Có những nơi người tu nên ở lại và nên bỏ đi

Chủ nhật - 23/10/2022 23:03
Có trú xứ tu không tiến nhưng đời sống lại tiện nghi, mọi thứ đều thuận lợi, ngoại hộ luôn sung mãn, Đức Phật cũng dạy buông bỏ, đừng luyến tiếc.
Có những nơi người tu nên ở lại và nên bỏ đi
"Một thời Đức Phật du hóa tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

- Tỳ-kheo nương vào một khu rừng để ở. Vị ấy nghĩ rằng: ‘Ta nương vào khu rừng này để ở. Hoặc không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn. Điều người học đạo cần như áo chăn, uống ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn’.

- Rồi Tỳ-kheo ấy nương vào khu rừng này để ở. Sau khi nương vào khu rừng này để ở, nếu không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa được định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn.

Những điều người học đạo cần như áo chăn, uống ăn, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống, tìm cầu tất cả một cách dễ dàng, không khó khăn, vị Tỳ-kheo ấy nên quán như vầy, ‘Ta xuất gia học đạo không phải vì áo chăn, không phải vì ăn uống, giường chõng, thuốc thang, cũng không phải vì các vật dụng cho đời sống.

Nhưng ta nương vào khu rừng này để ở, hoặc không có chánh niệm vẫn không được chánh niệm, tâm chưa định vẫn không được định, chưa giải thoát vẫn không được giải thoát, các lậu chưa hết vẫn không đoạn hết, chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng vẫn chưa chứng đắc Niết-bàn.

Nhưng những điều người học đạo cần như áo chăn, ăn uống, giường chõng, thuốc thang, các vật dụng cho đời sống tìm cầu tất cả một cách dễ dàng không khó khăn’.

- Tỳ-kheo ấy đã quán như vậy rồi, phải từ bỏ khu rừng này để đi nơi khác…”.

(Kinh Trung A-hàm, phẩm Lâm, kinh Lâm, số 107 [trích])

Pháp thoại này chúng ta từng gặp ở kinh Khu rừng (Kinh Trung bộ). Bản kinh đề cập đến bốn trường hợp liên quan đến đời sống (thực phẩm, y phục, chỗ ở, thuốc thang) và tiến bộ tâm linh trong tu học. Khu rừng nào, đời sống quá khó khăn, tu tập lại không tiến bộ, người tu cần từ bỏ ngay lập tức.

Khu rừng nào, đời sống khá thuận lợi, tu tập không tiến bộ, người tu cũng cần mạnh dạn từ bỏ. Khu rừng nào, đời sống khó khăn, tu tập có tiến bộ, người tu cần can đảm ở lại. Khu rừng nào, đời sống thuận lợi, tu tập có tiến bộ, người tu hãy ở lại trọn đời.

Thật rõ ràng, người tu cần chọn những nơi cả thân và tâm đều lợi ích, đời sống thuận lợi và nội tâm thì chuyển hóa được phiền não. Ngay cả khi về mặt đời sống có đôi chút khó khăn mà tu tập có tiến bộ thì hãy bám trụ nơi này. Cụ thể như tu ở chốn núi rừng hiu quạnh thì tứ vật dụng khó mà đủ đầy nhưng nếu có thầy sáng và bạn tốt, có pháp để tu tiến thì quyết không bỏ.

Còn hai trường hợp khác “xôi hỏng, bỏng không” thì phải nhanh chóng rời đi. Trong đây có trú xứ tu không tiến nhưng đời sống lại tiện nghi, mọi thứ đều thuận lợi, ngoại hộ luôn sung mãn, Đức Phật cũng dạy buông bỏ, đừng luyến tiếc. Trong thực tế, xu hướng này đang là nơi tìm về của một bộ phận người tu, nhất là những người xuất gia trẻ.

Người tu học hạnh du hành nên thường thay đổi chỗ tu học và hoằng pháp. Hướng đến trú xứ nào, để tìm kiếm điều gì thì pháp thoại này Đức Phật đã chỉ rõ.

Nơi ấy phải giúp ích cho sự tiến tu: “Không có chánh niệm sẽ được chánh niệm; tâm chưa định sẽ được định; nếu chưa giải thoát sẽ được giải thoát, các lậu chưa diệt tận sẽ được diệt tận; chưa chứng đắc Niết-bàn an ổn vô thượng thì sẽ chứng đắc Niết-bàn”.

Theo Nguoiphattu.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây