HỎI: Chúng con là phật tử ở miền Bắc và cũng chỉ biết được Phật pháp không lâu. Chúng con rất thích và ngưỡng mong quý thầy về nơi chúng con để thuyết pháp. Nơi chúng con ở chùa như là đền, thờ đủ thứ thánh tượng. Các thầy đang trụ trì ở chùa cũng chỉ biết thờ cúng bình thường, không biết nhiều về đạo pháp để hướng dẫn chúng con mà chỉ yêu cầu chúng con lo cúng đám, cúng cầu an, cầu siêu, lập đàn, chưa nói làm nhiều việc không đúng chánh đạo, kể cả cúng mặn.
Cũng có nhiều chùa đã xuống cấp nghiêm trọng chúng con cũng muốn tu sửa, quý sư cô già yếu cũng muốn tìm người trông nom cúng lạy nhưng vẫn không được. Có đôi khi chúng con muốn cúng cho một vị thầy có đạo tâm thì lại xảy ra rất nhiều vấn đề với Giáo hội địa phương, chính quyền địa phương. Có lần chúng con tổ chức tu niệm Phật ở chùa và ở nhà cũng bị mời lên công an xã làm việc vì họ bảo chúng con là hành việc mê tín dị đoan. Chúng con đau khổ vô cùng không biết phải làm thế nào?
Nhiều bạn đạo bảo cố gắng niệm Phật, nguyện Quán Thế Âm Bồ Tát gia trì để đạo tràng sớm được các bậc thầy thạc đức đến hướng dẫn nhưng đã lâu lắm rồi điều mong cầu ấy vẫn chưa được thực thi. Hiện giờ chúng con không biết phải làm như thế nào? Xin Sư cho chúng con được biết chúng con nên đi đâu để thưa thỉnh vấn đề này và chúng con làm thế nào để điều hành chùa và đạo tràng? Nếu chúng con đứng ra tu sửa chùa mà không có quý thầy hay quý sư cô hướng dẫn cúng tế như vậy có được không? Chúng con xin cảm ơn Sư!
ĐÁP: Ở câu hỏi này, quý phật tử đưa ra nhiều vấn đề, sinh hoat đạo tràng, sinh họat tu hành, một số phật sự khác có tất cả gần 10 phật sự bị trở ngại. Những trở ngại về việc không có người dẫn dắt tu hành, tụng kinh niệm Phật, trở ngại việc thầy hướng dẫn cúng kiếng linh đình hay cúng kiếng cũng là cầu an cầu siêu nhưng là hành nghề mê tín dị đoan. Những trở ngại như thỉnh thầy về hướng dẫn tu hành, phát tâm sửa chữa trùng tu chùa, trở ngại trong việc niệm Phật tại nhà, v.v... Nhất nhất việc nào cũng trở ngại, thật bế tắc quá phải không?
Sự tín ngưỡng
Theo Sư việc tu hành là việc thiện. Tổ chức tu hành là tổ chức làm việc thiện, sẽ là góp phần cùng với địa phương đem lại ổn định trật tự an toàn cho xã hội. Cuối cùng là sẽ giúp đỡ về tâm linh hướng con người và chúng sinh tiến đến giải thoát những khổ đau phiền não trong hiện tại cũng như ở kiếp lai sinh, không còn trở lại thế giới khổ đau nữa. Tuy nhiên, khi thực hành người con Phật phải thực hiện theo Chánh pháp, không cầu kỳ, không hành pháp lạ, làm cho quái dị khác với pháp giới chúng sinh trong thế giới ta bà.
Như thế sẽ đưa Chánh pháp trở thành mê tín dị đoan, như tiên tri bốc phệ, xem ngày giờ cát hung, bói khoa, xủ quẻ, lắt xăm, đoán mò vận mệnh với người nhẹ dạ cả tin, tin mù tin quáng, gặp kẻ đui tu mù luyện, làm phép cho uống nước thánh, bói rùa dụ dẫn trăm họ đi vào đường ác. Bày việc cúng cầu an, cầu siêu vẽ vời những nguyên tắc rắc rối của đời người, đem những phép tắc lạ thường áp đặt cho phật tử, khiến cho mọi người phải cả tin tuyệt đối, làm cho tâm hồn họ lung lạc dễ sai dễ khiến rồi bắt họ phát tâm xin dâng cúng dường.
Đây là một thủ thuật công việc làm ăn béo bở trong đạo, thế tục gọi là buôn thần bán thánh không hơn không kém. Những trường hợp tín ngưỡng như nói trên thuộc “loạn pháp, tạp pháp” ở một số địa phương. Nói vậy thôi, chứ trên đất nước ta hiện giờ chỉ có một ít phật tử “tu kỹ” than vãn nghe mà bức xúc khiến cho Sư phải muốn canh cải tức thời. Tuy nhiên, đa phần phật tử thích tổ chức cúng kiếng, tổ chức những lễ cúng “tốn hao” hơn người, làm cho thật linh đình hơn những lễ cúng khác thì lúc bấy giờ họ mới thỏa dạ.
Nhìn chung việc tổ chức cúng kiếng hiện nay cũng có người than trách, nhưng cũng có người muốn cúng, phát tâm cúng, để cho mọi người biết rằng ta đây giàu có hơn người, ta đây là đại gia đó các bạn.
Nhu cầu tín ngưỡng
Tín ngưỡng tôn giáo, cúng kiếng theo tập tục là nhu cầu đời sống tâm linh của con người nói chung, nói riêng người Việt cũng như các dân tộc trên thế giới. Đối với con người sinh ra trên trái đất mà thiếu tín ngưỡng tôn giáo thì cũng như cái xác người không có cử động, không có lý trí, cuộc sống không có văn minh tiến bộ, chỉ trong vòng tiêu cực co cụm, an phận trong một ngõ ngách. Tín ngưỡng tôn giáo như một cơn mưa mà không có mây đen, như thời tiết không có mưa gió bão bùng, như sa mạc không bão cát, như núi non không cây không thành cao sơn huyền bí.
Trong thập niên 1940, 1950 Phật giáo còn lu mờ do chiến tranh, tìm người giáo hóa, hướng dẫn phật tử tu học rất hiếm, gần như là không có. Nếu có thường là chỉ có một số chùa lớn có bậc cao tăng, như Đức Pháp chủ Khánh Anh, Tổ Khánh Hòa, Tổ Huệ Quang, Tổ Giác Tiên, Tổ Tố Liên, Tổ Bạch Liên, Tổ Minh Đăng Quang, đức Sư Ông thượng Bửu hạ Đức, HT.Huệ Thành, HT.Hồng Ân, HT.Trí Đức, HT.Phan Thế Long. Cận đại có các bậc cao tăng, sư trưởng như HT.Thiện Hoa, HT.Thiện Hòa, HT.Thanh Từ, HT.Thanh Tứ, HT.Thiện Phước-Nhựt Ý, cổ xúy phong trào học Phật, nuôi chư tăng nên ngày càng có chư tăng, chư ni, nam nữ phật tử tập trung tu học Phật pháp.
Phật pháp vốn tìm người giác ngộ, khuyến người cải ác tùng thiện. Phật pháp là duyên, chư Tổ sư độ người có nhân duyên, ai có nhân duyên thì tu hành. Việc phát tâm tu hành không phải là việc dễ dàng, nhưng nếu người đời muốn tu học Phật pháp thì tìm thầy học Phật pháp không gặp phải trở ngại nào cả. Tuy nhiên, người học Phật pháp phải tuân thủ lời dạy của thầy bổn sư, theo tinh thần hội nhập thì Phật pháp bất ly thế gian giác. Phật pháp phải làm lợi lạc quần sinh, lợi lạc xã hội, không làm tổn hại xã hội khi có sự hiện diện của Phật pháp.
Tại gia không tập trung phật tử như ở chùa
Việc thuyết pháp là việc quan trọng, quý phật tử muốn tu học Phật pháp thì vào những ngày rằm, ngày mùng một (hệ thống Bắc tông), những ngày cúng hội (bên Khất sĩ), nên đến các tự viện hợp pháp tổ chức tu học. Quý vị đăng ký với trụ trì tu học từ 1 ngày đến 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày (tu thập thiện), thời gian do thầy trụ trì tổ chức quy định. Ngày chủ nhật có khi các gia đình phật tử phát tâm cúng trai đàn, có thỉnh giảng sư thuyết pháp. Trước khi thỉnh thầy trụ trì có trình Giáo hội và chính quyền địa phương để được hỗ trợ ổn định tổ chức.
Tại gia, gia đình là nơi cá nhân phật tử tu học, nên không có việc tập trung phật tử thường xuyên tụng kinh niệm Phật như nhà chùa được. Nhà riêng không có khả năng và không được phép tập trung phật tử. Tuy nhiên, do hành trình phật tử tu học ngày càng tiến triển vượt đẳng, Phật giáo Việt Nam cũng có cho phép gia đình phật tử tổ chức tu học tại gia, nên nếu có thực hiện thì trình báo với cơ quan chức năng địa phương để được giúp đỡ.
Việc thỉnh sư thuyết pháp, tổ chức các lễ cúng cầu an, cầu siêu, nhẫn đến cúng trai tăng, là những lễ cúng không thể thiếu trong chốn thiền lâm hay các địa phương có gia đình phật tử. Từ xưa các lễ cúng lớn hay nhỏ tùy theo hoàn cảnh của gia đình phật tử, tùy theo sự phát tâm của gia chủ mà quý thầy hướng dẫn sắp xếp.
Thờ đa thần là việc không phổ cập
Tín ngưỡng thờ Ngọc Hoàng thượng đế, Nam Tào Bắc Đẩu, ông Quan Công (trong chùa gọi là Già Lam thánh đế), thập điện Diêm Vương (khuyến tấn làm thiện), Địa Mẫu, Ngũ hành, Năm Bà (năm Bà là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ), thường ở các chùa cổ đều có phụng thờ, đây chỉ là sự thờ phượng pha trộn tín ngưỡng dân gian chứ không gọi là mê tín dị đoan. Việc phượng thờ đa thần trong chùa nguyên nhân từ quá trình hành đạo của các bậc vãng bối tiếp nhận tín đồ, trong đó có tín đồ quan chức triều đình không thuộc của đạo Phật nay xin quy y Phật, xin cho thờ trong chùa những tín ngưỡng riêng của mình. Từ đó mới có việc nhà chùa thờ đa thần, cụ thể như Long Ẩn Cổ tự, Thiên Long Cổ tự (Biên Hòa), Hưng Long Cổ tự, Long Sơn Cổ tự (Bình Dương), Linh Sơn Cổ tự (Bà Rịa).
Việc “xưa thờ nay không bỏ” trở thành phong tục tập quán được giữ thành nếp văn hóa địa phương. Vì vậy, hiện nay tuy các chùa có thờ nhưng ít cúng hoặc không cúng. Một số chùa ở nông thôn thỉnh thoảng mỗi năm có cúng miếu năm Bà, việc cúng là tùy tập quán địa phương, của từng chùa, không có tổ chức cũng như không có tính phổ cập.
Việc cúng mặn trong chùa là do tập tục văn hóa cúng mặn tại một số chùa ở miền Bắc. Ở miền Trung, miền Nam Việt Nam không nhiều, đó là những lễ cúng truyền thống, lễ cúng lệ “trong chay ngoài bội” của một vài “chùa làng” miền Nam mà người dân mượn chùa để cúng cầu an đó thôi. Thật ra thì hiện nay các chùa, chư tăng ni, phật tử không còn cúng mặn như thời xưa.
Làm phật sự phải đúng phép mới thành tựu
Việc cúng cầu an, cầu siêu, các lễ nghi trong các tự viện, đối với người con Phật là phật sự. Nếu là phật sự thì không còn là mê tín dị đoan, có khác chăng là do trong quá trình xã hội hóa Phật giáo, chính quyền địa phương chưa nắm bắt kịp chủ trương của nhà nước trung ương nên có khó khăn trong lúc đầu, gọi sự cúng kiếng trong chùa là mê tín dị đoan, nhưng sau đó không còn khó khăn nữa. Mê tín chăng? Cũng có những tập tục trở thành nếp văn hóa. Có khi là tín ngưỡng dân gian, có khi là hủ tục len lỏi vào chùa, theo thói quen thì “xưa bày nay vẽ” chưa dứt khoát và thoát khỏi bóng mờ của thời phong kiến, nên không có gì phải phê phán “là mê tín”!
Việc tụng kinh niệm Phật là tự do tín ngưỡng, dù có nhiều người tụng kinh niệm Phật tại chùa cũng không ai cấm cản việc phật tử tập trung tụng kinh, vì chùa là đơn vị cơ sở của Giáo hội. Trong sinh hoạt tu hành, cúng lễ hằng năm, vị trụ trì có đăng ký với nhà nước, xã, thị trấn, phường, nên việc phật tử đến chùa không gặp trở ngại chi cả! Trường hợp phật tử đến chùa tụng kinh gặp khó khăn, là vì chùa chưa đăng ký danh bộ, cơ sở xây dựng chưa hợp pháp, hằng năm chùa chưa đăng ký chương trình sinh họat tín ngưỡng với địa phương mà thôi!
Sửa chữa trùng tu chùa
Việc sửa chữa trùng tu chùa lúc nào cũng thuận lợi. Hiện nay Phật giáo Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi “xin là cho”. Nếu chùa hư mục, mối mọt bị bào mòn theo năm tháng thì điều kiện trước nhất là phải xin phép trùng tu theo pháp luật nhà nước, hư đâu sửa đó xin phép ở địa phương, sửa chữa mở rộng. Nếu lên cao từ loại nhà cấp 4 xin phép cấp huyện, sửa chữa bằng bê tông cốt thép, di dời thì phải xin phép cấp tỉnh, được Sở Xây dựng quyết định cho phép để thực hiện.
Trường hợp gia đình phật tử gặp trở ngại trong sửa chữa là do không xin phép, chùa chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không có người đủ tư cách pháp lý đứng đơn xin trùng tu, có phép thì làm sai quy cách theo đơn xin, xin một đường làm một nẻo, xin sửa chữa hẹp lại mở rộng, xin thấp làm cao, chắc chắn phải gặp trở ngại.
Làm phật sự phải có trí tuệ
Trong Kinh A Di Đà, Phật dạy: “Xá Lợi Phất, bỉ độ hà cố danh vi Cực lạc? Kỳ quốc chúng sinh vô hữu chúng khổ đản thọ chư lạc, cố danh Cực lạc...”. Nghĩa là: Này Ông Xá Lợi Phất, thế giới kia vì sao gọi là Cực lạc? Vì nơi đó chúng sinh không có các việc khổ chỉ được hưởng thọ những điều vui, nên gọi là Cực lạc...”. Thế giới Phật là thế giới thanh tịnh, thế giới thanh tịnh là Cực lạc an vui không có các điều phiền não, chướng ngại, không có các việc không vừa ý, làm tất cả các phật sự không bị trở ngại. Vì sao người phật tử làm việc phật sự không bị trở ngại? Vì các vị là người tu có trí tuệ nên làm việc gì cũng hiểu biết, ứng phó kịp thời những nhu cầu cần thiết ở thế gian, nên khi làm phật sự không bị trở ngại. Ngược lại, nếu chúng ta thiếu tu thiếu niệm Phật thì thiếu trí tuệ, thiếu trí tuệ thì làm việc gì cũng không hòa đồng với thế gian nên bị trở ngại.
Cũng như việc xin thỉnh thầy về chùa thuyết pháp hiện nay, đôi khi người xuất gia hay tại gia gặp trở ngại là vì: Thứ nhất là do “thầy lạ ngoài tỉnh không có uy tín”, bản thân thầy không có đủ tư cách pháp nhân, pháp lý; thứ hai là chùa ni, do sư cô không muốn thỉnh thầy đến hướng dẫn phật tử; thứ ba thầy hành nghề mê tín dị đoan... nên việc phật tử thỉnh tăng gặp khó khăn là vậy. Đó là hậu quả của việc thiếu tu, thiếu trí tuệ quyết đoán, trong quá trình hội nhập nên hậu quả là không thỉnh được giảng sư. Đây là điều minh chứng người làm phật sự thiếu tu, ít thanh tịnh, không thanh tịnh thì không có trí tuệ, mọi phật sự thất bại.
Muốn thỉnh thầy giảng sư là bậc chân tu về chùa hướng dẫn phật tử tu hành, phật tử phải sám hối tụng kinh niệm Phật cho nhiều. Chư thiên hộ pháp sẽ hỗ trợ giúp cho có thầy đến dạy tu hành chân thật, bằng không chỉ học những lời giảng trên vành môi rồi đâu vào đó. Điều này có nghĩa là theo lời dạy của đức Tôn sư Thiện Phước-Nhựt Ý, cũng như Thiền sư Thanh Từ thì người có tu hành chân thật mới hướng dẫn người tu. Người không tu mà rao giảng giáo lý “thao thao bất tuyệt” rốt rồi cũng không hướng dẫn ai tu cho thành công đắc quả được. Kế đến việc học đạo là do duyên, không đủ duyên dù có tìm thầy đến trăm năm đi nữa cũng không gặp chân sư. Nói đến duyên là duyên với Chánh pháp, duyên với bậc chân tu, duyên với môi trường trong sáng và trí tuệ, duyên với dòng giống thánh thiện thì người học đạo mới đủ duyên lành với Chánh pháp của đức Thế Tôn.
Tu tam huệ
Các bậc thầy thường dạy phật tử tu hành là để đạt đến trí tuệ, cái huệ học mà xưa nay người phật tử ít được nhuần gội, đó là văn huệ, tư huệ và tu huệ.
Văn huệ: Văn là nghe, thường xuyên học Phật, nghe pháp, tập sống như đời sống tăng già, không cầu kỳ với thế gian, lánh xa các điều ác, thường làm các việc lành, thường xuyên nghe lời thầy giảng dạy. Tuy cuộc sống của người Phật tử không xa rời thế gian, nhưng tâm hồn phật tử bao giờ cũng ở trong Chánh pháp. Do đó hạn chế lần những pháp ác thế gian, thừa hành các pháp thiện, những lời dạy của Phật được truyền đạt qua bài giảng của các giảng sư chân tu thạc đức, những bậc thiền gia chân chính.
Tư huệ: Tư là tư duy, suy nghĩ, tra cứu, nghiên cứu những lời dạy của Phật, của các bậc Tổ sư, tụng kinh, đọc kinh, nghiên cứu kinh pháp để cầu lý, giải bày những lẽ chân thường. Thường xuyên quán chiếu xem xét những lời dạy uyên áo của Phật, tìn ra được lý lẽ uyên nguyên trở về với Chánh pháp.
Tu huệ: Là thực hành, siêng năng nghe pháp, phát huy trí tuệ tìm hiểu vô lượng nghĩa của kinh văn, nghiên tầm lời Phật dạy áp dụng vào đời sống thực tế. Ví dụ như thọ giới phải giữ giới, giới luật còn thì Phật pháp còn, giới luật mất thì Phật pháp mất. Lập hạnh lành tập lần theo hạnh Phật, sống giải thoát vật chầt, xa lìa những khổ đau phiền não, tìm cầu giải thoát sinh tử luân hồi.
Ba việc tu huệ trên là việc khó, quý vị phát tâm trì giữ mà tu hành, việc khó tu mà tu được thì làm việc gì cũng thành tựu. Ví như người đọc sách, đã từng đọc quyển sách ba ngàn trang, thì khi đọc lại một quyển sách chừng một trăm trang không phải gặp khó khăn. Trong bộ Đại chánh tân tu Đại Tạng Kinh, quyển 17, kinh số 803, phẩm Thanh Tịnh Tâm Kinh, đức Phật dạy: “...Tâm tịnh tức Phật độ tịnh”, tâm mình thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tâm trí tuệ, tâm thanh tịnh là tâm chúng sinh đầy lòng hoan hỷ, mọi người tham gia phật sự cũng hoan hỷ, Phật pháp tạo thành một thế giới hoan hỷ, chúng sinh hoan hỷ thì vạn vật xung quanh , con người trụ xứ đất đai chùa chiền cũng được tịnh hóa, đạo đời hòa hợp hỗ trợ cho nhau thì mọi việc sẽ thành tựu...”
Việc điều hành phật sự ngôi chùa, trùng tu chùa hay làm các phật sự quan trọng trong chùa không phải có tài hay có tiền là làm được. Cần phải có sự kết hợp giữa sư thầy và đạo tràng phật tử xây dựng nên một tâm niệm, một ý chí. Cần phải có sự hoan hỷ hòa hợp thì mới làm được phật sự.
Phật pháp là phật sự chung
Phải có hòa hợp mới cùng nhau lo
Phật sự là của thầy trò
Đạo đời hòa hợp việc to cũng thành
Hòa thượng Thích Giác Quang