Công đức phóng sinh

Thứ ba - 11/02/2020 15:01
Phóng sinh là hành động đẹp, bởi nó thể hiện lòng yêu thương loài vật, yêu thiên nhiên, nói chung là hành động rất thánh thiện: Ban tặng sự sống.
Công đức phóng sinh
Thế nào là phóng sinh?
Phóng sinh tức là nhìn thấy các loại chúng sinh đang bị bắt nhốt, giam cầm, sắp sửa bị giết hại, kinh hoàng sợ hãi, mạng sống trong phút giây nguy ngập, liền phát lòng từ bi tìm cách cứu chuộc. Như vậy phóng sinh là hành vi giải thoát, phóng thích, cứu lấy mạng sống.
 
Luận Đại trí độ dạy rằng: “Trong tất cả các tội ác, tội sát sinh là nặng nhất. Trong tất cả các công đức, không giết hại là công đức lớn nhất”. Tại sao phải phóng sinh? Nói một cách đơn giản, phóng sinh tức là cứu chuộc mạng sống. Chúng ta đã tạo sát nghiệp nặng nề từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay. Kinh Hoa nghiêm dạy rằng: “Nếu ác nghiệp này có hình tướng thì cho đến cùng tận hư không cũng không dung chứa hết”. Ngay trong kiếp này chúng ta tạo nghiệp giết hại chúng sinh quả thật đã không thể tính đếm được, huống chi là đã tạo trong nhiều đời nhiều kiếp.
 
Kinh Dược Sư Lưu Ly bổn nguyện công đức dạy rằng: “Cứu thả các sinh mạng được tiêu trừ bệnh tật, thoát khỏi các tai nạn”. Người phóng sinh tu phước, cứu giúp muôn loài thoát khỏi khổ ách thì bản thân không gặp các tai nạn.
 
Phóng sinh đúng cách, nên làm gì?
- Không đặt nặng về hình thức.
Không ít lần chúng ta thấy được hình ảnh một số Phật tử mua chim, cá để phóng sinh. Nhưng họ không thả liền mà đem vô chùa chờ quý thầy làm lễ chú nguyện rồi mới thả. Có đôi khi quý thầy bận việc không làm lễ liền thì nhốt trong lồng, đợi đến khi làm lễ thì mới thả. Khi phóng sinh, thao tác phải nhanh nhẹn, rốt ráo. Nghi lễ ngắn gọn nhưng đủ sức tế độ, không nên nặng phần hình thức, tránh cho các sinh vật phải chịu kéo dài nỗi khổ sợ hãi, ngột ngạt, tù túng vì bị giam cầm. Bởi chúng có thể mất mạng trước khi được ta phóng thích.
 
- Không đặt nặng về số lượng.
Chúng ta phải biết rằng, phóng sinh xuất phát từ lòng từ bi, thương xót cho những con vật gặp nạn hoặc nhìn thấy một hay nhiều con vật sắp bị giết, mình ra tay cứu thoát, mua lại để cứu sống chúng. Công đức phóng sinh không phụ thuộc vào số lượng nhiều hay ít mà phụ thuộc vào tấm lòng từ bi của chúng ta. Nếu một người phóng sinh rất nhiều cá theo phong trào nhưng lại không mảy may thương xót cho những con vật đó thì việc phóng sinh cũng chẳng có ý nghĩa gì. Ngược lại, nếu một người có thể rủ lòng thương xót cho những con vật tội nghiệp phải đối mặt với khốn khổ hay cái chết gần kề, đó mới là tâm phóng sinh của những người con Phật.
 
- Không cần thiết xem ngày tháng phóng sinh.
Có nhiều người vì mê tín nên phải xem ngày tốt hoặc chờ đến những ngày lễ lớn mới phóng sinh để cho nhiều phước đức. Tuy nhiên đây là quan niệm sai lầm. Thực tế, có rất nhiều kẻ xấu nắm được tâm lý của các Phật tử rằng những ngày tốt, ngày đẹp mới đi phóng sinh, họ lợi dụng điều này để bắt những loài vật trước, nhốt chúng lại và chờ bán. Điều này gây biết bao đau thương cho các con vật. Phóng sinh xuất phát từ lòng từ bi, lòng thương xót phải luôn hiện hữu mọi lúc, mọi nơi. Chỉ cần thấy một hay nhiều con - không màng số lượng, bị nguy hại thì nhanh chóng cứu giúp, đó mới đúng là tâm từ bi.
 
- Tìm hiểu về môi trường sống của loài vật mà chúng ta định cứu giúp.
Mỗi loài vật sẽ có môi trường sống khác nhau nên ta phải tìm hiểu thật kỹ trước khi quyết định cứu giúp chúng. Không phải mua chim rồi thả tại chỗ là đúng. Đối với loài cá, tôm, rùa… cũng phải như vậy. Trước hết phải nghiên cứu tập quán sinh thái, nguồn gốc của chúng, rồi chọn thời điểm thích đáng để thả chúng ở những nơi an toàn thích hợp nhất. Nếu không khéo, chúng ta sẽ vô tình khiến cuộc sống mới của chúng khó khăn hơn và nhất là nguy hiểm đến tính mạng của chúng.
 
- Biết chọn địa điểm và thời điểm lý tưởng để phóng sinh.
Chúng ta có tâm từ bi nhưng không phải ai cũng vậy. Vì mưu cầu cuộc sống nên nhiều người lại nảy sinh lòng tham, bắt lại những con vật mà chúng ta đã phóng sinh để bán cho những người đến sau. Điều này khiến chúng ta vô tình tiếp tay cho kẻ xấu và tạo nên hình ảnh tiêu cực về việc phóng sinh. Người có tâm khi phóng sinh sẽ biết chọn địa điểm, không cần thiết phải theo đám đông. Có thể chọn phóng sinh ở nơi vắng vẻ, môi trường phù hợp với con vật mình định cứu giúp để tránh những ánh mắt dòm ngó của những người kiếm tiền từ việc bắt lại những con vật đáng thương ấy.
 
 
Kinh Chánh pháp niệm có dạy: “Tạo một ngôi chùa chẳng bằng cứu một sinh mạng”. Phóng sinh có thể nuôi dưỡng lòng từ bi của chúng ta. Trong khi thực hiện việc phóng sinh, chúng ta nhân đó có thể thấu hiểu được chân lý vạn vật đều bình đẳng, đều có cảm giác. Tuy nhiên, làm bất cứ việc gì cũng nên đặt cái tâm và sự hiểu biết vào đó chứ không nên làm theo phong trào. Phóng sinh đúng cách là điều cần quan tâm để chúng ta thực hiện trọn vẹn lòng từ bi của mình, để nhận được công đức trọn vẹn, giúp chúng sinh có cuộc sống bình an.

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây