Chuyện người tốt thì chết yểu còn người ác lại sống dai không có nghĩa là không có luật nhân quả. Phật dạy, việc sống dai hay chết yểu của con người chủ yếu do nghiệp báo (nhân chính của chết yểu là do sát sanh…) nhưng nghiệp báo cũng có nhiều loại hiện báo (hiện đời), sinh báo (đời sau), hậu báo (nhiều đời sau).
Mặt khác, yếu tố tâm sinh lý hiện tại cũng liên quan đến thọ hay yểu. Người làm ác nhưng tâm trạng họ thoải mái, vui vẻ và làm những điều họ thích. Tâm trạng “lạc quan” đó cũng góp phần làm sức khỏe của họ tốt hơn. Ngược lại, người không làm ác, sống có đạo đức nhưng tâm trạng thì lúc nào cũng lo âu, rầu rĩ, bực tức thì làm sao không chết sớm cho được. Ví dụ có người hàng xóm ăn trộm con gà. Anh ta thịt gà nấu cháo rồi thưởng thức. Ta biết được chuyện đó cảm thấy tức tối, rằng tại sao lại có hạng người làm việc xấu ác mà có thể phè phỡn như vậy được. Trong khi anh ta ăn xong rồi lên giường ngủ một giấc ngon lành tới sáng thì mình suốt đêm không ngủ vì chuyện của anh ta. Như vậy thì ai khổ hơn ai và ai bị hao mòn sức khỏe hơn ai?
Đọc lịch sử chúng ta cũng thấy những trung thần thường chết sớm, còn nịnh thần, gian thần thì cứ sống phây phây hoài. Bởi vì trung thần thì luôn để tâm lo cho dân cho nước, lúc nào cũng “Bui một tấc lòng ưu ái cũ. Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông” (Thuật hứng, Nguyễn Trãi) thì làm sao không hao tâm tổn khí. Trong khi đó bọn gian thần thì chỉ lo cho bản thân và gia đình họ, chỉ tính làm sao cho họ được vinh thân phì gia, thì làm sao không… tăng cân cho được. Có những trung thần vì không chịu đựng được những việc làm của nịnh thần tức đến hộc máu mà chết (ngày nay gọi là tai biến). Đối với người tu cũng vậy. Người phá giới thì ung dung tự tại, còn người giữ giới thì cứ bực bội hoài, rằng sao tu mà không giữ giới. Như vậy thì ai mau già hơn ai?
Trong kinh Đức Phật cũng dạy rằng có những bệnh do nghiệp, nhưng cũng có những bệnh do thời tiết, ăn uống và lối sống. Theo y học cổ truyền thì tính khí của con người ảnh hưởng rất lớn đến cơ thể. Như hoan hỷ quá thì ảnh hưởng đến tim, phẫn nộ ảnh hướng đến gan, ưu sầu ảnh hưởng đến phổi, lo sợ ảnh hưởng đến thận và căng thẳng ảnh hưởng đến dạ dày. Cho nên vấn đề không phải là người ác mà sống dai còn người hiền thì chết sớm mà một phần là do cách sống của họ tác động làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ của họ.
Ở đây tôi không có ý rằng, mình cứ làm xấu, làm ác, miễn sao tâm trạng lúc nào cũng vui vẻ thoải mái là được, là sẽ có kết quả tốt. Tôi chỉ muốn nói rằng, chỉ làm người tốt không thôi chưa đủ mà còn phải hiểu mọi vấn đề cho rõ ràng và đúng đắn. Mình còn bực tức nghĩa là sự tu dưỡng của mình chưa cao, chưa điều tiết được cảm xúc, chưa dứt trừ được phiền não tham sân si, và nhất là chưa tường tận luật nhân quả. Đức Phật không chỉ dạy chúng ta giữ giới mà còn dạy chúng ta tu tập thiền định và trí huệ. Làm người có đạo đức chỉ là bước đầu căn bản. Nếu không có sự tu dưỡng tính khí và thấu đạt nhơn tình thì người bị tổn thương có khi lại chính là mình. Cho nên đạo đức, thẳng thắn, cương trực là tốt nhưng “ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ” (Nguyễn Đình Chiểu), ghét cay ghét đắng đến nỗi nộ khí xung thiên hay u sầu uất hận thì không tốt.
Chúng ta phải biết và tin sâu rằng luật nhân quả không bao giờ sai chạy. Chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về chính nghĩa. Cái xấu, cái ác, cái gian có thể nhất thời lấn lướt cái tốt nhưng đó chỉ như sự tươi tốt bên ngoài của cái cây, còn bên trong của cái cây đó thì đang bị sâu đục, không thể nào tránh khỏi cái chết trong nay mai. Người có niềm tin sâu sắc vào nhân quả sẽ không bao giờ bị lung lay bởi những gì xảy ra trước mắt, những cái tưởng chừng như trái với luật nhân quả. Sự vận hành của luật nhân quả và nghiệp của chúng sinh không phải là điều mà phàm phu có thể biết hết được. Chính Đức Phật đã nói điều đó, rằng có bốn điều mà phàm phu không thể dùng trí óc mà nghĩ tới được. Dù có suy nghĩ đến bể đầu cũng không hiểu đến chỗ tận cùng của chúng. Bốn điều đó là cảnh giới của một vị Phật, cảnh giới của một A-la-hán, sự vận hành của quả dị thục (tức nghiệp) và cuối cùng là tâm tư thế giới. Điều mà chúng ta có thể làm và nên làm là tin rằng: Làm ác thì không bao giờ có kết quả hạnh phúc và làm thiện thì không bao giờ có thể đưa đến kết quả khổ đau. Đó là chân lý của vũ trụ.
Triết học Mác-Lenin nói rằng sự phát triển của sự vật, hiện tượng là theo hình xoắn trôn ốc, có xu hướng, khuynh hướng lặp lại giai đoạn đầu nhưng ở trình độ cao hơn. Nói cách khác là sự vật, hiện tượng nhìn có vẻ không phát triển hoặc thoái hóa nhưng thực chất là chúng đang tiến hóa. Điều này cũng không khác mấy với cách vận động của luật nhân quả và nghiệp báo. Cái mà ta thấy chúng có vẻ trái với luật nhân quả nhưng kỳ thật là chúng đang đi rất đúng với quy luật tự nhiên rất công bằng này.
Ở gần nhà tôi hai gia đình rất trái ngược nhau. Gia đình A thì ăn ở hiền lành nhưng đủ ăn chứ không giàu, còn gia đình B thì giàu nhưng rất hung dữ. Gần đó có gia đình C rất nghèo, chồng bị tai biến, vợ buôn bán nhỏ và phải nuôi hai đứa con nhỏ, đành kêu bán nhà vì khó khăn. Lúc đầu bán cho gia đình A. Gia đình B biết được không muốn cho gia đình A mua được miếng đất gần đường lộ rất có giá trị đó nên đã trả giá cao hơn để mua. Gia đình A cũng không nói gì, hơn nữa còn mừng cho gia đình C vì đã bán được giá cao để có thêm tiền lo cho gia đình. Thế nhưng một thời gian sau thì chỗ đất đó bị giải tỏa và tiền đền bù thì không được bao nhiêu.
Riêng tôi, khi còn học ở Học viện PGVN tại TP.HCM (khóa VI, 2005-2009) thì trường có mở đợt thi Anh văn để cấp học bổng du học Ấn Độ. Lúc đó tôi không hay. Đến khi hay tin thì đã thi xong rồi. Tôi rất lấy làm tiếc, nghĩ sao mà mình kém phước quá. Sau khi học xong, tôi về chùa tu bình thường. Nghĩ rằng chắc mình chỉ có thể học tới đây thôi. Nhưng một năm sau thì có một Phật tử bên Mỹ về thăm quê hương. Qua nói chuyện biết được hoàn cảnh của tôi nên đã phát tâm tài trợ cho tôi du học Ấn Độ. Sau khi tôi học xong, vị Phật tử ấy vẫn tiếp tục ủng hộ tài vật cho tôi cho đến khi qua đời.
Tôi ngẫm nghĩ rằng nếu trước đây mình mà đi du học diện học bổng thì đâu có gặp được vị Phật tử này và đâu có được ủng hộ lâu dài như thế. Hơn nữa, nếu tôi qua Ấn Độ theo diện học bổng đợt đó thì việc học chưa chắc được thuận lợi như sau đó. Vì lúc đó các giáo sư đều đã có học trò nên việc tìm “seat” làm nghiên cứu sinh là vô cùng khó khăn. Chưa hết, tôi đã gặp được vị giáo sư rất tốt bụng và rất thương tôi, sẵn sàng giúp đỡ tôi mỗi khi tôi có việc cần. Nếu tôi qua trước đó thì rất có thể tôi sẽ không gặp được vị giáo sư tốt như vậy.
Cho nên nhiều khi mình mất cái này mà lại được cái kia còn tốt hơn cái này nữa. Không biết đó là phước của mình hay do mình ăn hiền ở lành mà chư thiên hộ pháp gia hộ, nhưng tôi thấy mình thật may mắn. Tôi kể ra những chuyện này không có ý chê hay khen ai, mà chỉ để chia sẻ rằng mình cứ làm lành thì vận may sẽ tự an bài. Có những chuyện mình thấy vậy chứ không phải vậy. Người làm ác có khi thấy họ được cái lợi trước mắt nhưng cái họa đang chờ họ phía trước. Còn người làm lành thì nhiều khi gặp cái họa nhỏ là để tránh cái họa to hay mất điều tốt đẹp này để được điều tốt đẹp khác lớn hơn. Cho nên mọi người cần phải tin tưởng sâu sắc vào luật nhân quả. Luật gì cũng lách được nhưng luật nhân quả thì không bao giờ sai chạy dù chỉ một tơ hào.
Một lần có người hỏi tôi là có tin địa ngục không. Tôi trả lời “tin”. Họ hỏi rằng “thầy không thấy địa ngục sao tin là có”. Tôi trả lời rằng tôi không thấy nhưng địa ngục là do chính Đức Phật nói. Vì tôi tin Phật nên tin có địa ngục. Đối với vấn đề nhân quả nghiệp báo cũng vậy. Có thể chúng ta không nắm hết quy luật tự nhiên này nhưng vì điều này do Đức Phật dạy. Chúng ta tin Phật nên cũng tin nhân quả vậy.
Hữu Huệ