Cơ sở pháp Thí thực cô hồn theo Kinh tạng Nikàya

Thứ sáu - 26/08/2016 14:40
Bài viết này chỉ dựa trên cơ sở Kinh tạng Nikàya để làm sáng tỏ lễ cúng thí thực cô hồn, bố thí cho ngạ quỷ vốn có nguồn gốc trong cả hai truyền thống Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa.
Cơ sở pháp Thí thực cô hồn theo Kinh tạng Nikàya

Cúng thí thực, bố thí cho ngạ quỷ (quỷ đói, cô hồn) hay tế lễ quỷ thần nói chung là một thực thể văn hóa, tín ngưỡng của nhân loại có từ rất xa xưa. Thời Đức Phật tại thế, Ngài đã có quan điểm rạch ròi về các dạng thức cúng thí, tế lễ này. Theo đó, kiểu cúng tế cực đoan tắm máu của Bà-la-môn giáo thì chắc chắn không có phước báo tốt đẹp và không nên làm. Một lễ cúng thí đầy đủ ý nghĩa “âm siêu, dương thái” thì người hiến cúng cần có phẩm vật thanh tịnh và dùng Pháp ngữ khai thị giúp cho đối tượng được hiến cúng no đủ đồng thời nhận thức đạo lý để xả ly chấp thủ, tham ái và sớm được giải thoát. Vấn đề ở đây là cần có chánh kiến soi sáng để người hiến cúng và đối tượng được hiến cúng trong pháp thí thực đều thực sự có lợi lạc.

Người hiến cúng

Người hiến cúng thí thực bằng pháp bất thiện sẽ mắc nghiệp xấu, vì giết hại sinh linh lấy thịt cúng tế sẽ tạo ba thứ ác nghiệp từ thân, miệng và ý, chắc chắn sẽ đưa đến kết quả không như ý muốn. Điều này được ghi lại trong kinh Tăng chi bộ (phẩm Tế đàn), khi Đức Phật trả lời cho Bà-la-môn Uggatasarìra. Vị Bà-la-môn này định đốt lửa, dựng trụ tế đàn, giết hàng trăm con bò, cừu, heo làm vật phẩm hiến cúng để cầu mong được quả phước lớn. Đức Phật đã thẳng thắn phê phán, cho đó là hành động bất thiện chỉ đưa đến quả khổ trong đời này và đời sau: “Này Bà-la-môn, người nhen nhúm ngọn lửa, dựng lên trụ tế đàn, trước khi lễ tế đàn, dựng lên ba cây kiếm này, đưa đến khổ sinh, khổ dị thục”1. Dựng lên ba cây kiếm là chỉ cho ba nghiệp xấu ác của thân, miệng và ý, vì đã giết hại sinh linh để làm vật phẩm cúng tế một cách tội lỗi. Liên hệ với truyền thống cúng tế giỗ chạp của người Việt, nếu cá nhân, gia đình hay làng họ, với bất kỳ nghi lễ cúng tế nào mà sát sinh, hại vật quá nhiều thì đều đưa đến quả khổ chung cho cả người cúng tế lẫn đối tượng được cúng tế.

Người hiến cúng bằng thiện pháp sẽ đưa đến phước lành, họ không sát hại sinh linh để lấy thịt hiến cúng, dùng phẩm vật thanh tịnh cúng tế. Pháp hiến cúng này thể hiện được hạnh từ bi, giúp chúng sinh thoát khỏi đói khổ. Trong kinh Tăng chi bộ, Đức Phật giải thích rõ như sau: “Này Bà-la-môn, tại những tế đàn nào, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gà heo bị giết, không có các loài sinh vật khác bị giết hại. Này Bà-la-môn, Ta tán thán loại tế đàn không có sát sinh như vậy, tức là làm bố thí, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Những loại tế đàn không có sát sinh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán và những ai đi trên con đường hướng đến A-la-hán, có đi đến”2. Đoạn kinh trên khẳng định rất rõ ràng, cúng tế hay bố thí cho quỷ thần mà không sát hại sinh linh (cúng chay) thì Đức Phật tán thán, các vị A-la-hán có đi đến và người hiến cúng có phước quả tốt đẹp.

Đối tượng được hiến cúng

Theo tuệ giác của Đức Phật, những hạng người không tu tập thiện pháp, hạng người sát sinh, trộm cắp, tà hạnh và ác khẩu, khi chết không được sinh thiên giới, không được tái sinh làm người, phần đông sinh vào cảnh giới thấp như địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Đức Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, được tái sinh làm người lại. Và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ”3. Những chúng sinh trong loài ngạ quỷ này chịu nhiều sự đói khát và có hình thù quái dị, họ đều cầu mong nhận các cúng phẩm cùng sự quan tâm, sẻ chia của người thân.

Theo kinh Phật dạy, các chúng sinh trong loài ngạ quỷ thọ dụng được phẩm vật do loài người hiến cúng. Kinh ghi: “Người ấy, sau khi thân hoại mạng chung, sinh vào cõi ngạ quỷ. Món ăn của chúng sinh ngạ quỷ như thế nào, tại đấy, vị ấy nuôi sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Món ăn nào các bạn bè, hoặc thân hữu, hoặc bà con, hoặc người cùng huyết thống từ đấy muốn hiến cúng cho vị ấy, tại đấy vị ấy sống với món ăn ấy; tại đấy, vị ấy tồn tại với món ăn ấy. Này Bà-la-môn, đây là tương ưng xứ, trú ở đây, vị ấy được lợi ích của bố thí ấy”4. Điều cần lưu ý là thức ăn, phẩm vật chúng ta hiến cúng phải tương ưng với nghiệp lực của loài đó thì họ mới thọ dụng được.

Thực chất thì loài ngạ quỷ có nhiều hạng loại, tùy theo phước báo và nghiệp lực sai biệt mà có phẩm vị cao thấp khác nhau. Trong văn hóa cúng bái dân gian Việt Nam, mỗi khi cúng thí người ta thiết hai bàn, bàn thượng và bàn hạ. Bàn thượng (trên, cao) cúng hương, đèn, hoa, trái và nước trong thanh khiết dành cúng cho chư thiên và các loài quỷ thần có oai lực, thường gọi là bàn Thiên. Bàn hạ (dưới, thấp) cúng thức ăn thông thường như cơm, cháo, bánh, trái, gạo, muối để cúng cho các quỷ đói (cô hồn, vong linh), thường gọi là bàn Linh. (Trong nghi thức chẩn tế và siêu độ hiện lưu truyền ở nước ta thì đàn tràng được thiết lập theo triết lý Mật tông. Người cúng thỉnh Tăng đọc tụng chân ngôn, cầu sự gia trì của chư Phật và Bồ-tát, khiến cho các vong linh [ngạ quỷ] được thọ dụng no đủ và khai thị giúp họ thoát khổ).

Thí Pháp song hành cùng thí thực

Kinh điển Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa thường nhắc đến những loài quỷ có phước báo và oai lực, cùng vô số các loài quỷ thiếu phước khổ đau và đói khát. Có loài quỷ thường xuất hiện trong không gian, chỉ có các bậc thành tựu thiên nhãn mới nhìn thấy. Điều này được ghi nhận trong Kinh tạng Nikàya rất rõ ràng. Khi Tôn giả Mục-kiền-liên (Moggallana) nói ngài nhìn thấy có nhiều loài quỷ quái dị mà người bình thường không thể thấy thì Đức Phật đã xác nhận điều ấy: “Xưa kia, này các Tỳ-kheo, Ta đã thấy chúng sinh ấy nhưng Ta không có nói. Nếu Ta có nói, các người khác cũng không tin Ta. Và những ai không tin Ta, những người ấy sẽ bị bất hạnh, đau khổ lâu dài”5.

Có những người qua đời, tái sinh trong loài ngạ quỷ nhưng vì ái nghiệp sâu nặng nên vẫn còn lưu luyến người thân. Kinh Tăng chi bộ có thuật về cuộc đối thoại của nữ cư sĩ Velukantakì và Tôn giả Sàriputta: “Ở đây, thưa Tôn giả, người chồng của con, khi mạng chung, sinh vào loài Dạ-xoa, và vị ấy hiện lên trước mặt con, với một tự ngã như lúc trước. Nhưng thưa Tôn giả, con rõ biết, không vì nhân duyên ấy, tâm của con có đổi khác”6. Như vậy, dù đã tái sinh làm ngạ quỷ nhưng ấn tượng về những gì trong đời trước vẫn còn, nên một số ngạ quỷ vẫn còn quyến luyến người thân, hoài niệm cảnh sống quá khứ, nên thường ở gần, có những liên hệ và tương tác với con người.

Cho nên khi cúng thí, ngoài các phẩm vật để ăn uống thì người hiến cúng còn dùng giáo nghĩa Phật dạy, khai thị cho ngạ quỷ nhận thức về các sự thật để xả ly chấp thủ, tham ái nhằm hướng đến giải thoát là điều cần thiết.

Âm siêu, dương thái

Phật giáo không thiết lập con đường chứng ngộ, giải thoát thông qua nghi lễ cúng tế. Tuy nhiên, cúng tế hay bố thí cho ngạ quỷ bằng phẩm vật thanh tịnh, không giết hại sinh linh làm phẩm vật cúng tế được Đức Phật tán thán, phước báo của người cúng được tăng trưởng. Pháp thí thực trong Phật giáo, như vậy, không phải xuất phát từ ngoại đạo hay lai tạp (tín ngưỡng Trung Hoa) mà có. Thông qua pháp thí thực, người đệ tử Phật thực hành bố thí, ban rải từ bi, chư vong linh-ngạ quỷ-cô hồn không chỉ được no đủ mà nhờ các Pháp ngữ sẽ nhận thức được chân lý Phật dạy để tỉnh thức và chuyển hóa.

Cần thâm nhập Kinh tạng Nikàya để thấy rằng, những ngạ quỷ đang bị đọa lạc trong cảnh giới đói khổ, có thể họ đã từng là cha mẹ, tổ tiên, thân bằng quyến thuộc của chúng ta nhiều đời kiếp7, họ đáng được báo ân, thọ nhận vật phẩm và giáo pháp. Đó là việc làm rất nhân bản, có giá trị thiết thực, có quả phước lành đáng được tôn trọng.

Hiện nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, một số người vô tình hay cố ý lãng quên cách báo ân đối người thân đã qua đời. Thậm chí, có người còn cho việc cúng thí thực cô hồn là mê tín, lai tạp văn hóa Trung Hoa cần phải loại trừ. Người Phật tử thực hành bố thí, trong đó có Pháp thí là hiếu đạo rộng lớn, đầy đủ chánh kiến, nuôi dưỡng và khơi dậy tinh thần cứu khổ ban vui của đạo Phật đối với hết thảy chúng sinh. 

Thích Đức Trí

-------------------------

1 Kinh Tăng chi bộ, HT.Thích Minh Châu dịch, chương 7, phẩm Tế đàn
2 Kinh Tăng chi bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch, chương 4, phẩm Bánh xe, phần Ujjaya
3 Kinh Tương ưng bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch
4 Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch
5 Kinh Tương ưng bộ, tập 1, HT.Thích Minh Châu dịch
6 Kinh  Tăng chi bộ,  HT.Thích Minh Châu dịch, phẩm Tế đàn, phần Mẹ của Nanda
7 Kinh Tăng chi bộ, tập 2, HT.Thích Minh Châu dịch

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây