Tôi thắc mắc và tự hỏi tại sao Phật tử Việt Nam không được đắp Man y khi thọ Thập thiện? Nếu đắp Man y thì có phạm tội gì không? Mong quý Báo giúp tôi hiểu rõ hơn về việc này. (BẢO DANH, danh_0208@yahoo.com)
Đáp: Bạn Bảo Danh thân mến!
Man y, Phạn ngữ Patta, Hán dịch Man điều y, Lễ sám y là pháp y không có điền tướng (các ô hình dáng mảnh ruộng) dành cho Sa di, các Phật tử tại gia thọ trì 5 giới hay Bồ tát giới (Từ điển Phật học Huệ Quang, tr.2649).
Man y (Mạn y) còn được gọi Vô tướng y, Vô điền tướng cà-sa tức là loại cà-sa không có tướng các miếng vải hình thửa ruộng hợp thành. Chư vị cư sĩ Đài Loan thuộc các đạo tràng của Phật Quang Sơn, Vạn Phật Thánh Thành… được mặc Man y trong các khóa tu, giới đàn thọ Thập thiện, Bồ tát giới. Man y có ý nghĩa biểu trưng là áo "giới" nên trong các khóa tu, đàn giới chư vị cư sĩ khoác lên mình có tác dụng trợ duyên cho việc tu tập rất tích cực.
Ở Việt Nam, hàng Phật tử không có truyền thống đắp Man y mà mặc áo tràng (lam, nâu) nhưng vẫn mang đầy đủ ý nghĩa Lễ sám y, là áo "giới" vậy, chỉ mặc trong các thời khóa tu học, lễ bái, tụng kinh, cúng dường…
TT.Thích Hạnh Trí, Phó Thư ký Ban Nghi lễ T.Ư GHPGVN, khi bàn về pháp phục, viết: "Thực tế là sắc phục còn khá tùy tiện, trang phục không phù hợp, kiểu thức không thống nhất trong khi hành lễ làm mất tính trang nghiêm.
Màu sắc của pháp phục phải được xem xét dựa trên bản sắc văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam, không nên theo sở thích, sự ảnh hưởng ngoại lai, hay sự tự biện của một số người như một số vị tu sĩ mặc y phục theo kiểu của Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản. Một số chùa hiện nay đang cho cư sĩ Phật tử đắp Mạn y hành lễ cùng chư Tăng, đó là học theo cung cách của một số chùa người Hoa…" (Vài suy nghĩ về vấn đề Nghi lễ Phật giáo trong thời đại ngày nay).
Trong ý nghĩa đó, nếu các Phật tử Việt Nam đắp Man y thì không phạm lỗi. Tuy nhiên, hàng cư sĩ Phật tử Việt nam đã có chiếc áo tràng truyền thống rồi nên thiết nghĩ việc đắp Man y cần được chuẩn hóa và cho phép của Giáo hội, không nên tùy tiện, phá cách nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc đặc thù của PGVN.
Ý kiến bạn đọc
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự