Phật dạy niềm tin đối với một người

Thứ năm - 12/04/2018 19:34
Niềm tin phải đi đôi với trí tuệ mới là niềm tin chân chính. Niềm tin vào Tam bảo của người phật tử tại gia, nhất là niềm tin đối với một vị tăng hoặc ni, được xem là một yếu tố quan trọng trong vấn đề học hỏi Phật pháp nhằm tăng trưởng phước báo và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
Phật dạy niềm tin đối với một người
Một thời Thế Tôn ở Kimbilà, tại Veluvana, dạy các tỳ kheo: 
 
Có năm nguy hại này, này các tỳ kheo, trong lòng tịnh tín đối với một người. Thế nào là năm?
 
Này các tỳ kheo, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy phạm lỗi và chúng tăng tùy theo lỗi đã phạm ngưng chức người ấy, bắt người ấy xuống ngồi cuối. Lại nữa, người nào được một người tịnh tín, rồi người ấy đi đến nơi khác hoặc người ấy bị loạn tâm hay người ấy bị mạng chung.
 
Người này suy nghĩ: “Người mà ta ái mộ, ưa thích, nay người ấy bị chúng tăng ngưng chức, bị bắt xuống ngồi cuối; nay người ấy đã đi xa, bị loạn tâm, bị mạng chung” và người này không còn tịnh tín với các tỳ kheo. Do không còn liên hệ với các tỳ kheo khác, người này không nghe diệu pháp, do không nghe diệu pháp nên người này thối đọa khỏi chính pháp.
 
Này các tỳ kheo, đây là năm nguy hại đối với việc chỉ tịnh tín đối với một người.
 
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác hành, phần Tịnh tính đối với một người [lược], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.745)
 
Niềm tin phải đi đôi với trí tuệ mới là niềm tin chân chính. Niềm tin vào Tam bảo của người phật tử tại gia, nhất là niềm tin đối với một vị tăng hoặc ni, được xem là một yếu tố quan trọng trong vấn đề học hỏi Phật pháp nhằm tăng trưởng phước báo và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc.
 
Tăng là một đoàn thể thanh tịnh và cùng sống hòa hợp với nhau trên tinh thần vô ngã vị tha, chúng ta tin tăng đúng nghĩa là gửi trọn niềm tin vào đoàn thể ấy, chứ không nên thần tượng một cá nhân. Dựa trên niềm tin đối với tăng bảo, người phật tử tại gia có thể thân cận, gần gũi để cùng nhau học hỏi những điều hay lẽ phải. Thế nhưng chúng ta chỉ tin vào một vị tăng duy nhất và gần như không quan tâm đến đoàn thể tăng già, đó là điều có thể dẫn đến nhiều nguy hại. Niềm tin phải đi đôi với trí tuệ mới là niềm tin chân chính.
 
Cộng đồng xuất gia ngày hôm nay đại đa số là tăng phàm phu chưa thể gọi là đoàn thể thanh tịnh, bởi một số vị đang còn trong tiến trình học hỏi mà chưa có sự thể nghiệm trong tu tập. Sự thật này tuy ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của tăng đoàn, tuy nhiên đó là việc cá nhân, bởi vì bàn tay có ngón dài ngón ngắn.
 
Cũng chính vì thế mà ngày hôm nay chúng ta thường chỉ trích phê phán người khác, do chúng ta chỉ tin vào một người duy nhất là thầy của mình, sư phụ của tôi, chân sư của ta là bậc lỗi lạc và thông tuệ…Như vậy ta vô tình đánh mất niềm tin vào tăng già, đoàn thể sống an vui vì lý tưởng giác ngộ cho chính mình và người khác.
 
Phật là bậc giác ngộ chân chính, là người tỉnh thức, là người đã vượt qua cạm bẫy cuộc đời, là người thấy đúng như thật, biết rõ sự thật hư của cuộc đời, là bậc đáng được tôn kính và xứng đáng thọ nhận sự cúng dường của mọi người.
 
Pháp là những lời dạy vàng ngọc của Ngài, hay giúp cho mọi người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại.
 
Tăng là đoàn thể sống hòa hợp hạnh phúc dưới sự chỉ dạy của đức Phật vừa học, vừa tu, vừa hướng dẫn cho mọi người biết được chân lý của cuộc đời mà cùng tu theo. Cư sĩ thường xuyên quán niệm như thế thì sẽ được tăng trưởng phước báo và dần hồi, giảm bớt tội chướng cùng với các phiền não khổ đau, sau khi mạng chung sẽ được tái sinh vào các cõi trời người mà hưởng phước an vui hạnh phúc.
 
Con người sống trên đời thường mong ước có được nhiều thứ như tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn no mặc ấm và hạnh phúc lâu dài v.v… Trong các thứ tài sản, theo tuệ giác Thế Tôn, thì lòng tin đối với Tam bảo là tối thượng. Bởi “đức tin là mẹ của các công đức”, khi ta có lòng tin sâu sắc thì ta sẽ có được tất cả nhờ dứt ác làm lành và biết buông xả mọi sự chấp trước dính mắc ở đời.
 
Để chúng ta có được một đời sống vững chãi sâu sắc, thì người tại gia phải văn tư tu nhờ vậy mà phát sinh trí tuệ để có hiểu biết chân chính. Chính vì vậy, người phật tử tại gia phải nhận ra chân giá trị của cuộc sống để có lòng tin không thối chuyển mà thực hành chính pháp và phát huy trí tuệ, để chứng nghiệm giải thoát ngay tại đây và bây giờ.
 
Nếu chúng ta tin tăng mà quá thần tượng một người nào đó sẽ dễ rơi vào sự sùng kính thái quá đến mê muội, dẫn đến kiến chấp khinh khi, thấy thầy mình hay giỏi đạo đức hơn người, mà làm tăng tự mãn đối với người được tôn kính. Theo tuệ giác của Thế Tôn, đó là những nguy hại, khi ta chỉ đặt niềm tin vào một người, nếu người ấy chẳng may bị luật vô thường chi phối, dẫn đến ta mất nơi nương tựa tinh thần và có thể thối đọa Bồ đề tâm mà tự đánh mất chính mình.
 
Lòng tin của chúng ta phải có cơ sở, mà cơ sở đó được trải nghiệm qua sự quán chiếu tìm tòi. Chính sự quán chiếu đó làm cho ta tăng trưởng thêm sự nhận thức đúng đắn nhờ vậy trong đời sống ta bớt âu lo, căng thẳng hay phiền muộn khổ đau. Chúng ta tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong những phút giây làm việc để phục vụ cho tha nhân và không phải bận tâm lo lắng nhiều đến kết quả của nó. Lòng tin khi phát sinh trí tuệ đã giúp cho chúng ta giải thoát được cái tôi dính mắc cố chấp vào sự hiện hữu của nó.
 
Còn nếu chúng ta tin tăng thì sẽ đụng chạm tới những người nào? Tới các thầy tà bạn ác. Ta nếu thật sự chỉ biết đi chùa tụng kinh, lễ Phật, làm công quả ngồi thiền và buông xả các tạp niệm xấu ác, thì ta đâu có thời gian để đi nói xấu người này người kia, ấy thế mà vẫn đụng chạm tới họ!
 
Chúng ta tin giới pháp của Phật và áp dụng tu hành là đã đụng chạm tới những sinh hoạt phi đạo đức, gây ra các tệ nạn xã hội làm khổ đau cho nhân loại! Cho nên, việc mình thực hiện niềm tin đối với Tam bảo thôi là mình đã đụng tới tất cả những người không có niềm tin đối với Tam bảo chân chính rồi.
 
Thế cho nên, người phật tử tại gia cần phải xây dựng niềm tin, sự kính trọng vào đoàn thể tăng bảo. Thầy của mình dù có tài giỏi, đạo đức cũng chỉ là một cành lá của cây tăng già.
 
Cây tăng đoàn luôn to lớn, bao bọc cành lá xum xuê nhờ gốc rễ lâu đời bởi sự bền chặt ăn sâu vào lòng đất. Chiếc lá có thể vàng úa và rụng rơi, cành nhánh có thể bị gãy đổ nhưng cây đại thọ kia thì luôn trụ vững theo thời gian. Chúng ta hay bỏ quên cây Bồ đề để nắm bắt cành nhánh lá là một thiệt thòi to lớn, lầm tưởng cành nhánh lá là chỗ nương tựa thì e rằng sẽ có ngày sụp đổ. Và đây cũng là điều mà hàng phật tử tại gia cần phải suy tư nghiệm xét nhiều hơn nữa, để thành tựu niềm kính tin tăng bảo cho đúng pháp.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây