Bảy phước đức

Thứ bảy - 18/10/2014 07:10
Hẳn ai cũng từng biết và suy ngẫm về câu “Có phước có đức thì mặc sức mà hưởng”. Quả đúng như vậy, những người có phước đức thì mọi chuyện trong cuộc sống đều thuận lợi, thành công dễ dàng.
Bảy phước đức

Nhưng phước đức không phải tự nhiên hoặc thánh thần nào ban cho mà tự chúng ta phải gieo trồng, tưới tẩm mới mong có ngày gặt hái.

Thế Tôn thường dạy Tam bảo chính là ruộng phước phì nhiêu, màu mỡ nhất ở đời. Nên gieo trồng công đức nơi ruộng phước Tam bảo để được phước báo là việc thường nhật của mỗi người con Phật. Ngoài ra, những việc làm mang đến lợi ích thiết thực cho cộng đồng cũng góp phần vun bồi phước báo ngày một tăng thêm. Hãy nghe Thế Tôn nói về bảy việc làm tăng trưởng phước đức không có hạn lượng.

“Một thời Phật ở bên bờ sông A-du-xà cùng với năm trăm chúng Đại Tỳ-kheo.

Khi ấy Ðại Quân-đầu đang ở chỗ nhàn vắng nghĩ rằng: “Có nghĩa này hằng thêm công đức hay không có lý này?”.

Quân-đầu liền đứng dậy đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Bấy giờ Quân-đầu bạch Phật:

- Bạch Thế Tôn! Vừa rồi con ở chỗ vắng vẻ có nghĩ: “Có lý làm các việc được thêm công đức hay không?”. Nay con hỏi Thế Tôn, cúi mong thuyết cho.

Thế Tôn bảo:

- Có thể được tăng thêm công đức.

Quân-đầu bạch Phật:

- Ðược tăng thêm công đức thế nào?

Thế Tôn bảo:

- Tăng thêm có bảy việc, phước ấy không thể cân lường, cũng không ai có thể tính toán được. Thế nào là bảy? Ở đây, con nhà vọng tộc trai hoặc gái, chưa từng cất già-lam cho Tăng, liền lập già-lam. Phước này không thể kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ, có thể đem giường tòa thí cho Tăng già-lam và cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ hai không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ dùng thức ăn bố thí Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ ba không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ cấp áo che mưa cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ tư, không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu trai gái nhà vọng tộc đem thuốc men cho Tỳ-kheo Tăng. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ năm không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Nếu thiện nam, thiện nữ ở đồng trống làm giếng tốt. Này Quân-đầu! Ðó là phước thứ sáu không thể tính kể.

Lại nữa, Quân-đầu! Thiện nam, thiện nữ làm nhà gần đường cho người sẽ đi qua có chỗ trú ngụ. Ðó là phước thứ bảy không thể tính kể.

Ðây là, này Quân-đầu! Pháp bảy công đức, phước không lường được. Hoặc đi hoặc ngồi, cho dù mạng chung, phước cũng theo sau như bóng theo hình, đức này không thể tính kể mà bảo rằng có bao nhiêu phước. Cũng như nước biển lớn không thể dùng thăng đấu đong rồi bảo có bao nhiêu nước; bảy công đức này cũng lại như thế, phước không có hạn lượng.

Thế nên Quân-đầu! Thiện nam, thiện nữ hãy cầu phương tiện hoàn thành bảy công đức. Như thế, Quân-đầu, hãy học điều này!

Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.

(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập III, phẩm Thất nhật [2], 
VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.47)

Rõ ràng, những việc tốt như xây chùa, cúng dường chúng Tăng, làm những việc công ích xã hội, phục vụ cộng đồng tạo ra phước đức vô lượng. Phước này sẽ theo ta như bóng theo hình, hiện đời và những đời sau luôn đầy đủ phước báo, vạn sự đều hoan hỷ, cát tường như nguyện.

Tất nhiên, người con Phật nào cũng tin hiểu và chí thú làm phước, cúng dường Tam bảo, nhất là cúng dường Tăng. Nhưng hiện nay, một số ít người trong chúng Tăng (người được cúng dường) đang có biểu hiện lệch chuẩn, tìm cách thể hiện đẳng cấp thành đạt của mình theo kiểu “trọc phú học làm sang” khiến cộng đồng bức xúc phản đối.

Thiết nghĩ, người tu chỉ là kẻ ăn xin (khất sĩ) nên dù có phước báo đến bao nhiêu đi nữa thì cũng là hành khất mà thôi. Quan trọng là, người thọ dụng cúng dường nếu xử sự không đúng pháp thì tự thân họ mắc tội, và điều này hoàn toàn không ảnh hưởng tới phước đức của thí chủ đã cúng dường trước đó.

“Con sâu làm rầu nồi canh”, chuyện một vài cá nhân vận dụng không đúng pháp tài vật Phật tử cúng dường không thể làm lay chuyển hay thối thất tâm cúng dường và phụng sự của chúng ta được. Tội phước luôn phân minh, ai tạo phước thì người ấy hưởng và ngược lại, đó là chánh kiến mà Phật tử chúng ta cần có để giữ vững tín tâm Tam bảo.

Tác giả bài viết: Quảng Tánh

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây