Tu hành chớ nên bắt chước vì ta là chính ta

Thứ bảy - 27/05/2017 10:09
Tôi thường nghe có người nói mình tu là để thành Phật. Cho nên, Phật làm gì thì mình làm cái đó! Phật nói vô thường, mình tu vô thường, quán chiếu tất cả các pháp đều như huyễn, như mộng. Phật dạy vô ngã, mình về nhà, ra chợ ai nói gì mình tỉnh bơ, coi như không có vì mình có “ngã” đâu mà giận, mà hờn!
Tu hành chớ nên bắt chước vì ta là chính ta
Nghe Phật dạy thấy hay, đem về nhà thực hành. Nhưng được vài ngày, sao mình bỗng cảm thấy các pháp này tu không phải dễ! Nếu coi tất cả các pháp đều là mộng huyễn rủi lở mình “quên” đang tu pháp vô thường mà thấy cái gì cũng bền tốt. Cái gì bỏ đi thì đều tiếc thương, quyến luyến từ vợ con, bạn bè, ăn uống, quần áo, nhà cửa, vật chất, tiền của v.v… Lại thấy cuộc đời này sao đáng sống quá! Thế mới chết, tu pháp vô thường, mà còn dính mắc, là khổ cả đời! Chứ đừng nói gì đến chuyện giải thoát. Như vậy, con đường tu tập của mình đang đi vào hướng ma đạo chớ đâu phải là Phật đạo!

Tu hành không giống như là trò bắt chước, “cọp dê” (copier). Nên trong kinh Kalama (Nền Tảng Đức Tin), Phật đã dạy là đừng có tin lời Ngài vội, mà phải đem về thử nghiệm cho rành mạch, thấy có lợi, rồi sau mới tin. Như người thợ vàng, đào vàng từ đất lên phải đem nó ra sàng lọc, nung nấu thật kỷ mới tìm thấy vàng nguyên chất.

Thời đại này, chúng ta thường nghe các thầy tổ dạy là thời “ma cường, pháp nhược” nên nếu không khéo tu, có thể sẽ bị sai lạc. Không phải do “pháp nhược”, nên ma đạo hoành hành mà vì người học đạo thời nay dùng Phật pháp để hý luận, tranh cãi nhiều hơn là đem giáo pháp về ứng dụng, thực hành cho chính bản thân mình.

Ngoài ra, pháp môn thì quá nhiều mà phần nhiều dẫn vào chỗ tà kiến, mê tín, nên tu hoài mà không thấy chứng! Nghe vậy nên có người than: “Thời Phật tại thế sao nhiều người giác ngộ. Còn hiện thời sao không thấy kẻ chứng quả vô sanh!” Thay vì than thở, sao không tự hỏi mình có bỏ công sàng lọc, tu luyện thân tâm? Hay là còn chờ đợi xem có pháp môn nào tu nhanh, tốc chứng? Nên có nhiều người nghe ai có pháp môn đốn ngộ, mau chứng thánh quả thì bỏ nhà, bỏ cửa tìm đến nhập môn. Nhưng đáng tiếc thay! Phần nhiều là dối gạt.

Vậy giờ biết nương gá vào ai mà tu thành chánh quả? Như người nào trước khi muốn mua chiếc áo đẹp để mặc, mình phải biết kích cỡ của con người mình. Bằng không, thì chiếc áo hay chiếc quần mua về mặc sao vừa vặn! Như Phật dạy: Mình phải sàng lọc giáo pháp, bỏ công tìm hiểu. Điểm chính là mình phải hiểu rõ – Mình không phải là Phật, và Phật không phải là mình.

Như trong câu chuyện của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ: Một hôm, Ngài vào cung thăm em là hoàng thái hậu Nguyên thánh Thiên cảm, bà mở tiệc thịnh soạn tiếp đãi. Để thử công phu của Ngài, Thái hậu dọn chung chay và mặn lẫn lộn. Dự tiệc, Ngài gặp thứ gì thì ăn thứ nấy. Thái hậu lấy làm lạ hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá, sao thành Phật được?”

Thượng Sĩ cười đáp: “Phật là Phật, anh là anh. Anh chẳng cần làm Phật, Phật chẳng cần làm anh. Thái hậu không nghe cổ đức nói: “Văn-thù là Văn-thù, Giải thoát là Giải thoát” đó sao?”

Sở dĩ mình còn lao đao, lận đận trên con đường tu là vì mình thường hướng tâm ra ngoài, tìm kiếm người tu pháp môn nào mà khiến họ mau giác ngộ. Khi tìm thấy “minh sư”, mình bèn lật đật, chạy theo xin nhập đạo.  Nhưng sau một thời gian theo đuổi, thấy họ tu mau tiến mà mình cứ dậm chân tại chỗ.  Mình bèn thối lui, than thở: “Mình thiệt là phước mỏng, nghiệp dày!”

Ngài Thượng Sĩ cho ta thấy điều đó không đúng! Ta là ta, mà người là người – Mỗi người mỗi vẻ. Có khi pháp tu này không thích hợp với ta, nhưng lại giúp nhiều người tu thành tựu. Rõ ràng là không phải ở pháp môn tu mà là ở chính con người của mình.

Cho nên, trở lại lời Phật dạy trong kinh Kalama: Không phải mình bỏ thời giờ sàng lọc pháp môn, mà chính là tìm hiểu chính mình, rồi mới chọn pháp môn thích hợp với con người mình!  Có như vậy thì việc tu tập mới mong có tiến bộ.

Vua Nhân Tông một hôm hỏi về tông chỉ thiền phái của Tuệ Trung. Ý của Nhân Tông là muốn tìm hiểu bí quyết giác ngộ mà Tuệ Trung đã được thiền sư Tiêu Diêu trao truyền, Tuệ Trung nói: “Hãy quay về tự thân mà tìm lấy tông chỉ ấy, không thể đạt được từ ai khác”. 

Nhìn lại lịch sử cuộc đời đức Phật và cuộc đời mình, chúng ta thấy mình và Phật thật là khác nhau xa. Phật là thái tử, là người có thế lực, địa vị giàu sang. Sống trong một xã hội còn thô sơ, đầy bất công, và thành kiến.

Tôn giáo đầy tín ngưỡng thần quyền, mê tín, và nhiều lợi dưỡng cá nhân do các đạo sĩ tự chuyên quyền sáng tạo ra. Rõ ràng, từ thời gian đến địa vị, từ nơi sinh trưởng đến sinh hoạt xã hội, đời sống chúng ta hoàn toàn không giống Phật. Nên chi chúng ta không thể nào cầu thành Phật như Phật được. Chúng ta chỉ có thể cầu thành Phật như là con người của chính mình.

Chúng ta cũng thấy cách này được Hermann Hesse diễn đạt trong tác phẩm Siddhartha (Câu chuyện Dòng Sông) của ông. Trong đó có hai người bạn, Siddhartha (Tất Đạt) và Govinda (Thiện Hữu). Họ gia nhập vào nhóm của các sa môn (samana), là những nhà sư sống lang thang trong rừng với các cách sống khổ hạnh để cố gắng chinh phục bản thân bằng tự kỷ luật đầu óc.

Sau ba năm sống kham khổ như vậy, hai người bạn trẻ nghe nói về Phật (Cồ Đàm) bèn từ bỏ lối sống khổ hạnh, muốn đến tham cầu học đạo. Govinda thấy giáo pháp của Phật thật cao siêu và thích hợp với ý mình nên tham gia vào tăng đoàn của Phật. Nhưng Siddhartha tin rằng chỉ có kinh nghiệm bản thân chứ không có lời dạy bên ngoài nào có thể dẫn đến sự khai sáng và giác ngộ thật sự.

Vào thời điểm này, Siddhartha quyết định “tự đi tìm chính mình” nên trở về lại thế giới trần tục. Điều này minh họa một trong những chủ đề quan trọng của cuốn sách: kiến thức có thể được dạy, nhưng sự chứng ngộ đến từ kinh nghiệm, thực hành.

Siddharta cũng đã từng nói: “Tự mình chứng nghiệm mọi sự là một điều hay, chàng nghĩ. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã học rằng những lạc thú và của cải thế tục không hay ho gì. Tôi đã biết điều này từ rất lâu, nhưng tôi chỉ mới chứng nghiệm nó vừa rồi. Bây giờ tôi biết những điều ấy không phải chỉ bằng tri thức, mà bằng mắt tôi, bằng tim tôi và bằng bao tử tôi”. (Câu Chuyện Dòng Sông, Phùng Khánh)

Tu hành là một sự chuyển hóa nội tâm của bản thân, thay đổi cách nhìn, lối sống để đạt đến sự an lạc, tự tại, không phải chỉ là sự mong cầu thoát khỏi khổ đau, phiền não bên ngoài. Nếu không khéo sớm nhận thức, chúng ta có thể sẽ dễ dàng rơi vào con đường tà đạo. Học theo những pháp môn mê tín, lừa dối. “Phật cao nhất xích, ma cao nhất trượng” muốn ám chỉ cho chúng ta thấy ma hay Phật khó phân biệt.

Chỉ khi nào mình hiểu mình thật rõ, chúng ta mới thấy được con đường tu tập mình chọn giúp mình chuyển hóa ra sao? Tích cực hay tiêu cực? Dễ thương hay khó chịu hơn? Nhiều tha thứ, xả buông hay thường trách móc, giận hờn, hẹp hòi, ích kỷ? Ngay như có những người dở hơi thích những pháp môn lập dị, lạ kỳ. Nhưng những pháp môn này có thể khiến họ lột xác, trở thành một con người mới, đầy từ bi, thương yêu, và biết hỷ xả. Đó mới là chánh đạo, bằng không chỉ là những mê tín, dối đời. Bất kể pháp môn đó là gì.
 

Thiện Ý

 Từ khóa: tất cả, như không, làm cái

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây