Bạn Diệu Âm thân mến!
Nợ do trước đó đã vay mượn của người mà chưa trả nên mắc nợ. Nợ được vận dụng trong thuyết giảng Phật pháp để dễ hình dung về nhân quả. Nhân có vay thì quả phải trả, nhân mắc nợ thì phải bị quả đòi nợ bằng cách này hay cách khác. Cuộc sống muôn màu với nhiều hoàn cảnh và thân phận là biểu hiện của nhân quả, vay trả, trả vay. Hiểu về thuyết nhân quả - nghiệp báo của Phật giáo có thể giúp chúng ta biết rõ hơn về những điều này.
Người ta thường nói “gieo nhân nào thì gặt quả nấy”, điều ấy chỉ đúng một phần mà thôi. Để hiểu đúng nhân quả theo giáo lý Phật giáo, chúng ta cần biết về nhân - duyên - quả. Nhân là nguyên nhân chính, duyên là những nguyên nhân phụ giúp hình thành quả, quả là kết quả trong hiện tại. Trong đó duyên đóng vai trò rất quan trọng, có thể làm cho quả lệch hướng, khác biệt ít hoặc nhiều đối với nhân.
Tuy nhân - duyên - quả là một tiến trình nhưng chúng không vận hành độc lập mà luôn tương tác với các tiến trình nhân - duyên - quả khác. Nhân của tiến trình này vừa là duyên, là quả của tiến trình kia; duyên của tiến trình này vừa là nhân, là quả của tiến trình nọ; quả của tiến trình này vừa là duyên, là nhân của tiến trình khác. Chúng luôn vận động, tương tác lẫn nhau để hình thành thực tiễn sinh động, đa dạng, trùng trùng điệp điệp.
Giáo lý nhân - duyên - quả của Phật giáo phức tạp, đa chiều như thế, nhằm chỉ ra hai điều. Thứ nhất, nhân - duyên - quả đúng với sự thật vận động khách quan của vạn pháp. Thứ hai, chỉ ra vai trò quan trọng của duyên. Nhân thì đã tạo, mang tính thụ động, thuộc nghiệp cũ. Duyên thì đang tạo, mang tính chủ động, thuộc nghiệp mới. Người học đạo nắm được điều này để luôn nỗ lực kết duyên lành, tạo nghiệp mới tích cực thì quả được chuyển hóa tốt đẹp theo.
Kinh Tăng chi bộ, Đức Phật có dạy: Một nắm muối nếu bỏ vào chén nước thì không uống được. Cũng nắm muối ấy nếu bỏ vào sông Hằng thì uống bình thường. Nắm muối (nhân xấu) là nghiệp cũ. Nước trong chén (duyên chưa tốt) hay trong sông Hằng (duyên tốt) là nghiệp mới. Nếu nghiệp mới thiện lành được tạo ra như nước sông Hằng thì không ngại nắm muối kia.
Trở lại vấn đề, những gia đình có con bất hiếu với cha mẹ thường là cha mẹ đã mắc nợ xấu với con trong quá khứ. Như vậy, cha mẹ đang có một “nắm muối”. Nếu cha mẹ hiểu đúng nhân - duyên - quả thì cần nỗ lực tạo duyên lành. Duyên lành ở đây chính là trau dồi đạo đức (giữ năm giới), sống thiện lành (mười nghiệp lành) và tăng cường thương yêu, giáo dục con cái. Vì không thể bỏ con nên các bậc cha mẹ nào biết tạo duyên lành thì có thể cải thiện tình hình. Những gia đình có con cái hư đốn nhưng sau một thời gian con biết phục thiện, chí thú làm ăn, thương kính cha mẹ chính là nhờ phước đức của duyên lành như “nước sông Hằng” này.
Ngược lại, cùng hoàn cảnh con cái bất hiếu như thế nhưng nếu cha mẹ vụng tu, chỉ tạo ra “nước trong chén” thì gia đình tan nát, cha mẹ phải khổ suốt đời. Nhân quá khứ đã xấu, duyên lành hiện tại thì kém, không thể có quả an vui.
Đối với con cái, nếu bất hiếu với cha mẹ thì tạo nghiệp và phạm tội bất hiếu. Người ta thường nói: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. “Trời” đây chính là biệt nghiệp của người con, liên quan với cộng nghiệp của cha mẹ. Mỗi người khi sinh ra đều thừa tự nghiệp cũ của mình đồng thời chịu trách nhiệm với các nghiệp mới đang gây tạo.
Trường hợp “con bất hiếu là do cha mẹ mắc nợ con” là thuộc về nghiệp cũ, cha mẹ cần tạo duyên lành để chuyển hóa và loại trừ. Còn nhiều trường hợp khác, con bất hiếu là do nghiệp mới của nó, vì không được giáo dục tốt, học theo những điều xấu để rồi thành ra bất hiếu. Cả hai trường hợp này đều tạo nghiệp và phạm tội bất hiếu nặng nề.
Quan trọng là, cộng nghiệp hay biệt nghiệp đều không cố định, có thể thay đổi, chuyển hóa được. Vì thế các bậc cha mẹ cần sống đạo đức, theo thiện nghiệp, nỗ lực giáo dục và yêu thương thì có thể chuyển hóa con cái ngỗ nghịch.
Chúc bạn tinh tấn!
Nguồn tin: Giác Ngộ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Chùa Thành Lạng Sơn Diên Khánh Tự