Cúng dường là hành động cao quý - mang vật phẩm dâng cúng đến những bậc tôn quý, có giới đức. Do đối tượng thọ nhận là bậc tôn quý, nên từ cúng dường chỉ dùng khi dâng phẩm vật lên chư Phật, Bồ-tát, Tam bảo, các bậc Thánh Hiền, các hàng Tăng sĩ chân chánh, giới hạnh tròn đầy, đạo hạnh cao thâm, trí tuệ ngời sáng.
Thông thường, người Phật tử đến chùa, không nhiều thì ít cũng sắm chút phẩm vật để cúng dường Tam bảo. Khi dâng lên cúng Phật hay cúng dường Tăng Ni, phẩm vật luôn được gọi là tịnh tài - tịnh vật, với ý nghĩa đó là những của cải chân chánh, thanh tịnh, trong sạch của mình, do chính tay mình làm ra. Người đem vật phẩm cúng dường là người có lòng kính tin Tam bảo. Do đó, chư Tăng Ni luôn luôn trân trọng các vật phẩm cúng dường. Nghi thức Tam đề - Ngũ quán trước khi thọ dụng thức ăn chính là để nói lên tấm lòng trân trọng đó: “Cơm ngày hai bữa thường nhớ công khó khổ của kẻ nông phu. Thân mặc ba y hằng xét nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt. Thuốc thang giường chõng bởi do sự nhín ăn, bớt mặc của đàn na...”.
Trong kinh cũng ghi lại rất nhiều những lời Phật dạy người xuất gia cần trân trọng ơn cúng dường của đàn na tín thí. Thời Phật tại thế, trong hàng đệ tử xuất gia có nhóm Lục quần Tỳ-kheo thường hay khen chê thức ăn do tín thí cúng dường. Một hôm, vì muốn cảnh tỉnh sáu vị Tỳ-kheo ấy, nhân lúc họ đang đứng trên bờ sông, Phật dạy Tôn giả A-nan đem y cà-sa của Ngài ra giặt. Tôn giả A-nan vâng lời mang cà-sa xuống sông. Nhưng kỳ lạ thay, khi bỏ chiếc y xuống nước thì nó không chìm, cứ nổi lên. A-nan tìm đủ mọi cách, thậm chí lấy đá tảng đè lên nhưng cà-sa vẫn không chìm. Thấy lạ, Tôn giả A-nan liền hỏi Phật nguyên do. Phật dạy: “Hãy đi lấy hạt cơm còn dính trong bình bát bỏ lên xem sao”. A-nan liền đi lấy một hạt cơm còn sót lại trong bình bát bỏ lên chiếc y, quả nhiên cà-sa từ từ chìm xuống nước. Nhóm Lục quần Tỳ-kheo vô cùng ngạc nhiên trước hiện tượng lạ lùng này, liền hỏi Phật nguyên nhân. Phật đáp: “Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dường nặng như núi Tu-di. Do đó, nếu thọ nhận của cúng dường mà không lo tu hành thì sẽ mang nợ…”.
Chuyện này cho thấy hạt cơm của đàn na tín thí cúng dường tuy nhỏ mà cái ơn rất lớn. Người tu khi thọ nhận vật phẩm cúng dường là đã mang lấy một trách nhiệm hết sức nặng nề: Trên đền bốn ơn nặng, dưới giáo hóa chúng sanh (Dụng báo tứ ân, bạt tế tam hữu). Thọ nhận sự cúng dường của đàn na tín thí, chư Tăng Ni trước hết là hồi hướng về khắp pháp giới chúng sanh để công đức, phước báo của thí chủ thêm rộng khắp, sau đó có trách nhiệm là phải đem những giáo pháp cao cả, mầu nhiệm giảng giải, hướng dẫn cho đàn na thí chủ biết cách tu hành để đạt được lợi ích.
Vật phẩm cúng dường thường là tịnh tài tịnh vật, do lòng thành kính đối với Tam bảo mà thí chủ dâng cúng. Tuy nhiên không tránh khỏi có khi đó là bất tịnh tài. Chư Tăng khi thọ nhận những của này, tự hiểu trách nhiệm “giáo hóa chúng sanh” của mình càng thêm nặng nề hơn. Hơn ai hết, người tu hiểu rằng tâm người cúng dường và người thọ lãnh phẩm vật cúng dường luôn luôn có sự tương ưng, “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nếu ta có căn lành và có tâm tu hành thanh tịnh, tức sẽ có sự chiêu cảm với những người đạo tâm chân chính. Ngược lại, nếu nhận ra mình thường “gặp gỡ” những người tâm không chân chính thì phải hiểu đó là vì nghiệp duyên túc trái nên đời này cảm ứng với nhau mà gặp. Người cho và người nhận đều có sự cộng nghiệp với nhau. Không thể làm gì khác hơn là người tu phải thật nỗ lực tinh cần tu tập, mặt khác phải hồi hướng công đức thật sâu rộng khắp cả chúng sanh và giáo hóa sao cho người Phật tử thí chủ ấy chuyển hóa tâm trở nên thiện lành để hóa giải được nghiệp xấu này.
Đối với việc cúng dường không đúng Chánh pháp, trách nhiệm của chư Tăng Ni là phải làm sao giáo hóa giúp thí chủ không còn sai lầm. Chùa là trú xứ tu hành của Tăng Ni. Chư Tăng Ni ở chùa, thờ Phật, sinh hoạt tu hành và nỗ lực giáo hóa, hoằng dương Phật pháp. Người đời đến chùa vì mến thích cảnh già lam thanh tịnh, quý kính chư Tăng Ni nên lui tới lễ bái cúng dường Phật và Tam bảo, học hỏi giáo pháp, tu tập..., chứ không phải chùa là nơi để đến “nhờ cậy” những việc như xem ngày, xem tướng, xin xăm, bói quẻ, cúng sao, giải hạn..., hoặc đến để cầu xin Phật gia hộ. Hễ xin thì mong phải được, xin không được thì cho rằng Phật không thiêng. Người Phật tử chân chính cần hiểu rằng không có một thế lực siêu hình nào giữ phần ban phước giáng họa cho con người, cho nên không thể cầu xin. Nhân quả là do con người gây tạo, muốn được quả thiện lành thì phải gieo trồng nhân lành thiện. Cúng dường cốt là để xả bỏ lòng tham, hành hạnh từ bi, gây tạo phước báo, chứ không phải để tăng trưởng thêm tham muốn tội lỗi. Do đó, khi cúng dường Tam bảo chỉ nên tâm niệm một điều, đó là mong vật phẩm cúng dường là phương tiện để giúp chư Tăng Ni an ổn tu hành, hầu truyền bá Chánh pháp lợi ích chúng sanh. Với tâm niệm như thế thì việc cúng dường của mình mới thật sự có phước báo cao quý.
Tăng Ni nhận sự cúng dường chân chính của Phật tử, tự hiểu rằng mình có trọng trách lớn lao: Làm sao tu hành tinh tấn? Làm sao truyền bá Chánh pháp lợi ích chúng sanh? Ba ngôi Tam bảo đều quý kính, song quan trọng hiện tiền là chư Tăng Ni. Nếu không có Tăng Ni, ai gìn giữ chùa chiền, ai hoằng truyền Chánh pháp? Thế nên gọi cúng dường Tam bảo, nhưng thực chất là đặt nặng vào Tăng Ni, với mục đích nguyện mong Tam bảo tồn tại ở nhân gian.
Trong ba phương thức giáo dục của Phật giáo: thân giáo, khẩu giáo và ý giáo thì thân giáo là thù thắng hơn cả. Vì thật khó có thể dạy người phải làm như thế này, không nên làm như thế kia, khuyên răn người đừng phạm lỗi lầm v.v…, trong khi bản thân mình vẫn còn nhiều lầm lỗi. Nếu thân không nghiêm, việc làm không chánh trực thì chắc chắn dù nói lời hay, ý tưởng đẹp đều không có giá trị giáo dục, chuyển hóa người khác. Thân giáo chính là chuẩn mực, là quy phạm để chư Tăng Ni tự nhìn lại chính mình. Kinh Pháp cú, câu 158, Đức Phật dạy:
“Trước hết tự đặt mình
Vào những gì thích đáng
Sau mới giáo hóa người
Người trí khỏi bị nhiễm”.
Để có thể cứu độ chúng sanh, người tu phải “tự cứu” lấy mình trước, phải tự giáo hóa chính mình. Tự giáo hóa là tu tập thế nào để chính mình có được đời sống nội tâm an lạc, tâm hạnh từ bi, buông xả,... thể hiện qua phong cách đoan chính, oai nghi đĩnh đạc bên ngoài. Chính hình tướng oai nghi, nội tâm tế hạnh, đời sống thanh tịnh ly dục, lục hòa... của Tăng Ni là những bài pháp không lời nhưng ý nghĩa sâu sắc, thiết thực giúp người đời trước hết là khởi tâm kính tin Tam bảo, sau nữa là giúp họ chuyển hóa, thăng hoa đời sống trở thành thanh lương, hiền thiện.
Năng Trí
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự