Rộng tu công đức hồi hướng vãng sinh

Thứ sáu - 07/10/2022 15:40
Tất cả công đức hồi hướng, bất luận công đức thuộc loại hữu lậu hay vô lậu, đều trở thành tư lương vãng sanh, ứng hợp với đại nguyện thứ 20 của đức Phật A Di Đà. Chắc chắn về sau sẽ được toại nguyện không sai...
Rộng tu công đức hồi hướng vãng sinh

Trong kinh Quán Vô lượng thọ chép: “Phật bảo ngài A Nan và bà Vi đề Hy rằng nếu có chúng sanh nào nguyện cầu sanh về Tây phương Tịnh độ, nên phát khởi 3 tâm thì liền đặng vãng sanh. Ba tâm ấy là:

1. Chí thành tâm

2. Thâm tâm

3. Hồi hướng phát nguyện tâm.

Có đủ ba tâm ấy, quyết được vãng sanh về cõi nước kia.”

Danh từ “thâm tâm” trong kinh, chỉ cho cái tâm tu hành các công đức và thích làm các điều lành.

Danh từ “Hồi hướng phát nguyện tâm” chỉ cho cái tâm muốn đem các công đức đã tu hoặc đem các việc lành đã làm, hướng về quả Cực lạc để nguyện cầu vãng sanh.

Trong Phật pháp, việc hồi hướng công đức có một giá trị trọng yếu. Đại nguyện thứ 20 của Đức Phật A Di Đà đã có nói đến. Vậy xin sơ lược giải thích ý nghĩa của việc hồi hướng công đức như sau:

1) Đức và hiệu của Phật có công năng bất khả tư nghì.

2) Tâm thức thanh tịnh của chúng sanh có công năng bất khả tư nghì.

3) Tâm niệm của chúng sanh cũng có công năng bất khả tư nghì. Họp cả ba công năng bất khả tư nghì ấy tạo thành phương pháp Tịnh độ. Cho nên, pháp môn Tịnh độ cũng bất khả tư nghì.

Trên lý thì hành giả chỉ niệm hiệu Phật là đã đủ vãng sanh, nhưng trong thân tâm hành giả khi tu pháp môn Tịnh độ, ngoài sức niệm Phật ra, còn cần phải rộng tu các công đức, hồi hướng quả vãng sanh, là vì:

1) Cần cúng dường đức Phật A Di Đà để trang nghiêm Phật độ.

2) Cần làm các trợ duyên tăng thượng cho đạo quả.

3) Cần phát tâm Đại thừa học theo hạnh Bồ tát.

Vì các lẽ trên nên không những chỉ niệm hiệu Phật mà đã cho là đủ được. Bất cứ việc gì cũng không ly được nhơn quả; dù là pháp thế gian hay pháp xuất thế gian. Bất luận tâm niệm thiện hay ác hoặc hành động thiện hay ác đều có hậu quả về sau. Căn cứ vào lẽ ấy, ta có thể biết hành giả tu tập thiện pháp, trong tương lai quyết phải được phước báo. Giả sử điều thiện ấy thuộc loại nhơn hữu lậu nhơn thiên, thì trong tương lai sẽ hưởng phước báo nhơn thiên, chứ chưa phải cứu cánh an lạc, vì còn đọa lạc luân hồi. Giả sử điều thiện ấy thuộc loại nhơn vô lậu xuất thế gian thì trong tương lai sẽ sanh về Ngũ bất hoàn thiên (cảnh giới của 4 quả thánh: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán) hoặc mười phương Tịnh độ.

Nếu vì lý do không muốn thọ hưởng quả báo nhơn thiên vì sợ còn luân hồi đọa lạc mà hành giả tự nguyện hồi hướng tất cả công đức của mình hoặc công đức hữu lậu hoặc công đức vô lậu, làm trợ duyên tăng thượng để cầu vãng sanh Cực lạc của đức A Di Đà. Như thế thì bao nhiên nhơn gây phước báo nhơn thiên hữu lậu hoặc vô lậu trước kia sẽ không thành thục được mà địa điểm thành thục sẽ chỉ ở thế giới Cực lạc. Đã quy tụ được về một nơi rồi thì dù tịnh nghiệp chưa hoàn toàn nhưng phước quả vẫn thành tựu. Vì rằng hết thảy các pháp đều do tâm đạo. Tâm lực đã có công năng trồng nghiệp quả thì cũng có công năng chuyển nghiệp quả. Vì thế, khi hành giả hướng tất cả thiện nghiệp về quả Cực lạc, tâm niệm ấy không những có công năng điều hòa các chủng tử vô lậu đã huân tập trong đệ bát thức, nó lại còn khiến cho các chủng tử ấy biết chất thành chủng tử tịnh pháp hoàn toàn vô lậu, Chủng tử đã quyết định được rồi, như vậy địa điểm tương lai sẽ hưởng thọ quả báo cũng có thể biết trước một cách chắc chắn rồi vậy. Đây là giải thích theo học lý duy thức, một nền học lý rất thâm diệu trong Phật pháp.

Trong pháp môn Tịnh độ, hồi hướng chiếm một địa vị rất trọng yếu. Hành giả quyết phải thâm tín mới có hiệu lực.

Vạn nhất, nếu còn nhứt điểm hồ nghi ở trong lòng thì tâm lực sẽ mất công dụng, không làm sao chuyển biến được chủng tử trong bát thức. Nếu tâm hồn còn hồ nghi, pháp môn Tịnh độ sẽ không đem lại hiệu quả nào cho hành giả hết. Kinh dạy: “Còn nghi thì hoa không nở” là chỉ cho duyên cớ ấy.

Đức Phật A Di Đà biết rõ chủng tử có thể biến từ hữu lậu sang vô lậu, công đức có thể từ cõi này di dịch qua cõi khác, nên mới phát đại nguyện thứ 20. Trăm ngàn năm trở lại đây, các vị Đại đức cũng hiểu rõ lý đó, nên mới soạn ra các bài văn phát nguyện hồi hướng, cực lạc khuyên ta đem công đức tu hành hồi hướng về quả vãng sanh thế giới Cực lạc.

Hành giả bất luận làm công đức gì, dù chỉ giúp kẻ khó một đồng tiền hay chỉ cứu mạng sống cho một con kiến, sau khi làm xong, cũng phải quán tưởng đức Phật A Di Đà như đương đứng trước mặt mà chắp tay cung kính đọc bài kệ hồi hướng sau đây:

Nguyện đem công đức này
Trang nghiêm chốn Phật độ
Trên đền bốn ơn sâu
Dưới cứu ba đường khổ
Nếu có kẻ thấy nghe
Đồng phát tâm Bồ đề
Khi mãn báo thân này
Nước Cực lạc cùng về.

Sau khi đọc bài kệ ấy rồi, bao nhiêu công đức đã làm liền cảm ngay tâm lực của Phật ứng với tâm ta. Sức cảm ứng của hai bên tức là “tư lương” vãng sanh Cực lạc về sau này.

Tất cả công đức hồi hướng, bất luận công đức thuộc loại hữu lậu hay vô lậu, đều trở thành tư lương vãng sanh, ứng hợp với đại nguyện thứ 20 của đức Phật A Di Đà. Chắc chắn về sau sẽ được toại nguyện không sai

Trích trong Tâm Như - Trí Thủ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây