú được hỗ trợ 460.000 đồng/tháng/em nuôi ăn ở tại trường. Tuy nhiên, do đường sá xã quá xa xôi, hiểm trở nên thực phẩm khan hiếm và khi vận chuyển lên đến nơi cũng đắt gần gấp đôi so với giá gốc. Các thầy cô phải đau đầu chi li, tính toán số tiền này để trang trải đủ thức ăn cho các em.
Phòng nội trú những ngày tháng 9. Dù không phải giữa những ngày hè đỏ lửa, nhưng cái nắng vùng cao vẫn buộc các em phải chọn cho mình cách nằm lăn trên sàn, chui dưới gầm giường để giấc ngủ bớt phần oi nóng...
Trái tim người thầy
Có rất nhiều thầy cô vùng xuôi đã lên, nhưng rồi lại trở về hoặc xin chuyển qua những điểm trường khác bớt khó khăn hơn. Còn những người đã trót nặng lòng với Nậm Chà như cô Tình, thầy Chuyền, thầy Ninh, thầy Lượng thì chọn quyết tâm thắp lửa, tạo ra những sự thay đổi cho mảnh đất Nậm Chà từ chính niềm tin, sự kiên trì và tình yêu thương đặc biệt của mình.
Với thầy Lê Đình Chuyền, Phạm Văn Ninh, hạnh phúc không chỉ thấy sự trưởng thành của học trò mà còn là tình cảm, sự gắn bó của bà con dân bản dành cho. “Các con học sinh và bà con dân bản ở đây hiền lành, sống thật thà và tình cảm lắm, khi nhà trường cần hỗ trợ về nhân lực để xây dựng, dọn dẹp, vệ sinh, bắc cầu tạm qua sông… hay bất cứ công việc gì là tham gia rất nhiệt tình. Có bí, ngô, khoai, sắn nhà trồng, hat con cua con cá thi thoảng bắt được, dù ít dù nhiều cũng mang đến góp chung với thầy cô để cùng chăm sóc cho các con”. – thầy Chuyền hào hứng kể lại.
Là một người con của Lai Châu đến từ huyện Mường Mô, về công tác và gắn bó với Nậm Chà từ năm 2010, thầy Lò Văn Lượng hiện đang là giáo viên thể dục và phụ trách công tác Đội ở trường.
Gắn bó nhiều năm với điểm trường vùng cao đặc biệt này, thầy Chuyền được học trò, dân bản yêu mến, chính quyền xã tín nhiệm. Năm 2013, được mời thuyên chuyển công tác với chức vụ Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Chà, nhưng thầy Chuyền đã từ chối với một lý do rất giản dị và cũng đầy mãnh liệt rằng: “Tôi đã nguyện gắn bó với sự nghiệp giáo dục. Tôi đã chọn đến với Nậm Chà, và bây giờ Nậm Chà đã thành quê hương thứ 2 của tôi, đã chọn tôi để góp phần ươm mầm cho những tương lai của Nậm Chà”.
“Chỉ có giáo dục mới thay đổi được cuộc đời các em học sinh, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn như thế này”. – Câu nói phút chia tay cùng nụ cười hiền lành của thầy Chuyền đã trở thành hình ảnh khó quên, để lại một cảm xúc đặc biệt khi chúng tôi chia tay với Nậm Chà.
Thầy Phạm Văn Ninh (Phó Hiệu trưởng, quê Hải Dương) đang trang trí trong không gian một thư viện sách được đoàn giáo viên Hà Nội trao tặng.
Có lên với Nậm Chà, gặp gỡ và nghe chia sẻ từ những người thầy tâm huyết như thầy Chuyền, thầy Ninh, thầy Lượng…, có lẽ mới cảm nhận được hết về ý nghĩa lớn lao về hai chữ “Người Thầy”. Không chỉ dạy học sinh về con chữ, kiến thức, kỹ năng – mỗi thầy cô còn thực sự là những người cha người mẹ thứ hai trong một gia đình lớn.
Các thầy cô đã học cách vượt qua khó khăn thiếu thốn với tinh thần lạc quan với một trái tim mang tình yêu thương như trời biển, miệt mài đêm ngày cùng học sinh chạy “đuổi” theo con chữ hằng mong thay đổi cho những cuộc đời trong tương lai.
“Chỉ có giáo dục mới thay đổi được cuộc đời các em học sinh, nhất là ở những nơi còn nhiều khó khăn như thế này”. – Câu nói phút chia tay cùng nụ cười hiền lành của thầy Lê Đình Chuyền – Hiệu trưởng nhà trường (áo trắng đứng giữa) khi đoàn công tác chia tay với Nậm Chà.
Em Lò Thị Thư (9 tuổi, dân tộc Cống - áo trắng) được một cô giáo Hà Nội tranh thủ dạy một số câu chào bằng tiếng Anh. Thư tiếp thu rất nhanh, phát âm khá chuẩn, được cô khen, ánh mắt em lấp lánh niềm vui. “Con rất thích được đi học. Thư viện nhiều sách thế này, con sẽ đọc mỗi tuần 1-2 quyển để hiểu biết về cuộc sống bên ngoài nhiều hơn nữa”. - Thư hào hứng chia sẻ.