Chăn nuôi có tạo ác nghiệp?

Thứ năm - 18/11/2021 02:32
Nếu bạn chỉ nuôi mà không giết thì không có gì phải ăn năn, day dứt vì không tạo ác nghiệp.
Chăn nuôi có tạo ác nghiệp?

Tôi là Phật tử, trước đây tôi có chăn nuôi gia súc, gia cầm để có thêm thu nhập, trang trải chuyện gia đình. Bây giờ kinh tế gia đình khá lên, tôi không còn chăn nuôi nữa. Hiện tôi có thời gian đi chùa, nghe giảng, đọc kinh sách mới biết mình trước đây vì chăn nuôi đã tạo tội lỗi quá nhiều. Xin quý Báo cho biết tôi có thể làm gì chuyển hóa phần nào tội lỗi trong quá khứ?

(CHÁNH THÂN, moonlight…@gmail.com)

Bạn Chánh Thân thân mến!

Với người nông dân thì trồng trọt và chăn nuôi là công việc chính yếu, nghề nông trên thế giới có truyền thống lâu đời và được nhân loại xác định là lương thiện. Vậy thì, người nông dân Phật tử nuôi trồng là công việc mưu sinh chính đáng, không hề tạo ác nghiệp. Điều cần phân định ở đây là chăn nuôi và sát hại vật nuôi là hai việc tạo nghiệp rất khác nhau.

Thời Đức Phật tại thế, Ngài cũng thường thuyết pháp hóa độ cho phần lớn dân chúng Ấn Độ là nông dân trở thành Phật tử, trong đó không ít người chuyên chăn thả gia súc. Đức Phật chỉ khuyến cáo tôn trọng sinh mạng, không sát sinh hại vật và không cấm Phật tử chăn nuôi. Ngay trong giới không sát sinh, trọng tâm của giới này là không được giết người, còn với loài vật là “cố tránh xa” việc sát hại. Nếu phạm giết người thì không thể sám hối và bị đọa ác đạo, còn vì sơ ý hay hoàn cảnh mà làm tổn hại sinh vật thì có thể chí thành sám hối.

Nói về tạo nghiệp thì trồng trọt hay chăn nuôi hoặc làm bất cứ nghề gì trên đời cũng đều có nghiệp; không biệt nghiệp thì cộng nghiệp. Ngay cả những nghề cao quý được tôn xưng là thầy như thầy giáo, thầy thuốc v.v… nếu sơ suất vẫn tạo nghiệp nặng nề. Riêng về chăn nuôi, nếu chỉ nuôi (để bán, cày kéo, giữ nhà…) mà không giết thịt thì người nuôi không phạm giới sát sinh, không tạo nghiệp ác giết hại. Đã không tạo nghiệp sát thì không thể gọi công việc chăn nuôi là tội lỗi. Trong trường hợp này người chăn nuôi chỉ có dự phần vào cộng nghiệp giết hại, mà cộng nghiệp giết hại thì trồng trọt hay bất cứ nghề gì cũng có liên đới xa gần.

Riêng trong trường hợp bạn nuôi gia súc, gia cầm rồi giết thịt làm thực phẩm thì chính hành vi trực tiếp giết hại này đã tạo ra nghiệp sát sinh. Tùy vào tâm thái, mức độ, cách thức giết hại các vật nuôi mà tạo ra nghiệp sát nặng hay nhẹ khác nhau. Như trên đã nói, trừ tội giết người hay giết vật hàng loạt như nghề đồ tể, tạo ra ác nghiệp nặng nề, còn lại các hành vi làm tổn hại sinh vật khác thì đều có thể sám hối.

Để chuyển hóa ác nghiệp giết hại, bạn cần thực hành sám hối. Trước, bạn phải thấy hành vi giết hại vật nuôi là tạo nghiệp sát, là tội lỗi, phải dừng ngay hành vi xấu ác này. Trong những ngày không ăn chay thì bạn mua các thực phẩm làm sẵn, nguyện không làm tổn hại đến tất cả chúng sinh. Tiếp theo là chí thành sám hối tội lỗi và cầu mong sự tha thứ, thiền quán rải tâm từ, nuôi lớn yêu thương với mọi loài. Kế nữa là thực hành phóng sinh đúng cách, phát tâm kiến tạo và bảo vệ môi trường sống cho muôn loài trong khả năng có thể.

Nếu bạn chỉ nuôi mà không giết thì không có gì phải ăn năn, day dứt vì không tạo ác nghiệp. Còn nếu bạn đã lỡ tạo nghiệp giết hại các vật nuôi thì có thể khắc phục và chuyển hóa tội lỗi theo hướng dẫn ở trên. Điều quan trọng là kiên trì, bền bỉ và tinh tấn sám hối cũng như thực hành các thiện pháp. Khi thân tâm của bạn được nhẹ nhàng, thảnh thơi, yêu thương mọi loài vô điều kiện, đó là những dấu hiệu để nhận biết nghiệp sát đã được chuyển hóa.

Chúc bạn tinh tấn!

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây