Có nên ăn đồ cúng vong không?

Thứ sáu - 12/07/2019 02:48
HỎI: Lâu lâu, con thấy các chùa hay tổ chức cúng trai đàn chẩn tế, cúng Mông Sơn Thí Thực rất lớn gọi là để giải oan bạt mạng, cầu siêu cho anh hùng liệt sĩ, tai nạn giao thông, hoặc là cúng tế cô hồn.
Có nên ăn đồ cúng vong không?

Vậy cúng trai đàn chẩn tế, Mông Sơn Thí Thực, cúng vong ở chùa khác nhau như thế nào? Ở những lễ cúng này con thấy trưng bày ra rất nhiều đồ ăn đủ thứ loại, đủ các loại bánh nước, nhiều vô số kể, sau khi cúng xong lại quăng rải khắp nơi như vậy có lãng phí không? Có người bảo đó là đồ cúng cô hồn, không được ăn, họ đã vọc vào rồi, ăn vào sẽ bị cô hồn theo, vậy có đúng không? Con nghe nói là những người xuất gia các đồ cúng này là không được ăn vì là bất tịnh nhưng nếu ở chùa cúng hàng ngày thì chẳng lẽ sẽ bỏ đi hết sao? Phật tử tại gia có nên tổ chức những lễ cúng này không để có hiệu quả? Con xin cảm ơn thầy.

ĐÁP: I . Ý nghĩa trai đàn chẩn tế

Trước nhất chúng ta tìm hiểu về ý nghĩa trai đàn chân tế? Trai đàn là lễ hội cúng chay, chẩn tế là thí, cấp phát, phát chẩn gạo, thức ăn... giúp người đói. Trong đạo Phật, lập đàn chẩn tế là một nghi thức cúng, để bố thí thức ăn cho cô hồn. Trai đàn chẩn tế còn là lễ hội “làm chay” bố thí cấp phát lương thực giúp cho người qua cơn bức ngặt đói khát, không còn thiếu thốn, ban phát thí thực cho cô hồn hưởng thọ, được no.

Trai đàn chẩn tế còn gọi là “trai đàn thủy lục” là một pháp hội cúng chay và cầu siêu cho những vong hồn người chết không có ai thờ tự, không có nơi nương tựa, đang sống vất vưỡng ở dưới nước và ở trên cạn.

Trai đàn chẩn tế còn gọi là trai đàn bạt độ. “Bạt” có nghĩa là nhổ lên, nhổ tận gốc rễ phiền não tham sân si, làm cho thế giới nhẹ nhàng thanh thản. “Độ” có nghĩa là vượt qua, thoát khỏi những chướng duyên mê si tăm tối, những sự việc xảy ra rắc rối hàng ngày, hằng giờ, hằng tâm niệm. Nhổ bật gốc rễ của lòng tham để vượt qua các nẻo luân hồi, đấy là mục đích chính của đạo Phật..

Giáo lý Phật dạy thì nhiều, gồm tam tạng thánh điển, như nấc thang từ thấp lên cao, từ giáo lý dạy cho Cư sĩ cho đến giáo lý dạy cho hàng xuất gia, từ tiểu thừa lên đại thừa, những giáo lý cao siêu đó, cuối cùng được đúc kết: "chỉ có một vị duy nhất là vị ly tham, vị giải thoát trần tục, xả bỏ vị kỷ, ích kỷ cá nhân mà sống chua, chia sẻ cùng cộng đồng...”

Các bậc Tổ sư xưa, trong đó có các bậc Thiền sư tu đắc đạo, các bậc Đại sư dạy tu niệm Phật, các bậc Pháp sư dạy niệm chú. Việc chủ yếu của ba nhà Phật học nầy là chế tác đấy đủ pháp môn tu, trong đó có tự lực và tha lực và cuối cùng Ngài Bất Động pháp sư. Ngài tu ở núi Mông Sơn, thời nhà Tống hoằng truyền phối hợp tự lực và tha lực gom thành một mối thành bài kinh gọi là Mông Sơn Thí Thực. Trong bài Mông Sơn có dạy niệm Kinh, niệm Phật, niệm chú, tạo thành một uy lực dũng mãnh đánh tan những tham sân si, những nghiệp lực của chúng sanh vạn lọai.

Trai đàn chẩn tế còn gọi là trai đàn bạt độ. “Bạt” có nghĩa là nhổ lên, nhổ tận gốc rễ phiền não tham sân si, làm cho thế giới nhẹ nhàng thanh thản. “Độ” có nghĩa là vượt qua, thoát khỏi những chướng duyên mê si tăm tối, những sự việc xảy ra rắc rối hàng ngày, hằng giờ, hằng tâm niệm.

Trai đàn chẩn tế thời xưa

Theo Ngài Đạo An (314-385), danh Tăng thế kỷ thứ IV thời Đông Tấn, hiện nay thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thì tập tục cúng chẩn tế cho người chết không phải là tập tục của Phật giáo. Chỉ đến thế kỷ thứ VI, vua Lương Võ Đế (464–549) mộng thấy một vị Thần Tăng bảo rằng: “Bốn loại quần linh trong sáu đường bị khổ vô lượng, sao chẳng lập đàn Thuỷ lục mà phổ tế. Trong các công đức, đó chính là công đức lớn vậy.” Vua Lương Vũ Đế hỏi các sa môn, thảy đều không biết, riêng ngài Chí Công khuyên vua rộng tìm kinh luận ắt có nhân duyên. Vua bèn sưu tầm kinh bối diệp để ở điện Pháp Vân, sớm tối giở đọc. Y theo việc ngài A Nan gặp Diện Nhiên quỷ vương, vua thiết lập ý nghĩa bình đẳng hộc thực, chế tác nghi văn, ba năm mới xong, rồi cử hành Thủy lục trai đàn ở chùa Kim Sơn, thuộc Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc ngày nay

Thời đại nhà Đường (618 - 907), đến nhà Tống (960-1279) bên Trung Hoa, mỗi đàn có một hay nhiều trai chủ đóng góp, cùng chung thực hiện.

Tại Việt Nam, sách Phật “Thiền uyển tập anh”: Tăng thống Huệ Sinh (-1064) đời vua Lý Thánh Tông (1023 – 1072), có để lại tác phẩm “Pháp Sự Trai Nghi” nói đến nghi thức chẩn tế.

Đến thế kỷ thứ XVIII sau khi chiến thắng quân Thanh vua Quang Trung (1753 – 1792), vua Gia Long (8/2/1762 - 3/2/1820) sau khi thống nhất sơn hà, đổi tên nước là Việt Nam, lên ngôi đem triều đình và trăm họ gom về một mối. Nhà vua liền tổ chức trai đàn bạt độ “tạo cho không khí chết chóc, cảnh tàn sát lẫn nhau” sự điêu tàn “khí chết” không còn quây quần bên triều đình dòng họ Nguyễn Phúc sau thời chiến.

Vào năm Giáp ngọ, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675-1725) cho tổ chức trai đàn tại chùa Linh mụ cầu cho quốc thái dân an, cho các quân lính tử trận được siêu thoát. Và vào những năm đầu thập niên 70, do chiến tranh gây ra nhiều cảnh chết chóc hãi hùng, khoa nghi chẩn tế được thực hiện rất nhiều, nhất là tại Huế. Hầu như tháng nào ở đây cũng có ít nhất một đàn.

Trai đàn tại các tự viện

Năm 1961 (Tân Sửu) tại Tổ Đình Linh Sơn, núi Bồng Lai, Đức Tôn sư Thiện Phước - Nhựt Ý cũng tổ chức lễ cầu an cầu siêu, trai đàn bạt độ 7 ngày. Cầu nguyện anh linh chiến sĩ, anh linh liệt sĩ, các chư vị, chư thần, trăm quan thần cựu hy sinh vì đại nghĩa, các vong hồn yểu tử, kẻ chết sông người chết suối, tại nạn trên không, dưới biển. Lễ chẩn tế rất quy mô có cả 4.000 tín đồ Phật tử tham dự ghi danh cầu nguyện, các đàn của các tự viện chùa Linh Sơn, Nhứt Nguyên bửu tự, chùa Phổ Hiền, chùa Phước Thiện An ở dưới thế cũng đăng sơn, rước các vong linh, thập lọai cô hồn câu hội nghe kinh, thọ hưởng phước lạc.

Tháng 7 năm Nhâm Dần (1962) Linh Sơn cổ tự do Hòa thượng Thích Hồng Quang làm Trụ trì, gần chân núi Bồng Lai, hiện nay từ năm 2000 do Sư cô Thích nữ Hiếu Hạnh làm Trụ trì. Lúc bấy giờ Hòa thượng tổ chức trai đàn bạt độ cầu siêu thập lọai cô hồn có khoảng 800 người tham dự, lúc bấy giờ Sư cũng tham dự làm công quả chuyển lương thực cho chùa.

Một cuộc thí thực bao giờ cũng tốn kém, Phật tử phải sắm sanh bánh nếp, bánh cấp, bánh cúng, bánh tét, bánh ngọt, các lọai giấy vãng sanh, giấy tiền, giấy vàng bạc, tất cá các lọai bánh ngọt được sắp xếp lên đến hàng chục nia, các lọai trái cây xẻ sẵn, muối gạo, tiền xu, tiền đồng, tiền bạc cắc, tiền giấy được đổi thành tiền nhỏ được đặt vào các nia trống, tất cả đều được sắp xếp đặt lên giàn dựng thật cao khoảng 12 mét.

Đến 12 giờ trưa ngày 14 tháng 7 năm đó, chư vị Pháp Sư, chư sơn thiền đức, chư Tăng đều lên trên giàn tác pháp, tụng kinh Mông sơn cho đến 15 giờ hồi hướng, đổ giàn. Dùng từ đổ giàn tức là xả lưỡi ông tiêu, thí các lọai bánh, tiền, trái cây đã cúng và được làm phép mở miệng cho các cô hồn ngạ quỷ đến nhận phần thọ thực, ăn uống.

Người dương chủ yếu là trẻ em, thay mặt các gia đình người lớn đến xin lưỡi ông tiêu, xin bánh, nói là xin, chứ thật ra rất nhiều những hình ảnh chỉ là chụp giựt, ai giỏi thì lấy được nhiều, ai dở yếu hơn thì lấy được ít. Quan niệm của các vị là đem của thí nầy về nhà ăn sẽ hết bệnh, khỏi bị tà ma quấy nhiễu. Đây là truyền thống thí thực có từ thời nhà Đường, nhà Tống do chư Tăng bên Trung Hoa thực hiện.

Truyền thống chẩn tế trai đàn bạt độ vẫn còn giữ truyền thống tại chân núi Bồng Lai, Tổ Đình Linh Sơn (Bà Rịa Vũng Tàu), các nơi khác trong tông phong Tịnh Độ Non Bồng còn tác pháp như chùa Thiền Tịnh (Dakao 1964), Long Sơn cổ tự (Bình Dương), Quan Âm Tu Viện (Đồng Nai), Nhứt Nguyên Bửu Tự (Bình Dương), chùa Phước Thiện An (Tp.Hồ Chí Minh), chùa Phước Ân (Long An), chùa Phước An (Gò Công, Tiền Giang) hằng năm đều có cúng trai đàn bạt độ. Năm 1971, 1972 hai năm liền Đức Tôn sư tổ chức lễ trai đàn bạt độ cầu nguyện cho những người chết vì chiến tranh, mỗi lễ trai đàn tổ chức 7 ngày, mỗi ngày có khoảng 5.000 lượt tín đồ Phật tử khắp nơi về tham dự, ghi danh cúng kiếng cầu nguyện chư vong linh.

Cúng trai đàn chẩn tế có tâm vóc quy mô, quy tụ nhiều gia đình gọi là đại lễ. Cúng vong là nghi lễ các tự viện xưa cũng như nay cúng hàng ngày, hoặc ở gia đình có nhu cầu cúng kiếng, chỉ thỉnh một vị Thầy để chủ trì lễ cúng vong theo nghi thức Tiểu Mông Sơn.

Cúng vong còn là nghi lễ cúng kiếng cầu siêu cho vong linh người thân vừa qua đời, cúng thất, tuần chung thất, cúng 100 ngày, cúng giáp năm, cúng mãn khó, cúng kỵ giỗ theo nghi thức cúng cửu huyền.

Lợi ích trai đàn chẩn tế

Cúng trai đàn chẩn tế xong các gia đình rất vui mừng vì đã làm được việc phước thí lớn lao. Việc tổ chức trai đàn có 2 ý nghĩa chánh:

Một là, giúp các gia đình Phật tử có dịp gặp nhau, làm việc phước thí theo tâm nguyện của ông bà, của gia đình. Việc cúng kiếngg đem lại lợi ích, đoàn kết hòa hợp trong các giới Phật tử, tuy là Phật tử nhưng ít gặp nhau, nay được gặp lại trong lễ cúng trai đàn làm việc bố thí, sinh khí đạo đức sanh khởi, mọi gia đình an vui, an cư lạc nghiệp.

Hai là tạo cho tâm Phật tử ngày càng được rộng lòng từ, biết thương yêu muôn loài vạn vật, muốn thấy nó sống, không muôn thấy nó chết. Việc trai đàn bạt độ, giúp cho Phật tử mở rộng tầm nhìn ngòai thế giới chúng ta đang ở còn có rất nhiều thế giới khác, thế giới vô hình, hai hình, có chân, không chân, nhiều chân, những chúng sanh khổ đau rất cần đến chúng ta. Người Phật tử tập lần xả bỏ những vị kỷ, những ích kỷ cá nhân, những pháp bất thiện như ích kỷ, cá nhân, hung bạo, dữ dằn lần lượt sẽ không còn, mọi người thương yêu nhau tạo cho tình nghĩa xóm làng được nhân rộng, hận thù tiêu tan, sự an lành luôn xuất hiện như trong thế giới nhà Phật.

Ba là, Đạo Phật tiếp nhận Phật sự trai đàn chẩn tế từ các vua chú thời nhà Đường, nhà Tống, đem đạo vào đời, gần gũi quần chúng, đạo đức tăng trưởng, giúp cho mọi người gần gũi nhau hơn, xóm làng an cư lạc nghiệp.

II. Người tu không ăn đồ cúng vong, cúng cửu huyền?

Nói chung là “người con Phật”, đây là sự tín ngưỡng có phần sâu sắc: "mọi người đều nghĩ có người bên kia thế giới, có cuộc sống bên kia thế giới, nên khi cúng kiếng cho chư vị bên đó, người cúng nghĩ rằng: mọi người bên kia thế giới đã “hưởng rồi”, trong dương gian thường nói là “hưởng mùi vị”, hay “hưởng hơi”, xúc thực. Do đó còn gì để mọi người bên đây ăn uống, nên nói không ăn là vậy.

Đứng về mặt đạo đức, người “dương thế”, mắt thịt phàm phu không ăn đồ cúng vì thức ăn đó không phải dành cho người “dương thế”, mà dành cho người bên kia thế giới được cúng. Đây cũng là một trong các lễ của nghi lễ cúng kiếng.

Chư Tăng Ni không thọ dụng đồ cúng vong, cúng cửu huyền. Ảnh minh họa
Chư Tăng Ni không thọ dụng đồ cúng vong, cúng cửu huyền. Ảnh minh họa

Nói thế thôi, chứ trong nhà của mỗi người Việt Nam nhà nào cũng có làm lễ giỗ, kỷ niệm những người đã khuất, gọi là cửu huyền thất tổ, những người được cúng giỗ đều được thờ chung với bàn thờ cửu huyền. Người Việt rất quan trọng lễ kỵ giỗ, thường là làm trâu, bò, làm heo, nhiều gà vịt để sau khi cúng ông bà xong, đãi bà con, xóm giềng. Làm gì thì làm, ngày cúng giỗ ông bà, mọi người không sợ tốn hao tiền của, nghĩa là gia chủ sẽ đem hết tấm lòng tốt của mình mà đãi khách, cho đến buổi chiều thức ăn không còn, gia quyến phải ăn thịt “xà bần”, tức là đồ ăn dư cũng không sao.

Chư Tăng Ni không thọ dụng đồ cúng vong, cúng cửu huyền. Lý do chư Tăng Ni thuộc bậc thọ Thiên Nhơn cúng, bậc Ứng cúng, tức là người được cung cấp dưỡng nuôi, cúng dường. Muốn dâng cúng chư Tăng Ni người cúng hết sức cung kính mà lễ bái dâng cúng dường phẩm vật, thức ăn. Do vậy đồ cúng vong, cúng cửu huyền rồi không bao giờ đem dâng cho chư Tăng Ni, đó là do lòng thành kính bổn phận, có truyền thống lâu đời của Phật tử, nên có câu:

Tín chủ cúng dường Phật Pháp Tăng
Chứng minh công đức nhờ Tam bảo
Chú tâm nguyện độ thiện duyên nầy
Tín chủ đời đời thêm phước báo.
Sở cầu sở ỳ đều thành tựu
Tín nhớ hạnh y nguyện trở về
Nay mới gieo nhơn nhơn chánh giác
Sau nầy chứng quả quả bồ đề.

(Bài học Khất sĩ)

Tại các chùa hằng ngày đều có lễ cúng vong, một là cúng thí thực, nhà Sư tụng Tiểu Mông Sơn thí gạo muối, nước sau thời công phu chiều (thí muối gạo, nước trước chánh điện), hai là cúng vong (những vị mới qua đời) nơi nhà cửu huyền. Tất cả những thức ăn cúng tại nhà cửu huyền, mỗi món một ít, sau khi cúng xong, do thời gian cúng lâu quá, thức ăn nguội lạnh, nên đem hấp lại cho nóng và đơm thêm thức ăn mới vào, dành đãi cho tín đồ Phật tử và mọi người cùng ăn rất quý và trọng thị.

Riêng chư Tăng hoặc chư Ni khi thọ thực, bắt buộc phải cúng quả đường dâng cúng lên Phật và cập Tăng, thọ thực tại trai đường, do đó chư Tăng Ni không bao giờ gặp thức ăn cúng vong, cúng cửu huyền. Lý do không ăn đồ cúng là vậy.

Do nền nếp sinh họat của giáo đoàn và các tự viện, tịnh xá như trên, nên không có câu nói: "người xuất gia không ăn đồ cúng.” Chúng ta cũng không nên gán ghép cho người xuất gia thành ngữ “chư Tăng Ni không ăn đồ cúng”, một câu nói có thể làm mất tinh thần lục hòa, chưa thật sự tôn kính chư tôn đức Tăng già và giáo đoàn của Phật.

Thành kính là phước báo
Quên mình là cội phước
Cầu xin cho tín chủ
Mau đắc quả thanh tịnh.

Nguồn tin: Phatgiao.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây