Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng

Thứ hai - 19/01/2009 15:35
Trong mùa Vu lan, chúng ta thường cúng dường, bố thí để hồi hướng cho những người đã khuất được siêu độ và cầu an cho những người còn hiện hữu trên cuộc đời. Tôi nhắc nhở những người hiện hữu và các hương linh ở trong hư không lời Phật dạy rằng tâm thanh tịnh thì cảnh giới của mình liền trở nên thanh tịnh, bất luận là đang ở thiên đàng, Cực lạc, hay Ta bà. Nhưng ở thế giới Cực lạc của Phật Di Đà, hiện hữu toàn là Phật và Bồ tát, cùng Thánh chúng, tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh và thế giới đó được trang nghiêm bằng bảy báu.

Trong mùa Vu lan, chúng  ta thường cúng dường, bố thí để hồi hướng cho những người đã khuất được siêu độ và cầu an cho những người còn hiện hữu trên cuộc đời. Tôi nhắc nhở những người hiện hữu và các hương linh ở trong hư không lời Phật dạy rằng tâm thanh tịnh thì cảnh giới của mình liền trở nên thanh tịnh, bất luận là đang ở thiên đàng, Cực lạc, hay Ta bà. Nhưng ở thế giới Cực lạc của Phật Di Đà, hiện hữu toàn là Phật và Bồ tát, cùng Thánh chúng, tâm các Ngài hoàn toàn thanh tịnh và thế giới đó được trang nghiêm bằng bảy báu.

Vì vây, nương vào tâm thanh tịnh của các Ngài ở thế giới thanh tịnh, tâm chúng ta cũng dễ dàng thanh tịnh theo. Còn chúng sinh ở Ta bà trang bị tâm phiền não uế trược, không thanh tịnh, mới tạo thành thế giới có nhiều loại hình tốt xấu khác nhau; đó là sáu đường chúng sinh: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la, người và trời. Đồng thời ở thế giới chúng ta cũng có đủ tứ Thánh là Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Như Lai.

Tịnh độ Phật hiện ra ở nơi Như Lai hiện hữu. Bồ tát dấn thân hành đạo ở đâu thì sen lòng của chúng ta được tỏa hương ở đó. Thánh Tăng, Thanh văn, Bích Chi Phật có mặt thì liền có cảnh giới Niết bàn. Vì thế, ở Ta bà có đủ Tịnh độ của Phật, Bồ tát, Niết bàn của Nhị thừa và phước báo của chư Thiên, loài người. Nhưng vì chúng sinh tạo tác vô số phiền não, nghiệp chướng, trần lao từ nhiều đời, ôm lòng uất hận quá sâu nặng; nên phải luôn ở trong địa ngục, nghĩa là phải sống trong hoàn cảnh mà họ không bao giờ bằng lòng, mà chỉ  bực tức, oán hận, khổ đau. Cuộc sống tràn đầy khổ đau được gọi là cảnh địa ngục trần gian. Và cuộc sống thực tế khổ đau như vậy sẽ là tác nhân khiến cho họ sau khi chêt, vẫn mang tâm hồn dày vò khổ sở với niềm uất hận ấy. Họ lại rơi vào cảnh giới địa ngục vô hình của tâm.

Cảnh địa ngục hữu hình ở thế gian dễ nhận biết và dễ được cứu thoát; còn địa ngục nội tâm thì chỉ có người khổ đau cảm nhận mà thôi và họ cũng khó thoát ra. Những người chết mà không giải bày được và không hóa giải được nỗi khổ niềm đau, họ sẽ rơi vào địa ngục vô hình. Nếu may mắn có người thân biết tu hành, cúng dường, làm việc phước thiện để hồi hướng cho họ; hoặc nhờ Thánh Tăng giải oan khiên, họ sẽ không còn cảm thấy khổ đau, oán hận và cũng được an vui, hạnh phúc ở cõi Trời.

Điều này thể hiện rõ nét qua cuộc đời thân mẫu của Mục Kiền Liên. Lúc còn sống, tuy được giàu sang, nhưng bà không bao giờ sung sướng, an vui, vì những người thân cận không làm bà vui lòng. Vì vậy, khi qua đời, bà sinh vào loài ngạ quỷ, khổ sở vô cùng. Khi Mục Kiền Liên chứng sáu phép thần thông, trong thiền định ngài thấy được nỗi khổ của thân mẫu; nhưng không thể cứu bà thoát khỏi cảnh ngạ quỷ. Nhờ Đức Phật chỉ dạy, Mục Kiền Liên lập đàn siêu độ, thỉnh chư Tăng chú nguyện, mới giải trừ được ác nghiệp cho ba; bà liền được lên cõi Trời Đao Lợi. Đó là cảnh giới chư Thiên có phước lạc lớn nhất mà loài người không có; tất cả chúng sinh và mọi thứ hiện hữu ở cảnh giới này do phước báo, do tâm an vui mà hình thành.

Nếu chúng ta nhắc nhở tất cả hoạnh tử cô hồn, những người đã chết trong đau khổ nhớ đến nửa bài kệ của kinh Hoa Nghiêm, sẽ tác động cho họ cảm nhận sự an vui, thì họ cũng được sinh về cõi Trời.

Nhược nhơn dục liễu tri

Tam thế nhứt thiết Phật

Ưng quán Pháp giới tánh

Nhứt thiết duy tâm tạo.

Nghĩa là tất cả cảnh giới đều do tâm tạo ra; tạo thiên đường hay địa ngục cũng do tâm chúng ta. Nếu gặp bậc chân tu đức hạnh, Thánh Tăng đáng kính, hay người mà chúng ta quý mến, tâm được an vui, nghĩ đến việc tốt; trong phút giây đó, chúng ta đang ở thiên đường. Điển hình là các Tỳ kheo sống cạnh Phật, dù cuộc sống đạm bạc; nhưng họ cảm thấy đầy đủ, an lạc, thanh tịnh, tức họ đang sống ơ Niết bàn.

Nhưng chúng ta đang an vui vụt nhớ đến phiền muộn quá khứ; đó là túc nghiệp quá khứ hiện ra trong lòng chúng ta. Hoặc bất chợt thấy người mà ta không thích, lòng ganh tỵ, bực tức, đau khổ liền bộc phát, tâm an vui bị xóa mất, cảnh địa ngục, A tu la liền hiện ra. Đức Phật dạy rằng khi tâm chúng ta an vui, ví như mặt trời trí tuệ mọc thì bóng tối khổ đau biến mất. Nhưng túc nghiệp hiện ra, giống như màn đêm phủ xuống, mây mờ che khuất anh trăng, ánh sáng an vui không còn nữa. Linh hồn trong sáng tạo cảnh giới thiên đường, Niết bàn, Tịnh độ; linh hồn nhơ bẩn, tham sân si tạo ra cảnh địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a tu la.

Theo lý giải của Trí Giả đại sư, tâm thức chúng ta thay đổi đến ba ngàn lần trong một niệm tâm. Ý thức được trạng thái chuyển đổi của tâm linh hoạt như vậy, chúng ta cố gắng giữ tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Vì giữ gìn miên mật ba niệm này, chúng ta sẽ thăng hoa từ người tiến lên quả vị Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát, Phật; không bị trở xuống ba đường ác. Vì thế, niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng rất quan trọng trên bước đường tu của chúng ta, không phải như nhiều người lầm tưởng răng ba niệm này chỉ dành cho người sơ cơ.

Niệm Phật là nghĩ đến bậc thánh thiện, toàn giác. Nghĩ đến hảo tướng bên ngoài của Phật, nghĩ đến lời nói, suy tư, việc làm và sinh hoạt nội tâm của Đức Phật thật là hoàn hảo, chúng ta cảm nhận được sự an lạc vô cùng. Người niệm Phật ở nơi vắng vẻ, hay ở chùa, ở nhà, lúc đi kinh hành, hoặc ngồi yên, cảnh giới trang nghiêm, thanh tịnh, giải thoát tự hiện trong tâm; không phải cảnh bên ngoài.

Nhưng nếu nương theo cảnh bên ngoài thanh tịnh, sẽ tác động tâm chúng ta thanh tịnh theo dễ hơn. Vì thế, chúng ta đến chùa lễ Phật, nghe pháp, tâm dễ thanh tịnh. Trái lại, đến chùa gặp người không bằng lòng, thấy việc không thích, tâm bực tưc nổi lên. Lúc đó, miệng niệm Phật nhưng tâm niệm địa ngục, a tu la, ngạ quỷ. Tâm đã ở trong ba đường ác, thì tướng ác cũng xuất hiện theo. Đó là điều cấm kỵ mà các Phật tử không nên phạm.

Niệm Phật, thấy Phật xuất hiện, thì Phật đang ở trước mắt, ở trong tâm và ta dõi theo từng bước chân đi của Phật, từng việc làm của Phật. Tướng hảo và tâm thanh tịnh của Phật in vào tâm ta, ảnh hưởng cho tâm ta thanh tịnh theo và từng bước chúng ta cũng được hảo tướng.

Ngài Trí Giả dạy rằng người sám hối, lạy Phật, niệm Phật đúng nghĩa, luôn thấy Phật, không thấy ma, là bước thứ nhất phải như vậy. Bước thứ hai, tâm được an vui và hảo tướng hiện lần theo dấu chân Phật. Thấy Phật thông minh siêu tuyệt và tâm hiền lành dễ thương, chúng ta cũng sáng suốt và hiền theo. Riêng tôi, quan sát cuộc đời Đức Phật, thấy Ngài lúc còn bé, mới 7 tuổi đã thông suốt tất cả ngôn ngữ Ấn Độ, thấy Ngài thành tưu mọi việc khó làm. Tâm tôi tập trung vào Phật và tập hiểu, tập làm theo Phật; nên tôi học đốt giai đoạn. Niệm Phật, chúng ta được an vui và trí sáng ra là ý nghĩa nương Phật để phấn đấu cho bản thân ta thăng hoa, đó là thưc hiện Bồ tát hạnh. Thấy Phật không nói sai, không làm sai; chúng ta nỗ lực nói và làm giống như vậy; nhờ đó, cuộc sống chúng ta cũng được tốt đẹp lần.

Bên cạnh niệm Phật, chúng ta niệm pháp. Pháp có pháp phương tiện và pháp chân thật. Đối với pháp chân thật, ba đời chư Phật đều có giống nhau; còn pháp phương tiện thì mỗi Đức Phật triển khai pháp phương tiện khác nhau để đạt đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng giác và để giáo hóa chúng sinh.

Riêng chúng ta, bước theo dấu chân Phật, đối với pháp chân thật, tức chân lý phổ biến muôn đời không thay đổi, chúng ta chưa đạt được. Chúng ta cần nương theo pháp phương tiện của Phật để tiến tu và pháp phương tiện thì nhiều vô số, được biểu thị bằng 84.000 pháp tu. Vì vậy, đừng chấp lầm phương tiện là cứu cánh. Phương tiện cần thay đổi cho thích hợp với từng lúc, từng nơi, từng hoàn cảnh khác nhau. Vì vậy, phải có trí tuệ mới thấy được pháp tương ưng với mình; chưa có trí tuệ, phải nương vào các bậc có trí tuệ chỉ dạy chúng ta thực hiện pháp thích hợp để phát huy được tâm hồn trong sáng và nuôi lớn được giới thân huệ mạng của mình.

Niệm Tăng hay quy y Tăng không có nghĩa giới hạn là quy y với một vị thầy nào. Tăng là tập thể hòa hợp. Nhận thức sâu sắc ý nghĩa này, cuộc đời tu hành của tôi trải qua 60 năm được như ngày nay là nhờ tôi luôn gắn bó với tập thể Tăng, từ sinh hoạt trong Giao hội Tăng già Nam Việt, đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và ngày nay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Một số người sinh hoạt chung, không bằng lòng ý kiến của tập thể Tăng, rồi buồn giận, bỏ cuộc; như vậy là tự làm hại mình.

Đức Phật là bậc giác ngộ, sáng suốt hoàn toàn, nên những gì Ngài đưa ra đều được chấp nhận. Còn chúng ta đương nhiên có nhiều hạn chế ở nhiều phương diện; vì vậy, sinh hoạt trong Giáo hội, chúng ta được quyền đưa ý kiến, nếu được tập thể chấp nhận thì tốt; còn không được chấp nhận, ta không tự ái và những ý kiến của người khác được chấp nhận, ta nên trân trọng.

Cần phải sống với Tăng đoàn, vì một mình dù tài giỏi đến đâu cũng không thể làm được. Còn tự ái, bất mãn mà từ bỏ Tăng đoàn, phải biết còn tham sân, phiền não, phải bị đọa. Luôn niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng để được Phật hộ niệm và nhắc nhở chúng ta luôn sống với chân lý hằng hữu, sống với pháp phương tiện trên cuộc đời này và hòa hợp với sinh hoạt tập thể Tăng chúng. Được như vậy, thân tâm chúng ta chắc chắn thanh tịnh, giải thoát và đó chính là chiếc cầu nối mà chúng ta giúp cho những người đã khuất liên hệ được với Phật, Bồ tát để họ rời bỏ cảnh giới xấu ác, đi vào cảnh giới tốt đẹp.

Trong mùa Vu lan, chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả hương linh được giải trừ oan khiên, được sinh về thế giới an vui và tất cả Tăng Ni, Phật tử hiện tiền cũng nương nhờ Tam bảo lực, được an lạc, sáng suốt, làm nhiều việc lợi ích cho cuộc đời.

Tác giả bài viết: HT Trí Quảng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây