Ở một phương diện khác, người tu thiền mà được ma vương “chiếu cố” cũng có cái vinh dự vì mình thuộc hạng tu cao, đang rất gần với quả vị A-la-hán thì ma vương mới quan tâm. Còn tu hành lẹt đẹt, phiền não dẫy đầy thì ma vương chẳng thèm để ý, nói chi là ra tay phá hoại.
Đứng trước ngưỡng cửa bất sinh, tuyệt dứt tái sinh luân hồi sinh tử là thời khắc quan trọng. Ma vương Ba-tuần đã kịp đón lõng khoảnh khắc này để khuyến dụ người tu đừng bước qua sinh tử, cần gì đến chỗ vô sinh, hãy ở trong luân hồi để hưởng thọ ngũ dục mới vui và đáng sống. Nếu động tâm đãng trí mà thuận theo, cánh cửa giải thoát sẽ vô hình khép lại. Đó là ma chướng đến từ bên ngoài. Hiểu một cách khác, còn thêm ma chướng bên trong nữa đó là chấp thủ tự ngã mà chúng sinh cố bám víu trước cánh cửa vô ngã sắp mở toang. Cái tôi cá nhân muôn đời sai sử chúng sinh trôi lăn trong sinh tử muốn kềm giữ và níu kéo. Chỉ cần một gợn nhỏ vô minh thôi, tiếc nuối tự ngã, mê đắm thọ sinh thì nghiệp lớn giải thoát bất thành.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Tỳ-kheo-ni Giá-la ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát, vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong, trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai, vào rừng An-đà, ngồi dưới một gốc cây, nhập chánh thọ ban ngày.
Khi ấy Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Hôm nay Sa-môn Cù-đàm đang ở nước Xá-vệ, vườn Cấp Cô Độc, có đệ tử là Tỳ-kheo-ni Giá-la, ở tại tinh xá với chúng Tỳ-kheo-ni, trong vườn vua nước Xá-vệ. Sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Ăn xong trở về tinh xá, cất y bát, rửa chân xong, lấy tọa cụ vắt lên vai vào rừng An-đà, ngồi dưới một bóng cây, nhập chánh thọ ban ngày. Nay ta nên đến đó gây chướng nạn’. Liền hóa thành thiếu niên, dung mạo đoan chánh, đến trước Tỳ-kheo-ni Giá-la nói kệ: Biết thọ sinh là vui/ Sinh hưởng thụ ngũ dục/ Ai đã truyền dạy cô/ Khiến chán lìa thọ sinh?
Khi ấy Tỳ-kheo-ni Giá-la tự nghĩ: ‘Đây là người nào mà muốn khủng bố ta? Là người hay không phải người? Hay là người gian xảo mà đến đây muốn nhiễu loạn’, liền nói kệ:
Có sinh ắt có chết/ Sinh thì chịu các khổ/ Roi vọt, các khổ não/ Duyên sinh có tất cả/ Hãy đoạn tất cả khổ/ Siêu việt hết thảy sinh/ Tuệ nhãn quán Thánh đế/ Những gì Mâu-ni nói/ Khổ khổ và khổ tập/ Diệt tận lìa các khổ/ Tu tập tám Thánh đạo/ An ổn đến Niết-bàn/ Pháp Đại sư bình đẳng/ Tôi hâm mộ pháp này/ Vì tôi biết pháp này/ Không thích thọ sinh nữa/ Lìa tất cả buồn vui/ Xả bỏ mọi tối tăm/ Đã tác chứng tịch diệt/ Phiền não hết, an trụ/ Biết rõ ngươi, ác ma/ Hãy biến khỏi nơi này.
Bấy giờ Ma Ba-tuần tự nghĩ: ‘Tỳ-kheo-ni Giá-la đã biết rõ tâm ta’. Trong lòng ôm lo lắng, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1205)
Cũng may mà Tỳ-kheo-ni Giá-la chánh niệm tỉnh giác thường trực. Thấy rõ những lời kia là phi Chánh pháp nên cảnh giác, rõ biết luận điệu đó là ma nói. Bởi Thế Tôn đã dạy, có sinh ắt có diệt, có sinh nên có khổ. Sinh tử luân hồi đã trôi lăn trong vô lượng kiếp rồi nên bây giờ phải nỗ lực để thoát ra. Không có gì để gọi là vui đích thực khi mải chìm nổi trôi lăn tử sinh bất tận trong ba cõi sáu đường. Giác tỉnh để thấy rõ con đường ra khỏi khổ là Bát Thánh đạo. Đoạn trừ tham ái dục chính là căn bản của giải thoát. Hưởng thọ tham ái dục là cội nguồn của tử sinh khổ đau.
Tỳ-kheo-ni Giá-la có đầy đủ tuệ giác và dũng khí của bậc trượng phu nên đuổi thẳng ác ma “Hãy biến khỏi nơi này”. Người tu nào biết rõ ma thì ma tự diệt, ngay đó giác tính hay Phật hiển bày.
Quảng Tánh