Phật dạy người Phật tử và các quan hệ trong đời sống

Thứ năm - 09/10/2014 20:45
Bài kinh chúng tôi sẽ trình bày sau đây được rút ra từ Trường Bộ Kinh và có tên là Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt. Nội dung ghi lời Phật dạy người Phật tử và các quan hệ trong đời sống. Đức Phật giảng dạy kinh này cho một vị thanh niên tên Singàlaka trong một buổi Ngài đi khất thực ở thành Vương Xá. Trước hết chúng ta nghe những lời dạy tóm tắt của Đức Phật.
"Này Singàlaka, đối với thánh đệ tử, bốn nghiệp phiền não được diệt trừ, không làm ác nghiệp theo bốn lý do, không theo sáu nguyên nhân phung phí tài sản. Vị này, nhờ từ bỏ mười bốn pháp, trở thành vị che chở sáu phương; vị này đã thực hành, đã chiến thắng hai đời, vị này đã chiến thắng đời này và đời sau. Sau khi thân hoại mạng chung vị này sinh ở thiện phú, Thiên giới".
 
Vị thánh đệ tử ở đây tức để chỉ cho một người Phật tử sống đời sống hạnh phúc gia đình. Vậy thì, đời sống của một người Phật tử thì như thế nào?

Vị ấy là người đã diệt trừ bốn nghiệp phiền não, nghĩa là, người Phật tử đã diệt trừ các ác nghiệp sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói láo.
Vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do, tức là, vị ấy không làm các ác nghiệp do tham lam, không làm các ác nghiệp do sân hận, không làm các ác nghiệp do si mê, không làm các ác nghiệp do sợ hãi. Bởi người Phật tử không có tham dục, không sân hận, không si mê, không sợ hãi, nên vị ấy không làm ác nghiệp theo bốn lý do trên.

Người Phật tử cũng từ bỏ sáu nguyên nhân phung phí tài sản như:

- Đam mê các loại rượu khiến phung phí các tài sản.
- Du hành đường phố phi thời khiến phung phí các tài sản.
- La cà đình đám hý viện khiến phung phí các tài sản.
- Đam mê cờ bạc khiến phung phí các tài sản.
- Giao du với bạn ác khiến phung phí các tài sản.
- Quen thói lười biếng khiến phung phí các tài sản.


Từ sáu nguyên nhân trên, Đức Phật chỉ ra 36 trường hợp nguy hiểm sau đây cho thấy những việc làm thiếu cân nhắc, thiếu suy nghĩ của con người thì hết sức tai hại.

Về đam mê các loại rượu có sáu nguy hiểm sau:

- Tài sản hiện tại bị tổn thất.
- Đấu tranh tăng trưởng.
- Bệnh tật dễ xâm nhập.
- Thương tổn danh dự.
- Thân thể hở hang.
- Trí lực bị tổn hại.


Du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm sau:
- Tự mình không được che chở hộ trì.
- Vợ con không được che chở hộ trì.
- Tài sản không được che chở hộ trì.
- Bị tình nghi là tác giả của các ác sự.
- Nạn nhân của các tin đồn thất thiệt.
- Tự chuốt vào thân nhiều khổ não.


Sáu nguy hiểm cho việc la cà đình đám hý viện gồm:
- Luôn luôn bị lôi cuốn bởi múa.
- Bị lôi cuốn bởi ca.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc.
- Bị lôi cuốn bởi tán tụng.
- Bị lôi cuốn bởi nhạc tay.
- Bị lôi cuốn bởi kèn trống.


Đam mê cờ bạc có sáu nguy hiểm như:
- Nếu thắng thì sinh thù oán.
- Nếu thua thì sinh tâm sầu muộn.
- Tài sản bị tổn thất.
- Tại hội trường lời nói không có hiệu lực.
- bạn bè khinh miệt.
- Việc cưới gả không được tín nhiệm, vì kẻ cờ bạc không đáng để cưới vợ.


Giao du với bạn ác có sáu nguy hiểm sau:
- Giao du với kẻ cờ bạc là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ loạn hành là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ nghiện rượu là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ trá ngụy là nguy hiểm.
- Giao du với kẻ là lường gạt nguy hiểm.
- Giao du với kẻ bạo động là nguy hiểm.


Trong mối tương giao với bạn bè, Đức Phật dạy cho Singàlaka về bốn hạng người không nên kết bạn và bốn hạng người nên kết bạn. Ở đây Ngài cũng giải thích rõ vì sao hạng người này không nên kết bạn, trong khi hạng người kia nên kết bạn.

Bốn hạng người không nên kết bạn gồm:

1. Người vật gì cũng lấy. Hạng người này không nên kết bạn vì đó là kẻ cho ít xin nhiều, vì sợ mà làm, vì mưu lợi cho mình và là người vật gì cũng lấy.
2. Người chỉ biết nói giỏi. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ chỉ biết tỏ lộ thân tình việc đã qua, tỏ lộ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng sáo ngữ và khi có công việc thì tỏ sự bất lực của mình.
3. Kẻ nịnh hót. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ tán thành việc ác, không tán thành việc thiện, trước mặt tán thán sau lưng chỉ trích.
4. Người tiêu sài xa xỉ. Hạng người này không nên kết bạn, vì đó là kẻ kết bạn khi có rượu chè, khi du hành đường phố phi thời, khi la cà đình đám hý viện và khi có cờ bạc.


Về bốn hạng người nên kết bạn gồm:

1. Người có lòng giúp đỡ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là người biết che chở cho bạn khi bạn vô ý phóng dật, làm chỗ nương tựa cho bạn khi bạn gặp sợ hãi và khi bạn có công việc thì sẵn sàng giúp đỡ của cải cho bạn.
2. Người chung thuỷ. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người sẵn sàng nói cho bạn về điều bí mật của mình, biết giữ kín điều bí mật của bạn, không bỏ rơi bạn khi gặp khó khăn và giám hy sinh thân mạng vì bạn.
3. Người khuyên điều lợi ích. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người giúp bạn ngăn chặn điều ác, khuyến khích bạn làm điều thiện, nói cho bạn những điều bạn chưa nghe và giải thích cho bạn đường hướng đến hạnh phúc an lạc.
4. Người có lòng thương tưởng. Hạng người này nên kết bạn, vì đó là mẫu người chia sẻ với bạn khi bạn bè gặp hoạn nạn, hoan hỷ khi bạn bè gặp may mắn, ngăn chặn việc nói sấu bạn và khuyến khích việc tán thán bạn bè.


Sau cùng, Đức Phật dạy cho Singàlaka về một số các mối tương giao được đi kèm với các bổn phận và trách nhiệm như:

Về quan hệ giữa cha mẹ và con cái:
Con cái đối với cha mẹ có năm bổn phận vần phải được thực hiện như sau: Phụng dưỡng cha mẹ, lo làm các bổn phận đối với cha mẹ, giữ gìn truyền thống gia đình, bảo vệ tài sản thừa tự và lo tang lễ cho cha mẹ khi cha mẹ qua đời.
Đáp lại, cha mẹ có năm trách nhiệm đối với con cái: Ngăn con làm điều ác, khuyến khích con cái làm điều thiện, dạy nghề nghiệp cho con, lo việc cưới gả cho con và đúng thời trao của thừa tự cho con.

Về quan hệ giữa thầy và trò:
Người học trò có năm bổn phận đối với thầy gồm: Lễ phép đối với thầy, chămlo hầu hạ thầy, nỗ lực học tập, lo việc phục vụ thầy, chú tâm học hỏi nghề nghiệp.
Đáp lại, vị thầy có năm trách nhiệm đối với học trò của mình như: Huấn luyện cho học trò những gì mình thành thạo, dạy học trò cách bảo trì những gì cần được bảo trì, dạy cho học trò của mình thuần thục các nghề nghiệp, khen thưởng học trò và đảm bảonghề nghiệp cho học trò.

Về quan hệ giữa vợ và chồng:
Người chồng có năm bổn phận đối với vợ: tôn trọng vợ, không thất kính đối với vợ, chung thành với vợ, giao quyền hành cho vợ và thỉnh thoảng sắm đồ trang sức cho vợ.
Đáp lại, người vợ phải thi hành tốt đẹp các bổn phận làm vợ: Khéo đón tiếp các bà con của chồng, trung thành với chồng, khéo giữ gìn tài sản của chồng, khôn khéo và nhanh nhẹn trong mọi công việc.

Về mối quan hệ giữa bạn bè với nhau:
Trong mối tương giao giữa bạn bè, vị ấy cần sống với một nếp sống bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự, không lường gạt.
Đáp lại, vị ấy được bạn bè quý mến, che chở cho những lúc vô ý phóng dật, được bảo vệ tài sản, được bạn bè giúp đỡ khi gặp nguy hiểm, được giúp đỡ khi gặp khó khăn và được bạn bè kính trọng về phương diện gia thế.

Về quan hệ giữa chủ và người làm công:
Người chủ cần có trách nhiệm đối với người làm công của mình như: Giao những công việc vừa sức, lo việc ăn uống và lương bổng, lo việc điều trị khi đau ốm, chia sẻ các món ăn ngon và thỉnh thoảng cho nghỉ phép.
Đáp lại, người làm công phải hoàn thành các bổn phận của mình như: Thức dậy trước chủ, đi ngủ sau chủ, bằng lòng với lương bổng và tiền thưởng, khéo làm các công việc và biết đem tiếng tốt về cho chủ.

Về quan hệ giữa các hiền nhân và đệ tử:
Người đệ tử phải có lòng về thân, về lời, về ý đối với các vị Hiền nhân, đón tiếp, trân trọng, cúng dường các vật dụng cần thiết cho các vị Hiền nhân. Đáp lại các vị Hiền nhân có trách nhiệm đối với người đệ tử như: ngăn ngừa làm các điều ác, khuyến khích làm điều thiện, thương xót đệ tử với các lòng từ, dạy cho đệ tử những điều chưa được nghe, khiến cho thanh tịnh điều đã nghe và dạy bảo con đường hướng thiện cho các đệ tử.
 
Chúng tôi vừa giới thiệu một bài kinh đề cập khá chi tiết về nếp sống đạo đức của một người Phật tử. Đó là nếp sống bỏ ác làm lành được thể hiện trong đời sống hằng ngày của chúng ta ngang qua các mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân, gia đình, xã hội. Rõ ràng bài kinh chỉ được giảng dưới hình thức nêu rõ một số quan điểm về thiện và bất thiện cùng các mối quan hệ giữa con người với con người và chúng ta không hề thấy hai chữ "đạo đức" được nhắc đến ở đây. Quả vậy, bài kinh này không định nghĩa cho chúng ta đạo đức là gì, nhưng mỗi chữ mỗi câu trong bài đều toát lên sức sống của một nếp sống đạo đức chân thực thể hiện qua sự cân nhắc, chọn lựa những gì là thiên, bất thiện cũng như việc thực hiện đầy đủ các trách nhiệm và bổn phận đối với các mối quan hệ giữa con người với con người. Và đó chính là đạo đức.

Như vậy, bài kinh đã dạy cho chúng ta đạo đức của con người Phật là gì, cùng lúc ấy chỉ cho chúng ta cách thực hiện đạo đức ấy như thế nào. Tuy nhiên, điều cần chú ý ở đây không phải là những dấu hiệu đạo đức tìm thấy trong bài kinh, mà những biểu hiện của đạo đức được thể hiện qua đời sống hàng ngày của mỗi người Phật tử chúng ta. Làm sao để giá trị đạo đức của bài kinh trở nên sống động, góp phần vào việc xây dựng hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội đó là trách nhiệm của mỗi người Phật tử chúng ta.

Không phải chỉ ngày nay đạo đức mới tỏ lộ tiếng nói của mình như là điều kiện tất yếu cho hạnh phúc của con người và thái bình của xứ sở. Hơn 25 thế kỷ trước, Đức Phật đã nói đến đạo đức và cuộc sống của Ngài là tấm gương sáng về đạo đức. Quả vậy nếp sống Giới đức, Hạnh đức và Trí đức của Ngài mãi mãi là tấm gương soi sáng hướng đi hạnh phúc, an lạc cho mỗi chúng ta.

Trước khi vào Niết-bàn, đức Phật có để lại cho chúng ta những lời huấn thị quan trọng. Để xác chứng lòng tịnh tín đối với bậc Đạo sư và những lời dạy của Ngài, chúng tôi xin kết thúc bài viết này bằng một lời khuyên của Ngài nói về thái độ kính trọng đúng đắn nhất của một người đệ tử đối với bậc đạo sư của mình:

"Này Ananda, nếu có các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ hay nữ cư sĩ nào thành tựu Chánh pháp và tùy pháp, sống chân chính trong Chánh pháp, hành trì đúng pháp, thời người ấy kính trọng tôn sùng, đảnh lễ, cúng dường Như Lai với sự cúng dường tối thượng".

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây