“Một thời Đức Thế Tôn du hóa tại nước Xá-vệ, ở trong Thắng lâm, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng: Nếu có Tỳ-kheo thành tựu bảy pháp tất được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận. Bảy pháp đó là gì? Đó là:
1-Biết pháp,
2-Biết nghĩa,
3-Biết thời,
4-Biết tiết độ,
5-Biết mình,
6-Biết chúng hội và 7-Biết sự hơn kém của người...
7- Thế nào là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người? Đó là Tỳ-kheo biết có hai hạng người: có tín và có bất tín, người có tín là hơn, người bất tín là kém. Người có tín lại có hai hạng: Thường đến gặp Tỳ-kheo và không thường đến gặp Tỳ-kheo. Người đến gặp thấy Tỳ-kheo là hơn, người không thường đến gặp Tỳ-kheo là kém. Người thường đến gặp Tỳ-kheo lại có hai hạng: có lễ kính và không lễ kính. Người có lễ kính là hơn; người không lễ kính là kém. Người có lễ kính lại có hai hạng: có hỏi kinh và không hỏi kinh. Người có hỏi kinh là hơn, người không hỏi kinh là kém. Người có hỏi kinh lại có hai hạng: nhất tâm nghe kinh và không nhất tâm nghe kinh. Người nhất tâm nghe kinh là hơn, người không nhất tâm nghe kinh là kém. Người nhất tâm nghe kinh có hai hạng: nghe rồi thọ trì pháp và nghe rồi không thọ trì pháp. Người nghe rồi thọ trì pháp là hơn, người nghe rồi không thọ trì pháp là kém. Người nghe rồi thọ trì pháp lại có hai hạng: nghe pháp có quán sát nghĩa và nghe pháp không quán sát nghĩa. Người nghe pháp có quán sát nghĩa là hơn, người nghe pháp không quán sát nghĩa là kém. Hạng nghe pháp quán sát nghĩa lại có hai: biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp; và hạng không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp và thực hành đúng như pháp. Người biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành đúng như pháp là hơn; người không biết pháp, không biết nghĩa, không hướng về pháp và thứ pháp, không tùy thuận pháp, không thực hành đúng như pháp là thấp kém. Hạng biết pháp, biết nghĩa, hướng về pháp và thứ pháp, tùy thuận pháp, thực hành như pháp lại có hai hạng: Tự làm ích lợi cho mình và cũng làm ích lợi cho người khác, làm ích lợi cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người; và hạng không tự làm lợi ích cho mình và cũng không làm lợi ích cho người, không xót thương thế gian không cầu nghĩa và lợi, an ổn khoái lạc cho trời và người. Nếu người nào tự làm lợi ích, cũng làm lợi ích cho người, làm lợi ích cho mọi người, xót thương thế gian, cầu nghĩa và lợi, an ổn và khoái lạc cho trời người. Người ấy là bậc nhất là lớn, là trên, là tối cao, là hơn hết, là tôn quý, là tuyệt diệu giữa mọi người khác... Ấy là Tỳ-kheo biết sự hơn kém của người.
Phật thuyết như vậy. Các vị Tỳ-kheo sau khi nghe những điều Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
(Kinh Trung A-hàm, phẩm Bảy pháp, kinh Thiện pháp, số 1 [trích])
Biết rõ sự hơn kém của người trong pháp thoại này chính là thấy rõ căn cơ của chúng sinh, biết tường tận sự hơn kém về đức hạnh, nỗ lực tu tập của mỗi người. Bắt đầu từ hạng người có lòng tin Tam bảo, sau đó thân cận chư Tăng, có lòng cung kính, học tập và thọ trì kinh pháp, quán sát nghĩa lý, ứng dụng tu hành, tự lợi và lợi tha.
Chúng sinh nhiều bệnh, nên Đức Phật cũng tùy bệnh mà cho thuốc. Đức Phật đã giáo hóa thành công nhờ biết rõ sự hơn kém của người. Cũng vậy, vị Tỳ-kheo khi hành đạo cần thấy rõ căn cơ của chúng sinh để có cách giáo hóa người phù hợp, lợi mình và lợi người, được hoan hỷ an lạc trong pháp Hiền thánh, thẳng tiến đến lậu tận.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự