Hơn 20 năm là “người đưa đò” trên mảnh đất nghèo Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam), thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ (Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don, huyện Nam Trà My) vẫn nung nấu mang đến nhiều hơn những ngôi trường, căn nhà cho những mảnh đời trên dãy Trường Sơn đại ngàn.
Sinh ra trong gia đình có bảy người con ở thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), thầy Vỹ hiểu được những khó khăn người dân nơi đây gánh chịu, từ miếng cơm, manh áo, đến việc lên lớp của các em học sinh.
Gắn bó với xã Trà Mai 11 năm, đến 2011, thầy Vỹ được biệt phái về làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My.
"Khoảng năm 2014, tôi thấy nhiều giáo viên đến với các điểm trường vùng sâu vùng xa nhưng chỗ ăn uống, ngủ nghỉ, nơi dạy học không đảm bảo. Một số thầy cô chán nản, muốn bỏ về vì ăn uống, sinh hoạt đều khó khăn.
Các điểm trường tạm bợ, trời nắng thấy mặt trời, trời mưa ướt cả phòng, trời lạnh thì gió lùa vào đến từng em một. Lúc này, tôi nghĩ mình cần phải làm điều gì đó giúp thầy cô cũng như học sinh ở những điểm trường này”, thầy Vỹ kể lại.
Người thầy của bản làng thành lập câu lạc bộ (CLB) “Kết nối yêu thương” với 23 thành viên là các giáo viên, cán bộ trong huyện. Mục đích khi mới khai sinh của CLB là kêu gọi xây dựng, sửa chữa các điểm trường, trường học lụp xụp.
Thành viên CLB Kết nối yêu thương ở một điểm trường vừa xây mới.
Thời gian đầu chưa kêu gọi được kinh phí nên các thành viên trong CLB tự đóng góp. Đến cuối năm 2014, điểm trường Măng Lưng, xã Trà Cang đã được láng nền xi măng phòng học.
Thầy Vỹ bồi hồi: “Đó là công trình đầu tiên của cả nhóm, lúc đấy rất vui, khí thế hừng hực để chuẩn bị cho những dự án tiếp theo”.
Những thành quả nhỏ nhoi ban đầu được thầy Vỹ gửi đến các nhà hảo tâm để xin kinh phí với dự định lớn hơn. “Bước đầu đi xin kinh phí rất khó vì người ta không tin tưởng mình. Nhưng sau đó vì kết quả ngoài mong đợi, mình kê khai chi thu rõ ràng nên các nhà hảo tâm gửi về nhiều lắm, tôi cũng mừng vì góp phần rất nhỏ vào công cuộc xây dựng này”.
8 năm là người “vác tù và hàng tổng”, thành quả của thầy Vỹ và những người bạn là hơn 40 điểm trường được xây mới, 30 điểm trường được sửa chữa và hỗ trợ trang thiết bị phòng học như điện năng lượng mặt trời, bàn ghế, bảng, sách vở…
Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Nam Trà My Võ Đăng Thuận cho biết thầy Vỹ và các nhà thiện nguyện đã giúp nhiều em học sinh có điều kiện học tập tốt.
“Cùng với việc xây các điểm trường, từ năm 2017 đến nay, CLB đã kêu gọi xây dựng 150 ngôi nhà cho bà con trên địa bàn huyện, đồng thời hỗ trợ bà con cây trồng, vật nuôi, với kinh phí mỗi năm trung bình 10 tỷ đồng. Đây không chỉ là nỗ lực chỉ riêng bản thân mà toàn bộ thành viên, cộng tác viên của CLB”, thầy Vỹ cho biết.
Vận chuyển vật liệu là khâu khó khăn nhất trong quá trình xây dựng.
Dù vậy, thầy Vỹ không quên nhắc đến những con đường mà bản thân từng phải di chuyển hơn 5 tiếng đồng hồ với những con dốc thẳng đứng. Người đi một mình đã khó, đằng này phải gùi trên vai vài chục kg vật liệu xây dựng.
“Thời gian đó, chúng tôi phải đến từng bản làng, trình bày để nhờ bà con giúp mình vận chuyển vật liệu. Nghĩ lại vẫn thấy còn rùng mình vì quá khó khăn”.
Rất may, thầy và bạn bè đã nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bà con. Có một kỷ niệm mà người thầy 42 tuổi nhớ mãi là vào năm 2018, khi đang xây dựng điểm trường Răng Chuỗi, xã Trà Tập, một người phụ nữ trên lưng gùi bao xi măng vội chạy thẳng về nhà để kịp cho con bú.
“Nhìn cảnh trên lưng vẫn còn bao xi măng, người phụ nữ ấp đứa bé để cho bú mà chúng tôi ứa nước mắt”.
Thời gian qua, Nam Trà My là một trong những điểm nóng của dịch Covid-19 ở Quảng Nam. Thầy Vỹ và các thành viên CLB đã kêu gọi hỗ trợ rất nhiều nhu yếu phẩm như: khẩu trang, mỳ tôm, gạo… và gửi đến người dân nơi đây.
Hướng sắp tới của thầy Vỹ là sẽ cố gắng tìm cách hỗ trợ sinh kế cho bà con nhiều hơn vì các điểm trường đã dần ổn định.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự