Chiếc đầm đỏ trong đêm tưởng niệm
Giữa dòng người thực hiện lễ tưởng niệm tại cầu Mống, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 4, trang phục của tất cả đều là đen và trắng, duy nhất bé Trần Ngọc Bảo Châu, 7 tuổi mặc chiếc đầm màu đỏ nổi bật.
“Chiếc đầm đỏ này là quà ba đã mua tặng cho con trước lúc ba con mất. Ngày quan trọng hôm nay của ba, con muốn mặc chiếc đầm này, mặc thật đẹp để thả hoa đăng, cầu nguyện cho ba”, Bảo Châu nói.
Chị Anh Thi, mẹ của bé Bảo Châu cho biết thêm: “Áo đầm là do con chọn từ hôm trước và mong đến giờ đi thả hoa đăng cho ba. Cái gì cũng muốn đẹp nhất, đầm đẹp, thắt tóc đẹp, để ba vui…”. Nói đến đây người mẹ trẻ 39 tuổi lặng đi. Ngày hôm nay, để có thể dẫn các con đến để cầu nguyện cho chồng mình, đã là một sự cố gắng của chị.
Tháng 8-2021, trong giai đoạn dịch căng thẳng, cả gia đình chị Anh Thi, hai vợ chồng và hai đứa con đều nhiễm Covid-19. Chồng chị Anh Thi vừa mất, bệnh viện gọi lên ký tên vào giấy tờ, thủ tục xong thì ngày hôm sau, cả ba mẹ con chị được đưa đi điều trị.
“Mình đưa ông xã đến bệnh viện trong tình trạng mình cũng mắc Covid-19, ở nhà hai con cũng test ra kết quả dương tính. Bác sĩ báo anh khó qua, cùng lúc các con ở nhà điện thoại khóc, kêu mẹ ơi con không biết uống thuốc, con thấy khó chịu trong người. Mình bất lực phải đưa ra lựa chọn, xin bác sĩ cho mình về nhà để lo cho hai đứa con nhỏ.
Mình khấn vái rất nhiều, nếu ông xã không qua khỏi, xin cho mình được sống, gánh vác phần anh để lo cho hai con, sao đành lòng để hai đứa nhỏ mồ côi cha, mẹ tội lắm…. Lúc nhận hài cốt anh về, mỗi lần đi qua bàn thờ, thấy di ảnh của anh là mình khóc suốt...”, chị Anh Thi kể.
Những lúc thấy mẹ xúc động quá, bé Bảo Châu là người luôn an ủi, lau nước mắt cho mẹ. “Sợ mẹ bỏ hai anh em, hễ thấy mẹ chuẩn bị đi ngang qua bàn thờ của ba, là từ xa em chạy tới đẩy mẹ đi nhanh qua, có khi em không cho mẹ nhìn bàn thờ của ba, nhìn ba mẹ khóc, mẹ đi chỗ khác đi”, Bảo Châu nói.
Với chị Anh Thi, con trẻ là động lực cũng là điểm tựa duy nhất để chị cố gắng, nỗ lực cho những chuỗi ngày đầy khó khăn một mình nuôi con ăn học phía trước.
Trong lúc di chuyển đến khu vực thả hoa đăng, Bảo Châu liên tục hướng mắt về những chiếc đèn đã được thả, chỉ cho mẹ đó là nơi sẽ thả hoa đăng, ba sẽ nhận được quà. “Con thả hoa đăng với ước mơ ba sẽ sớm về với con, mua đồ chơi cho con”, Bảo Châu tin rằng, những chiếc đèn hoa đăng của mẹ, anh trai và em thả đi sẽ đem đến cho ba nhiều điều tốt đẹp, ba sẽ có “phép mầu” để về với mấy mẹ con…
Lời tâm sự “đặc biệt”
Qua truyền hình, biết ngày 19-11 có lễ thả hoa đăng cầu nguyện cho người đã mất vì Covid-19, bé Trương Khai Việt, 7 tuổi (quận 8) nằng nặc đòi bà ngoại và mẹ chở qua đầu cầu quận 4 để tham gia.
Trong buổi tưởng niệm, dù phải đến sớm và đợi hơn 90 phút để thực hiện nghi lễ, nhưng bé Khai Việt vẫn kiên nhẫn chờ đợi giây phút được thả nến hoa đăng cho ba. Em cẩn thận nâng niu, lấy tay che chắn để ngọn nến trên tay mình không tắt đi, gương mặt đầy căng thẳng cho đến khi hoa đăng được thả xuống dòng sông.
Bé Trương Khai Việt cùng ngoại và mẹ thả hoa đăng, gửi lời chúc lành đến ba.
“Cô nói là dịch bệnh nhiều lắm, thôi ở nhà cầu nguyện được rồi con nhưng cháu nói muốn đi thả hoa đăng cho ba. Ba của cháu mất hơn một tháng nhưng nói ba mất là cháu không chịu. Mấy chú đến nhà phát quà từ thiện, hỏi ba con đâu, cháu đều nói ba con không có nhà. Tôi hỏi sao không nói ba con mất, cháu nói con không muốn nói ba con mất đâu”, cô Kim Lệ, bà ngoại của bé Khai Việt kể.
Dù chưa bao giờ chấp nhận việc ba mất nhưng trong buổi lễ thả hoa đăng, em đã khiến bà ngoại và mẹ phải xúc động. “Ba ơi ba, ba theo Phật đi nha ba”, bé Khai Việt thì thầm trong lúc thả hoa đăng nhói lòng người lớn. Trong thâm tâm của Khai Việt, ba của em chỉ là “đi vắng nhà”, nhưng qua lời dạy của bà ngoại và mẹ, đủ để em hiểu cần làm gì cho ba.
Tấm lòng của đứa trẻ lên 8
Thấy bà nội làm đèn hoa đăng và biết bà nội sẽ tham dự lễ cầu nguyện cho nạn nhân mất vì dịch bệnh Covid-19, trong đó có ông nội của mình, bé Nguyên Bảo, 8 tuổi (quận 4) xin bà cho theo cùng. “Con muốn đi cùng nội, để cầu nguyện cho ông nội, cho thím và những người mất vì dịch bệnh. Con có xem trên tivi, con thấy mọi người mất ai cũng tội nghiệp, ai cũng thương”, em thỏ thẻ như thế và được nội đồng ý.
Để chuẩn bị cho buổi lễ quan trọng này, cô Nguyễn Đức Như, nội của bé Nguyên Bảo tự kết đèn hoa đăng. Dù biết Ban Tổ chức buổi lễ có chuẩn bị sẵn nhưng cô Đức Như vẫn muốn tự làm. “Cô tự tay làm, đó là tất cả tấm lòng cô nhớ đến ông xã của mình và người mất vì dịch bệnh. Cô làm trong ngành y và ông xã cô cũng vậy…”, nói đến đây, khóe mắt cô đỏ hoe.
Bé Nguyên Bảo cầm chặt chiếc đèn hoa đăng bà nội tự tay làm, gói niềm thương gửi đến ông nội, thím và các nạn nhân mất vì dịch bệnh.
Biết tấm lòng của bà nội, bé Nguyên Bảo luôn nâng niu, giữ chặt trên tay chiếc đèn hoa đăng hình búp sen mà bà đã dày công thực hiện.
“Cháu hỏi rất nhiều về ý nghĩa của lễ hoa đăng. Sau khi tôi giải thích, cháu quá muốn đi nên tôi dẫn cháu theo, để cháu cầu nguyện. Cùng mọi người làm việc ý nghĩa này, nhắc nhở cháu không quên những người không may mắn trong dịch Covid, giúp nuôi lớn lòng từ bi, lòng yêu nước. Từ lòng ghi ơn và nhớ ơn, cháu sẽ sống ý thức, có ích với cuộc đời”, cô Đức Như chia sẻ thêm.
Hiểu lòng bà nội và hiểu nỗi đau của người đã mất, bé Nguyên Bảo gói ghém trọn tình thương trong lời cầu nguyện của mình: “Xin cho mọi người đều hết đau, được hạnh phúc”.
Lời cầu nguyện của con trẻ cũng là tiếng lòng của người lớn. Ai cũng mong năng lượng lành sẽ được lan tỏa, xoa dịu đi phần nào nỗi đau chất chồng trong biết bao người sau đại dịch…
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự