Bước chân vào đạo cần phải trui tâm rèn ý để thành tựu khiêm hạ, cung kính và phục tùng. Đây là dấu hiệu cho biết người có căn lành, có tâm tu, có nhân duyên với đạo. Ngược lại, ba đức căn bản này mà thiếu vắng, muốn tu mà luyện mãi vẫn không thành thì chắc chắn đường đạo khó có thể tiến xa; hoặc nhờ duyên may nào đó mà chen chân được vào Tăng đoàn thì cũng dị dạng, biến thái, tật nguyền.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
Hãy sống cung kính. Hãy thường buộc tâm. Hãy thường cẩn thận sợ hãi. Hãy phục tùng các bậc tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa. Vì sao? Vì nếu có Tỳ-kheo sống không cung kính, không buộc tâm, không cẩn thận sợ hãi, không phục tùng các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác mà muốn được đầy đủ các oai nghi, thì không hề có trường hợp đó. Vì nếu không đầy đủ oai nghi mà muốn học pháp viên mãn, thì không hề có trường hợp đó. Nếu học pháp không viên mãn mà muốn có giới thân, định thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, thì cũng không hề có trường hợp đó. Nếu giải thoát tri kiến thân không đầy đủ mà muốn được Vô dư Niết-bàn, cũng không hề có trường hợp đó.
Như vậy, Tỳ-kheo cần phải cung kính, buộc tâm, cẩn thận sợ hãi, theo đức lực các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác thì oai nghi đầy đủ, điều này có thể xảy ra. Nếu oai nghi đã đầy đủ thì việc học pháp sẽ đầy đủ, việc này có thể xảy ra. Nếu học pháp đã đầy đủ rồi thì giới thân, định thân, tuệ thân, giải thoát thân, giải thoát tri kiến thân đầy đủ, việc này có thể xảy ra. Nếu giải thoát tri kiến thân đã đầy đủ rồi thì được Vô dư Niết-bàn, việc này có thể xảy ra. Cho nên, Tỳ-kheo cần phải cung kính, buộc tâm, cẩn thận sợ hãi, theo đức lực các vị tu phạm hạnh thượng, trung, hạ tọa khác thì oai nghi được đầy đủ,… cho đến được Vô dư Niết-bàn, cần phải học như vậy.
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1242)
Phật dạy thật rõ ràng, phải bắt đầu từ khiêm hạ, cung kính và phục tùng theo đức lực các bậc phạm hạnh mới có thể từng bước thành tựu oai nghi, học pháp, giới-định-tuệ-giải thoát-giải thoát tri kiến, cho đến chứng đắc giải thoát Niết-bàn.
Không ít người mới được mặc chiếc áo của Phật liền nghĩ mình là “thầy của trời người”, quên mình là kẻ ăn xin (khất sĩ) nên vội đánh mất hạnh khiêm cung. Rồi đi càng lâu trên đường đạo thì vô ngã càng mất dấu, oai nghi không trọn thì lấy đâu ra thong dong, giải thoát.
Thế nên, người tu cần nương theo đạo lực của các bậc chân tu giới đức để nghiêm thân, tấn đạo. Thực hành phận sự an cư tập trung cũng là cách nương theo oai đức của các bậc phạm hạnh, của đại chúng để tiến tu.
Quảng Tánh