Người đàn ông ôm khát khao làm từ thiện bền vững

Thứ tư - 26/02/2020 16:45
“Anh em ai gặp người này thì xin mời anh ấy về nhà mình nhé. Đưa về nhà mình rồi tính”, anh Lưu Văn Hữu khẩn khoản mời những người lạ chưa một lần gặp mặt về nhà tá túc.
Người đàn ông ôm khát khao làm từ thiện bền vững
“Hôm ấy, có người đưa một ông già neo đơn, không vợ không con tới đây, nhờ mình chăm sóc. Sau này, tôi mới phát hiện họ lừa mình”, người đàn ông với làn da ngăm đen, sang sảng kể về một lần lòng tốt của mình bị lợi dụng.

Gần 20 năm gắn bó với công việc từ thiện, ngoài niềm vui khi làm điều tử tế, anh Lưu Văn Hữu (46 tuổi, quận Thủ Đức) nhiều lần chạnh lòng khi nhận ra lòng tốt của mình đặt nhầm chỗ. Có lúc, anh đã phải thốt lên: “Xin đừng để tôi phải quên đi sự tử tế của mình mà dừng lại”.

Phải để người nghèo tự thoát nghèo
Năm 1994, cậu sinh viên nghèo Lưu Văn Hữu từ vùng quê Nghệ An khăn gói vào Sài Gòn. Sau nhiều năm lang bạt xứ người, người đàn ông 46 tuổi cuối cùng cũng thành danh nhờ nghề làm nail ở “kinh đô ánh sáng”. Năm 2017, từ Paris (Pháp), anh trở về Việt Nam mở cơ sở dạy nghề làm nail tại nhà.

Suốt 20 năm, dù thay đổi nhiều nghề, chỉ có một điều vẫn được anh duy trì bền bỉ: giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Là thành viên của một nhóm thiện nguyện quốc tế từ năm 2000, anh đã tham gia nhiều hoạt động như chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, trợ giúp trẻ mồ côi… Trải qua những năm gian khó, anh hiểu rõ người nghèo thực sự cần gì.

cap 1

cap 2
Anh Lưu Văn Hữu thường tham gia, tổ chức các hoạt động tình nguyện tại bệnh viện. Ảnh.
Qua thời gian, anh dần nhận ra vấn đề trong cách làm thiện nguyện truyền thống theo kiểu cho mọi thứ người nghèo cần. “Nếu cứ nuôi người nghèo mãi cho đến khi học hết lớp 12, họ kết hôn, không chịu học tiếp, rồi đẻ con ra lại tiếp tục một vòng đời như vậy. Cách làm đó không hiệu quả, không bền vững”, anh Hữu phân tích.

Quyết tâm làm từ thiện bằng cách trao “cần câu thay vì cho con cá”, tháng 5/2019, anh Hữu quyết định đóng cửa cơ sở dạy nghề nail tại nhà và mở các lớp dạy nghề miễn phí như làm bánh, nối mi, pha chế... Anh cho rằng giáo dục chính là bệ phóng để người nghèo tự mình thoát nghèo.

Không dừng lại ở đó, anh mua 30 chiếc giường tầng để mở phòng trọ miễn phí cho các bệnh nhân khó khăn tại Sài Gòn với tên gọi “nhà lưu xá bệnh nhân”.
cap 3

cap 4
Anh Hữu tổ chức nhiều lớp học miễn phí cho những người muốn có việc làm, tìm cơ hội mới. Ảnh: 

Vừa bước vào căn nhà 5 tầng của anh Hữu tại Khu đô thị Vạn Phúc, quận Thủ Đức, người ta sẽ thấy ngay những bao gạo và rất nhiều bàn ghế lớn, nhỏ được xếp gọn gàng ở góc nhà. “Bàn ghế là để cho các lớp dạy nghề. Còn gạo là tôi kêu gọi người ta quyên góp cho bệnh nhân ở đây. Quyên góp được tận 1 tấn đấy nhé”, anh Hữu vui vẻ khoe.

Không chỉ gạo, trong chiếc tủ lạnh cỡ lớn của gia đình lúc nào cũng chất đầy thịt, cá, rau, quả được chia túi sẵn để bệnh nhân và người nhà có thể sử dụng trong quá trình khám chữa bệnh.

Nỗi buồn khi lòng tốt bị lợi dụng
Từ ngày nhà lưu xá bệnh nhân chính thức đi vào hoạt động, căn nhà nơi hai vợ chồng và hai đứa con đang sinh sống cứ đều đều đón từng lượt khách đến, tiễn từng lượt khách đi. Ai cũng xa lạ, ai cũng đột ngột và ai cũng mang theo mình một câu chuyện thương tâm.

Cuộc sống của hai vợ chồng cũng vì thế mà bận rộn hơn trước. “Tiền điện, nước, sinh hoạt cũng tăng nhưng nhà mình lo được. Làm được việc tốt là vui rồi”, chị Nguyễn Thị Oanh (38 tuổi, vợ anh Hữu) kể.

Suốt nhiều năm làm từ thiện, điều khiến anh chị phiền lòng hơn cả là khi phát hiện lòng tốt của mình bị người khác lợi dụng.

cap 5

cap 6
Nhà lưu xá bệnh nhân luôn rộng cửa đón chào những người nghèo cần nơi ăn chốn ở trong thời gian thăm khám tại Sài Gòn. Ảnh:

Những ngày đầu tháng 7, một đôi vợ chồng trẻ từ quê lên, đến xin tá túc dài ngày tại nhà lưu xá để người chồng chữa bệnh ung thư vòm họng, phải xạ trị. Tất nhiên, anh đồng ý ngay.

Điều đáng buồn là, sau đó, anh phát hiện đôi vợ chồng này đã thuê nhà sống tại Sài Gòn. Trong quá trình xạ trị, bác sĩ dặn bệnh nhân nên cách ly, tránh gây ảnh hưởng đến người thân. Sợ tác động xấu đến con, hai vợ chồng bèn chọn cách đến đây ở.

Không lâu sau đó, một người tự xưng là mạnh thường quân đưa đến nhà anh một cụ già neo đơn 70 tuổi, nhờ chăm sóc. Lúc đó, anh cũng không suy nghĩ nhiều, nhận lời ngay. Ở cùng một thời gian, anh mới tá hỏa phát hiện “mạnh thường quân” kia chính là cháu của cụ.

Liên tiếp bị lợi dụng lòng tốt khiến anh Hữu cẩn trọng hơn mỗi khi nhận được những cuộc gọi nhờ giúp đỡ từ người lạ. “Nhiều người ích kỉ quá, chỉ biết nhận mà không biết chia sẻ. Tôi thường nói với ông xã phải tìm hiểu kỹ để giúp đúng người, đúng nơi. Đôi khi mình giúp không đúng chỗ, mình buồn chứ đâu ai buồn đâu”, vợ anh Hữu tâm sự.

Làm việc tốt cũng phải “tính chuyện lâu dài”
Ông Bùi Thanh Thế (63 tuổi) vừa mới chuyển tới nhà lưu xá của anh Hữu từ đầu tháng 8. Biết tới nơi này qua bạn bè, ông Thế khăn gói tìm đến mong tìm được một nơi che nắng che mưa. Bị mất liên lạc với con từ nhiều năm nay, người đàn ông 63 tuổi phải lưu lạc khắp nơi trong thành phố. Tấm lòng của anh Hữu như một “cứu cánh” cho ông Thế vào lúc này.

“Lần đầu gặp, không biết tôi là ai, dù tôi không bệnh tật gì nhưng anh Hữu vẫn cho tôi ở đây. Cơm nước giặt giũ cũng không phải lo. Anh ấy nói mấy ngày tới sẽ đưa tôi về mái ấm ở Bình Dương để tôi an dưỡng tuổi già. Nghe thế mình thấy yên tâm”, ông Thế bộc bạch.

Nhà lưu xá bệnh nhân không phải dự án duy nhất của anh Hữu. Để hỗ trợ bệnh nhân cùng bệnh viện, anh còn vận hành một xe cứu thương vệ tinh miễn phí phục vụ bất kì ai cần tới.

Thêm vào đó, anh đang cùng những người bạn hoàn thiện một mái ấm tình thương trên mảnh đất 2.400 m2 gần cổng chào Bình Dương. Mái ấm hiện có 21 phòng sẵn sàng đón những người có hoàn cảnh khó khăn vào ở. Nơi đây có cả cả xe điện để người khuyết tật nặng dễ dàng di chuyển.
cap 7

ca

ca 1
Hiện, nhà lưu xá bệnh nhân của anh Hữu vẫn chưa được nhiều người biết tới nên số lượng khách tới nghỉ không đều. Ảnh: 

Chia sẻ về nguồn kinh phí để thực hiện những hoạt động này, anh Hữu cho biết tất cả đều do anh tự túc kinh tế hoặc kêu gọi quyên góp từ cộng đồng của mình. Mỗi bài đăng nhờ giúp đỡ của anh trên mạng xã hội đều nhận được hàng trăm bình luận, ngoài những lời động viên tinh thần, nhiều người bày tỏ ý muốn được hỗ trợ anh về vật chất hoặc sức lực.

“Tôi không đơn độc. Nhiều sinh viên tôi từng nuôi ăn học trước đây bây giờ trở lại, sẵn sàng tương trợ. Đó là nguồn dự trữ để khi nào tôi kiệt sức, hết tiền rồi thì các bạn ấy sẽ tiếp sức. Làm việc tốt phải tính lâu dài, chứ không thể chỉ lo ngày một ngày hai”, anh Hữu tâm sự về dự định của mình. Dừng một lúc, anh nói tiếp: “Nhiều lúc bị lừa cũng buồn. Nhưng coi như rút kinh nghiệm để lần sau cẩn trọng hơn, giúp đúng chỗ cần giúp chứ đâu thể bỏ được”.

Vừa dứt câu, điện thoại của anh lại vang lên cuộc gọi từ một số lạ. Người đàn ông bỏ dở cuộc nói chuyện, lập tức bắt máy: “Alo….Đúng rồi, tôi cung cấp xe cứu thương miễn phí… Anh cần tới bệnh viện nào? Tôi sẽ cho xe tới ngay".

Nguồn tin: zing.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây