Chữ tín trong đạo Phật

Thứ bảy - 04/10/2014 07:58
Tín có nghĩa là tin, tin tưởng, nghe theo, vâng theo như tín ngưỡng, mê tín, tín căn, tín niệm. Tín còn có nghĩa là giữ lời hứa, lời nói đi đôi với việc làm như thủ tín, trung tín. Ở đây, chúng ta tìm hiểu chữ tín theo nghĩa thứ nhất là tin theo, tín ngưỡng.
Chữ tín trong đạo Phật
Có hai nguồn gốc của việc tin theo một điều gì. Một là từ tình cảm như sợ sệt, yêu thương . Hai là từ lý trí, sự hiểu biết mà tin theo.
 
Thế nào là niềm tin xuất phát từ sự sợ hãi mà tin theo ? Bản chất của con người luôn có khát vọng tìm hiểu và khám phá. Điều nầy giúp con người phát triển và ngày càng văn minh. Nếu các hoạt động tìm hiểu và khám phá về tự nhiên giúp con người phát triển khoa học, kỹ thuật thì hoạt động tìm hiểu và khám phá về mặt tinh thần ngày càng cho con người thoát vòng mê muội, u minh. Khi con người xuất hiện trên trái đất này thì đồng thời xuất hiện tín ngưỡng. Con người mong muốn giải thích, lý giải các hiện tượng trong tự nhiên như mưa, gió, sấm sét, lửa cháy ….Khi không nắm được bản chất của các hiện tượng tự nhiên này, con người mông muội do sợ hãi mà tin rằng sở dĩ có gió, mưa, sấm , tuyết, lửa, núi …là do có Thần mưa, Thần gió, Bà Hỏa, Thần Núi v..v.. làm nên. Từ đó, con người lập đền, lập miếu để thờ thần gió, thần mưa, thần lửa. Ngày nay, với tiến bộ khoa học kỹ thuật, con người đã thấu hiểu bản chất của các hiện tượng tự nhiên, họ không thờ các thần mưa, gió , sấm sét nữa.
 
Thế nào là niềm tin khởi nguồn từ lòng yêu thương, quý trọng. Chúng ta biết rằng dân tộc Việt Nam có truyền thống “Uống nước nhớ nguồn’ “ Ăn quả nhờ người trồng cây” nên dân gian có một niềm tin vững chắc vào sự phù trợ của tiền nhân, những người có công tạo lập nên đất đai bờ cõi, những vị tướng đánh giặc bảo vệ nhân dân, khi thác đi trở thành “Thần”. thành “Thánh”. Tín ngưỡng dân gian nầy thể hiện sâu đậm trong nhiều nhà đều có bàn thờ ông bà để luôn luôn kính nhớ tổ tiên ; thờ đức Thánh Trần có đánh tan giặc Nguyên Mông giữ gìn bờ cõi. Niềm tin trong dân gian là niềm tin của những con người có tình cảm hiếu, lễ, không bội bạc vong ân tiên nhân và những người có công tạo dựng quê hương, đất nước, bản làng, nhà cửa. Đó là Tín ngưỡng dân gian.
 
Con người với thân phận mong manh, nhỏ nhoi và ngắn ngủi, song luôn luôn mong muốn tìm ra câu trả lời vì sao có con người trên trái đất này? Con người từ đâu đến ? Khi chết con người sẽ đi về đâu ? Câu hỏi này quá khả năng giải thích một cách tường minh của con người. Tùy sự nhận thức mà có nhiều cách giải thích khác nhau. Cuối cùng cho mọi câu trả lời là người ta hướng đến một cái gì siêu nhiên, thiêng liêng nằm ngoài cuộc sống trần tục để giải thích về nguồn gốc con người. Từ đó xuất phát tín ngưỡng và tôn giáo, hình thành đời sống tâm linh. Mỗi dân tộc, tùy hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội, địa lý mà hình thành các nguồn gốc tín ngưỡng và các tôn giáo khác nhau. Có người giải thích sự tồn tại của con người và vũ trụ là do đấng tạo hóa có đầy quyền năng tạo nên. Đấng tạo hóa nầy có quyền ban phúc và giáng họa, khen thưởng và trừng phạt. Ai tin theo thì được lên thiên đàng. Ai không tin theo hay phỉ báng thì phải đọa vào chốn địa ngục tối tăm. Đặc điểm của những người ưng theo sự giải thích này là niềm tin vô điều kiện vào đấng tạo hóa. Tín ngưỡng theo cách lý giải này dựa trên cơ sở niềm tìn tuyệt đối. Mọi sự vật, hiện tượng, cuộc sống của mỗi con người phụ thuộc vào ý muốn của Thượng đế. Con người chỉ là thân phận nhỏ nhoi chỉ biết vâng lời và tuân theo ý Thượng đế. Sự tin tưởng tuyệt đối vào Thương đế là niềm tin bắt buộc, là tiên đề cơ bản mà người nào không chấp nhận tiên đề nầy thì đồng nghĩa mất đức tin vào tôn giáo đó. Niềm tin hay đức tin nầy chỉ đơn thuần dựa trên tình cảm, không xuất phát từ lý trí.
 
Thề nào là đức tin từ lý trí ?
 
Đạo Phật nhận thức và giải thích nguồn gốc vũ trụ và con người dựa trên quy luật tự nhiên của vạn vật. Đó là Luật Nhân quả-Luân hồi. Mỗi con người tạo nên nghiệp và chính nghiệp dẫn dắt con người sống chết trong vòng sinh tử luân hồi. Người tạo thiện nghiệp thì được giải thoát. Người đắm chìm trong ác nghiệp thì mãi mãi trầm luân trong bể khổ. Đức Phật truyền giáo lý cho chúng sinh chính là chỉ dẫn con đường tu tập để thoát sinh tử luân hồi. Vì vậy, Đạo Phật không bắt Phật tử tìn mù quáng vào lý thuyết. Ngài hướng dẫn Phật tử tu học theo ba bước : Văn-Tư-Tu. Văn là nghe kinh, nghe pháp. Tư là suy nghĩ cho thật thấu đáo, cặn kẻ mọi ngóc ngách của vấn đề, thấy rõ bản chất sự thật rồi mới tin. Tu là thực hành điều mà xác định là đúng đắn. Trong Kinh A hàm, Đức Phật có dạy”Tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai tức là phỉ báng Như Lai”. Điều này đã minh chứng hết sức cụ thể tính khoa học, chân lý và giác ngộ. Khi đã tìm hiểu và thấu rõ con đường tu tập, con người sẽ vững niềm tin vào Tam bảo : Phật, Pháp, Tăng. Niềm tin vững chắc vào tam bảo, Phật gọi là tín căn. Tức là lòng tin mạnh mẻ, vững chắc như là cội rẻ của cây bám chặt vào lòng đất. Lòng tin trong Phật pháp là kết quả của lý trí, sự suy luận sáng suốt, quan sát kỹ càng. Đức Phật không bao giờ bắt buộc Phật tử tin một điều gì mà không suy luận, không giải thích được. Lòng tin của người Phật tử khởi từ trí xét đoán nên càng vững chắc, mãnh liệt. Phật dạy :”Tin là mẹ vô lượng của công đức”.
 
Như vậy chữ tín trong đạo Phật và dân gian đều là niềm tin, đức tin đối với sự thiêng liêng, siêu nhiên vượt khỏi sự hiểu biết của con người. Niềm tin trong dân gian xuất phát từ tình cảm. Niềm tin trong đạo Phật khời nguồn từ lý trí, nhận thức. Đạo Phật có 2 đặc tính nổi bật là Từ bi và Trí tuệ . Nhà bác học vĩ đại Einstein đã nhận xét : "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học".
 
Niềm tin trên nền tảng lý trí, nhận thức rõ ràng chính là sự kết hợp tuyệt vời giữa khoa học và tâm linh.

Tác giả bài viết: HT Đạt Đạo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây