Số mạng do ai?

Thứ hai - 10/02/2020 02:50
Quy y Phật là tự mình sống với tính Phật. Người nào sống được với tính Phật của mình, người ấy có thể tự quyết định số mạng của bản thân vậy.
Những người không có trí tuệ minh bạch thì rất dễ tin vào số mạng - Ảnh: Bảo Toàn
Những người không có trí tuệ minh bạch thì rất dễ tin vào số mạng - Ảnh: Bảo Toàn
Từ xa xưa, khi con người còn mông muội, hiểu biết của họ về thế giới và con người còn rất hạn chế, nên họ thường hay tin vào thần linh, những đấng tối cao nào đó chuyên ban phước, giáng họa, quyết định cuộc đời, số mạng của họ. Thậm chí đến nay, nhiều người tin rằng bản thân họ có số mạng định sẵn, minh chứng cụ thể qua việc nhiều người đi xem bói, xem tướng, xem số, bằng hình thức này hay hình thức khác, một phần vì tò mò, phần khác là vì tin vào số mạng. 
 
Thời Đức Phật còn tại thế, có rất nhiều người tin vào thuyết số mạng. Một là, họ tin tất cả cuộc sống, hành vi con người đều do túc mạng định sẵn, nghĩa là chúng ta làm gì, sống như thế nào, có gia đình hay không, tướng mạo xinh đẹp hay xấu xí, sung sướng hay khổ đau đều do số mạng định sẵn. Số mạng chi phối, quyết định toàn bộ đời sống vật chất và tinh thần của chúng ta. Cũng như ông bà ta ngày xưa thường nói: “Nhất ẩm nhất trác mạc phi tiền định”, nghĩa là một miếng cơm, ngụm nước cũng do trời định sẵn. Hai là, họ tin tất cả hành vi, cuộc sống của con người, giàu sang hay nghèo hèn, khổ đau hay may mắn, đều do một đấng Thượng đế sáng tạo. Hiện vẫn còn nhiều người tin đấng Thượng đế tạo ra con người và thế giới. Số đông vẫn tin số mạng chúng ta đã được định sẵn, không thể thay đổi, do vậy sinh ra chán nản, mất hết ý chí, không nỗ lực vươn lên, không làm cho cuộc sống phát triển, thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.

Trong kinh Trung bộ, Đức Phật chỉ rõ nguyên nhân vì sao chúng ta tin vào số mạng, định mệnh. Việc tin đó là đúng hay sai? Làm sao để nhìn số mạng một cách xác đáng? Theo đó, việc tin tưởng này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Người tu Phật tin nhân quả, thuyết số mạng có liên quan trực tiếp tới vấn đề nhân quả. Những người không có trí tuệ minh bạch thì rất dễ tin vào số mạng.
 
Phần lớn chúng ta vẫn sống nô lệ cho nghiệp chướng của mình, nên thuyết số mạng vẫn phù hợp ở mức độ nào đó. Kiểu như nhiều người hay nói: trước đây, cô/ anh ấy làm phước rất nhiều nên giờ cô/ anh ấy có số hưởng, không cần cố gắng tu tập gì cả, vì tạo được nhân tốt, nghiệp thiện trong quá khứ, nên sống trong sung sướng.
 
Người có tầm nhìn hạn chế, không tịnh tâm quan sát một cách thấu đáo, thấy có người cũng làm việc thiện, tu tâm dưỡng tính, mà sống rất khổ cực, nên cho là bất công. Nếu ai nhìn thấu đáo sẽ biết, trước kia người ấy làm nhiều việc ác, những việc thiện ở hiện tại chưa đủ để thay đổi, để bù đắp cho những việc ác người ấy đã làm. Nhân bất thiện trong quá khứ trổ thành quả. Người nào hiểu rõ nhân quả, thấy từ nhân đến quả ở mỗi người, thời gian khác nhau, có nhanh có chậm, đồng thời thấy thêm duyên tác động nữa, thì hiểu nhân quả hoàn toàn không bao giờ sai lầm. Không ở đâu xa, mọi người có thể hình dung ra từ nhân đến quả như việc trồng cây hái quả không thể trong một sớm một chiều đã có thể thu hoạch. Hay như trồng cây lấy gỗ thời gian lên tới vài chục năm, có thể tới trăm năm mà chưa thu hoạch được gỗ.
 
Mỗi người nên quan sát nhân quả, nghiệp chướng ở chính bản thân mình, sẽ thấy được điều này rõ ràng nhất, khó có sự sai lệch. Các Phật tử chúng ta đa phần thuộc hạng tín căn, tu hành căn cứ trên niềm tin, chưa phải hạng định căn hay tuệ căn nên không thể nhìn rõ Tứ đế, tất cả mọi thứ minh bạch một cách rõ ràng được. Chúng ta là hạng tín căn, chưa đủ trí tuệ nên tin Phật pháp và cả những điều gần Phật pháp, trong đó có cả số mạng. Khi chúng ta học Phật, điều quan trọng nhất là phải nhìn nhận cho thật sự thấu đáo, minh bạch, rõ ràng, tường tận con đường mình đi, cái nào là chính đạo, cái nào không phải chính đạo để sống tốt hơn, tránh tin vào những thứ sai lầm.
 
Có Phật tử thắc mắc: “Con đi chùa, bạn con cho rằng con là người mê tín”, theo các bạn quan điểm như vậy có đúng không? Người tin vào Phật pháp, hàng ngày đến chùa nghe pháp, đọc kinh, cầu nguyện, quy Tam bảo, làm việc thiện, cứu độ chúng sinh, đi theo lời dạy của Đức Phật, có trí tuệ để thấy rõ tất cả mọi thứ đúng như thật, không thấy sai lầm… như vậy có được coi là mê tín? Còn nhiều người tin rằng, tiền có thể giải quyết được tất cả mọi thứ, có tiền sẽ sống an vui, hạnh phúc. Nhưng khi có rất nhiều tiền rồi mà vẫn chưa thấy an vui, hạnh phúc, chưa thấy đủ, như vậy mới chính là mê tín.
 
Đức Phật khẳng định, duy tuệ thị nghiệp: lấy trí tuệ làm mục đích cuối cùng, chặt đứt phiền não, ở đâu có trí tuệ ở đó có giải thoát, an vui, an bình, yên ổn, hòa hợp. Người học Phật không tin vào số mạng mà phải tin vào phước đức và trí tuệ. Mục tiêu cuối cùng của con người là phước đức và trí tuệ. Phước đức ở đâu mà có? Tất cả là công hạnh tu hành của chúng ta hàng ngày, hàng giờ làm việc có ích, đem lại sự an vui hạnh phúc an lạc cho mình và mọi người, tất cả chúng sinh. Ông bà ta thường nói: Có phước, có đức mặc sức mà hưởng. Người ít phước đức thì khổ đau, người có phước đức viên mãn thì không có khổ đau. Một vị Phật là bậc viên mãn phước đức và trí tuệ. Muốn cuộc sống có giá trị, ta phải lấy trí tuệ và phước đức làm mục tiêu sống, có như vậy cuộc sống mới có giá trị và ý nghĩa.

Do nhiều người tin vào thuyết số mạng nên Đức Phật chỉ ra nguyên nhân hình thành thế giới để mọi người hiểu rõ. Con người không phải do đấng linh thiêng nào tạo ra, con người hoàn toàn không phải do số mạng định sẵn; con người có khả năng làm chủ số mạng, thay đổi số mạng của mình, không làm nô lệ cho số mạng, cho nghiệp chướng. Đức Phật là người hoàn toàn bằng sự tinh chuyên nỗ lực, thấy được chân lý, thoát ra được sự trói buộc, sinh tử, khổ đau. Chúng ta cố gắng tu học theo lời dạy của Đức Phật, thì có khả năng làm chủ cuộc sống. Như vậy có thể kết luận: Không có một đấng sáng thế nào, thần linh nào quyết định số mạng, ban phước hay giáng họa cho chúng ta.
 
Đức Phật chỉ rõ, con người và thế giới này được hình thành là do từ sáu thứ kết hợp với nhau: đất, nước, lửa, gió, không, thức. Do cái này sinh nên cái kia sinh, do cái này mất nên cái kia mất, chứ không do đấng sáng thế nào tạo nên. Quá trình tạo ra con người cũng không ngoài quy luật duyên sinh ấy: Đất (da, thịt, xương), nước (máu huyết), gió (hơi thở, khí), lửa (hơi ấm, nóng), không (khoảng cách giữa thứ này đến thứ kia), thức (tâm thức, đời sống tinh thần) đủ nhân duyên thì hòa hợp, hết nhân duyên thì ly tán. Hiểu được điều này, chúng ta biết tự quyết định, làm chủ được cuộc đời mình, chứ không có thuyết số mạng nào cả. Thử hỏi, nếu chúng ta làm chủ cuộc sống của mình thì có tuyệt vời không? Khi không được tự do thoải mái, chúng ta đã cảm thấy khó chịu, ràng buộc, bức bách, huống chi chúng ta bị nô lệ cho số mạng, không đủ trí tuệ nhìn rõ điều này. Làm thế nào ta biết rõ được số mạng, làm chủ được số mạng? Xin được kể một câu chuyện sau:
 
“Một chú tiểu tới tu với một vị đại sư ở trên núi, vị này vốn là một bậc A-la-hán, nhìn rõ được sự sống chết. Thấy chú tiểu do nhân duyên bất thiện đời trước, có mạng sống rất ngắn ngủi nên bảo chú về nhà thăm người thân rồi quay lại. Trên đường về nhà, khi đi qua dòng suối thấy nước dâng cao sắp cuốn trôi bầy kiến, chú bèn kiếm que củi khô cứu đàn kiến, việc làm này hết sức tự nhiên bình thường. Nhưng khi chú quay lại chùa, vị thầy rất ngạc nhiên khi thấy chú tiểu có tướng trường thọ lâu dài. Mới hay, việc cứu đàn kiến ở dòng suối mà phước đức tăng trưởng có thể thay đổi thọ mạng”.
 
Chúng ta thấy điều gì qua câu chuyện trên? Việc thay đổi số mạng rất đơn giản, bắt đầu từ những hành động nhỏ bé hàng ngày, giống như chú tiểu trong câu chuyện có thể thay đổi thọ mạng từ ngắn ngủi sang trường thọ. Nhiều việc làm nhỏ sẽ góp thành việc lớn, có thể cứu giúp được vạn chúng sinh thoát khỏi bệnh tật, khổ đau, đạt được công đức vô lượng.
 
Các Phật tử quy y Tam bảo, hàng ngày chăm chỉ lễ Phật, tụng kinh, làm việc thiện, giúp đỡ người khác. Như vậy là chúng ta đang dần dần chuyển hóa nghiệp chướng của chính bản thân mình. Việc chúng ta sắp xếp thời gian tu tập như vậy là một sự chọn lựa mang tính trí tuệ. Bởi sự chọn lựa đó đem lại cho chúng ta con đường an vui hạnh phúc, dần dần thoát khỏi khổ đau, cho đến giải thoát giác ngộ. Nghĩa là chúng ta đi theo con đường của Đức Phật. Chúng ta đang đặt từng viên gạch, xây nền móng vững chắc cho tòa nhà phúc đức trí tuệ của chính bản thân chúng ta. Có thể khẳng định trong các con đường thì chỉ có con đường này là con đường quý giá nhất.
 
Người tu Phật cần quan sát rõ để hiểu rõ rằng pháp chúng ta đang theo đây là pháp học, giúp mở mang tri thức, nhưng học thôi chưa đủ, không giúp chúng ta an vui hạnh phúc ngay được. Chúng ta biết là mình đang khiến cho người khác bực bội, tức giận, phiền đau nhưng chúng ta vẫn làm, vì khả năng làm chủ lời nói, làm chủ suy nghĩ và hành động của chúng ta chưa tốt. Đây là pháp học, là pháp đầu tiên. Giai đoạn thứ hai là pháp hành, chúng ta sống với nó, điều này mới quan trọng. Ví như niệm Phật chân thật là sống với Đức Phật trong tâm của chúng ta, là sống với tánh Phật. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta sống với tâm từ bi, chia sẻ sự khổ đau với mọi người, dùng tâm từ bi đối diện với mọi thứ. Mỗi khi chúng ta tiếp xúc với bất kỳ người nào, việc nào, ta lấy gương của Đức Phật, sống mô phạm theo Phật, cái đó mới gọi là niệm Phật, nghĩ, nhớ với tâm của Phật. Tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật, như vậy là niệm Phật chân thật.
 
Nếu ta sống với tính Phật thì tất cả mọi người xung quanh ta đều giống Phật. Các Phật tử hiện mới chỉ sống được ít phần của Phật, nhiều phần của phàm phu. Hàng ngày chúng ta niệm: Nam-mô A Di Đà Phật, đó chưa gọi là niệm Phật chân thật mà là xưng Phật, là phương tiện để ta nhớ tới Phật. Quy y Phật là tự mình sống với tính Phật. Người nào sống được với tính Phật của mình, người ấy có thể tự quyết định số mạng của bản thân vậy.

TS.Thích Hạnh Tuệ - Tuệ Anh

Nguồn tin: Giác Ngộ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây