Sử dụng thần thông lợi bất cập hại

Chủ nhật - 28/01/2024 03:45
Đức Phật là đấng Toàn giác, bậc trí tuệ siêu việt. Càng hiểu Phật pháp và cuộc đời, ta càng thấy những gì Đức Phật dạy là vô cùng đúng đắn. Một trong những điều đó là việc Ngài khuyên hàng đệ tử không nên sử dụng thần thông trong cuộc sống cũng như trong việc giáo hóa chúng sinh.
Sử dụng thần thông lợi bất cập hại

Trước đây tôi không hiểu tại sao Đức Phật lại cấm như vậy, vì tôi thấy rằng thần thông là phương tiện rất hữu hiệu để giúp ích chúng sinh cũng như trong việc giáo hóa. Thần thông cũng là thước đo về sự tu tập của một người, vì chỉ những người có tu tập đến mức độ nào đó thì mới đạt được thần thông. Thế nhưng càng ngày tôi lại càng nhận ra những gì Đức Phật dạy là cần thiết, không hề dư thừa. Có thể việc sử dụng thần thông sẽ đem lại một số lợi ích và tác dụng nào đó, nhưng hệ quả tiêu cực của nó thì rất lớn, rất nhiều.

Mục tiêu của tu tập là để giác ngộ và giải thoát. Để đạt mục tiêu cao thượng ấy cần có trí tuệ chứ không phải thần thông. Thật ra, thần thông không khó để đạt được. Trong quá trình tu tập (như tu thiền định), thần thông sẽ sớm xuất hiện trước khi đạt được những giá trị tâm linh khác. Điều này cũng có nghĩa rằng, khi có thần thông không có nghĩa là hành giả đã chứng ngộ và giải thoát. Người đạt được thần thông vẫn còn vô minh, chấp ngã, phiền não và khổ đau.

Tại sao phần lớn chúng ta đều thích những khả năng siêu nhiên? Đó là do người ta tò mò, ngưỡng mộ những điều mà bản thân không làm được, nhưng trên tất cả, đó là vì họ muốn cầu những lợi ích thiết thực cho riêng mình. Bản thân người có thần thông (hoặc ra vẻ có thần thông) thì một mặt, họ thích sự ngưỡng mộ của người khác và mặt khác, thông qua sự ngưỡng mộ đó họ sẽ nhận được nhiều danh lợi. Còn những người đến với người có thần thông cũng là để cầu xin được lợi ích vật chất trong đời sống, như cầu hết bệnh, buôn may bán đắt, thăng quan tiến chức…, mấy ai đến với người có thần thông chỉ vì kính trọng đạo hạnh, trí tuệ.

Chính vì thế mà có rất nhiều hiện tượng mê tín dị đoan thường xảy ra. Đặc điểm chung của những hiện tượng này là sự linh thiêng, phép mầu, cũng như khả năng ban phát những nhu cầu lợi ích vật chất cho tín đồ và những người đến xin. Nó đánh trúng tâm lý tham lam của con người cho nên được nhiều người theo. Đó chỉ là những trò lừa bịp chứ không phải chân thật. Thế nên Đức Phật thường quở trách hàng đệ tử sử dụng thần thông, dù là để giúp đời hay giáo hóa, vì Ngài thấy ra những hệ lụy từ thần thông, phép lạ.

Điểm đặc trưng và cao thượng nhất của người tu Phật không phải là thần thông mà là đời sống thanh thoát, nhẹ nhàng, vượt lên sự ràng buộc của thế gian, tự tại với tất cả các pháp. Cốt tủy của Phật pháp là chỉ dạy người xa lìa tham sân si để sống một cách chân chính, tăng trưởng phước báu và không đau khổ.

Đối với Đức Phật, thần thông cao nhất chính là giáo hóa thần thông, tức là giáo dục con người hiểu lẽ chánh tà để họ xa lìa việc ác, thực hành việc thiện, đưa đến an lạc trong đời này và đời sau. Trái lại, những năng lực siêu nhiên không làm cho người ta được như thế, thậm chí còn có thể làm cho con người tăng thêm lòng tham, chồng chất thêm vô minh, ngã chấp hoặc dẫn đến hiện tượng cuồng tín, tôn sùng cá nhân.

Tiền bạc vật chất thì ai cũng cần. Thông qua lao động chân chính, chúng ta có thể tự nuôi sống bản thân và góp phần cống hiến cho xã hội. Chỉ có những người không chân chính mới nghĩ đến chuyện ban phát hay cầu xin từ những phép mầu. Một người chân chính và cao thượng không dựa trên việc người đó có năng lực siêu nhiên hay không mà chính là cách sống của họ. Dù ai đó có thần thông quảng đại nhưng đối với danh lợi tình tiền vẫn tham đắm thì họ cũng chỉ là một kẻ tầm thường mà thôi.

Theo Giacngo.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây